Năm 2024 là năm ghi dấu thành công trong xúc tiến, mời gọi đầu tư hạ tầng KCN của TP Cần Thơ. Với vị trí chiến lược, nguồn nhân lực dồi dào và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thành phố đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất mới, trung tâm công nghiệp mới của ĐBSCL.
Dọn tổ đón “đại bàng”
Tháng 10-2024, khu công nghiệp (KCN) VSIP Cần Thơ (KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1) chính thức giải phóng mặt bằng đồng bộ với tổng diện tích 293,7ha chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng. Đây được xem là dấu mốc quan trọng để VSIP sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất mới của vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Thế Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP VSIP Cần Thơ, chia sẻ: VSIP đang thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sớm hoàn thiện hạ tầng, sớm có đất sạch bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp. Hiện nay, có 19 nhà đầu tư thứ cấp đã ký kết MOU với VSIP Cần Thơ để thuê đất công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy trên 60%. VSIP cũng phấn đấu đến quý II-2025 sẽ chào đón những doanh nghiệp (DN) đầu tiên vào thuê đất, đầu tư nhà xưởng. Sự đồng hành hỗ trợ nhiệt tình, tận tâm từ lãnh đạo thành phố và các sở, ngành hữu quan, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong vùng dự án, sự quan tâm của các đối tác đã tiếp thêm động lực để KCN VSIP sớm đi vào hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (hàng đầu, thứ ba từ phải sang) khảo sát tiến độ KCN VSIP Cần Thơ.
Theo ông Phạm Duy Tín, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, KCN VSIP Cần Thơ đang đẩy nhanh tiến độ, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư thứ cấp. Dự kiến cuối 2025, nếu đạt tỷ lệ lấp đầy 60%, VSIP sẽ chuẩn bị thủ tục xin đầu tư KCN VSIP Cần Thơ giai đoạn 2, quy mô 519ha. Ngày 31-12-2024, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) (Phú Mỹ Cần Thơ 3 IP), đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ. Dự án có diện tích 540,58ha, tổng vốn đầu tư 7.850 tỉ đồng theo mô hình cụm liên kết ngành. Đặc biệt, Thanh Bình Phú Mỹ cam kết sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp với số vốn hơn 2 tỉ USD. Năm 2024, Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP cũng quan tâm tìm hiểu dự án KCN công nghệ cao quận Ô Môn khoảng 250ha và KCN Cờ Đỏ - Thới Lai với diện tích 1.070ha. Đây xem như những làn gió mới thúc đẩy tiến trình CNH-HĐH của TP Cần Thơ khi các nhà đầu tư hạ tầng KCN tiềm lực mạnh quan tâm rót nguồn vốn lớn, xây dựng cụm liên kết ngành, gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với định hướng của Chính phủ.
Cùng với quyết tâm của các nhà đầu tư, thành phố cũng quan tâm đầu tư hạ tầng kết nối vào KCN, xây dựng các khu tái định cư đồng bộ, đảm bảo bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ để người dân đồng thuận ủng hộ dự án. Và quan trọng hơn là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, sẵn sàng cho công cuộc dọn tổ đón “đại bàng” của thành phố.
Thực hiện quy trình chiếu xạ hàng hóa xuất khẩu tại Công ty CP Chiếu xạ Cần Thơ. Ảnh: CTV
Lan tỏa sức hút đầu tư
Để trở thành trung tâm công nghiệp mới của vùng, thành phố đang mời gọi thu hút đầu tư lĩnh vực cảng biển và logistics, giúp DN xuất khẩu tiết kiệm thời gian và chi phí, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tháng 10-2024, Công ty CP Chiếu xạ Cần Thơ (ICT) chính thức đưa vào hoạt động nhà máy chiếu xạ tại khu vực Cảng Cần Thơ với công suất 19.000 tấn/năm; giai đoạn 1 của nhà máy bao gồm cụm kho bãi và dây chuyền chiếu xạ công nghiệp đa năng trên diện tích 2ha. Theo ông Huỳnh Quốc Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chiếu xạ Cần Thơ, Công ty phục vụ nhu cầu chiếu xạ của các khách hàng chủ lực là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, tôm sang thị trường Mỹ, châu Âu. Nhà máy chiếu xạ được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Việt Nam, với trang thiết bị máy móc đầu tư mới và hiện đại, Công ty cung cấp dịch vụ chiếu xạ với giá cả cạnh tranh sẵn sàng phục vụ nhu cầu của các khách hàng xuất khẩu. Công ty đang kết nối thêm khách hàng để cung cấp dịch vụ chiếu xạ đối với mặt hàng trái cây, thực phẩm, thiết bị y tế… Qua đó từng bước khẳng định vị thế của Công ty trong lĩnh vực chiếu xạ và logistics tại ĐBSCL nói riêng và tại Việt Nam nói chung. Đặc biệt là góp phần giúp nâng cao giá trị nông, thủy sản xuất khẩu và cải thiện hiệu quả quy trình logistics cho DN ĐBSCL, giúp hàng hóa xuất khẩu của DN đạt được các tiêu chuẩn quốc tế.
Đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vào KCN VSIP Cần Thơ.
Cùng với hành trình vươn lên trở thành trung tâm sản xuất mới của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đang vững bước tiến trở thành trung tâm năng lượng của vùng khi các dự án nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn đang triển khai quyết liệt. Theo đó, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cuối năm 2020; được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 22-1-2021 và được thẩm duyệt báo cáo khả thi tháng 6-2023. Dự án do Công ty TNHH Điện Ô Môn II (OM2PC) được thành lập bởi Liên danh Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (WTO) và Tập đoàn Marubeni làm chủ đầu tư. Theo ông Tomoya Kawabata, Tổng Giám đốc OM2PC, dự án đang khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan để sớm khởi công trong năm 2025, với quy mô công suất khoảng 1.050MW; áp dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp hiện đại, đảm bảo hiệu suất tối ưu, độ tin cậy và khả năng linh hoạt cao, thân thiện với môi trường. Dự án dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trong quý IV-2028 theo kế hoạch, phù hợp với tiến độ hiện tại của toàn chuỗi khí điện Lô B - Ô Môn.
Ông Phạm Duy Tín chia sẻ: Năm 2025, thành phố và Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp sẽ tập trung xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư tại các KCN trên địa bàn, nhất là KCN VSIP Cần Thơ. Đặc biệt là kết hợp DN đầu tư hạ tầng KCN mời gọi các nhà đầu tư FDI. Khi đó, thành phố sẽ cam kết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để các nhà đầu tư an tâm chọn đầu tư vào TP Cần Thơ. Hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu vừa được thông qua. Trong đó có thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ giúp thành phố đón làn sóng các nhà đầu tư tiềm năng về công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao thân thiện môi trường vào các KCN mới, để phát triển xứng tầm là trung tâm công nghiệp, trung tâm sản xuất mới của vùng ĐBSCL.
MINH HUYỀN