10/10/2010 - 10:11

Vị Thanh - Thành phố mới Tây sông Hậu

Tối 28-9-2010, Chính phủ công bố quyết định thành lập TP Vị Thanh (đô thị loại III) trực thuộc tỉnh Hậu Giang trong niềm vui của đảng bộ và nhân dân Hậu Giang. Đây cũng chính là đô thị cuối cùng trong chuỗi đô thị của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL bước sang trang sử mới, trong đó đi đầu là Cần Thơ đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Người dân Hậu Giang - vùng đất giàu truyền thống cách mạng - vùng đất phèn chua ngày nào đang kỳ vọng sẽ cất cánh đi lên từ vận hội mới này...

TP Vị Thanh được thành lập theo Nghị quyết số 34/NQ-CP của Chính phủ là thành phố trực thuộc tỉnh Hậu Giang trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Vị Thanh. TP Vị Thanh có diện tích tự nhiên 11.867,74 ha và 97.222 nhân khẩu, 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 5 phường: I, III, IV, V, VII và 4 xã: Vị Tân, Hỏa Lựu, Tân Tiến, Hỏa Tiến.

Một góc đô thị trẻ Vị Thanh (ảnh chụp tại bờ kè kinh xáng Xà No). Ảnh: T.KHIÊM  

Thời gian qua, Vị Thanh đã tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; chú trọng quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng công trình, chỉnh trang đô thị... Qua 6 năm chia tách tỉnh (chia tách từ tỉnh Cần Thơ), đến nay, TP Vị Thanh đã có gần 50 đồ án quy hoạch được phê duyệt với diện tích gần 2.800ha, chiếm 70% diện tích đất quy hoạch chung của thị xã trước đây. Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, Vị Thanh đã huy động nguồn vốn toàn xã hội khoảng 18.000 tỉ đồng. Đã có nhiều công trình hoàn thành nhờ nguồn vốn này, góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố mới này. Cũng trong khoảng thời gian ấy, Vị Thanh đã và đang triển khai 65 dự án với tổng nguồn vốn gần 7.000 tỉ đồng, nhằm chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Theo chủ trương của tỉnh, sau khi trở thành thành phố, Vị Thanh sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các khu đô thị gồm khu đô thị hiện hữu, khu đô thị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các khu đô thị mới, khu hành chính, thương mại, dịch vụ... Phấn đấu đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 45.000 tỉ đồng, tỷ lệ các tuyến phố văn minh đô thị đạt 40%...

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang, để phát triển đô thị và thu hút nhà đầu tư đến TP Vị Thanh, lĩnh vực được ưu tiên đầu tư là hệ thống giao thông đường bộ. Trong đó, quy hoạch hệ thống giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 sẽ điều chỉnh, mở rộng và xây dựng thêm hệ thống giao thông đường bộ, cảng, bến bãi. Dự kiến về đường bộ sẽ kéo dài đường tỉnh 926 vượt kênh Xà No đi dọc theo kênh Mười Bốn Ngàn, nối vào đường tỉnh 927 hiện hữu; kéo dài thêm một đoạn mới đi dọc theo kênh giải phóng và nối về đường tỉnh 928 tại thị trấn Trà Lồng. Nâng cấp đường huyện kênh Tám Ngàn thành đường tỉnh 927B. Kéo dài đường tỉnh 928 đến thị xã Ngã Bảy theo hướng nâng cấp đường Ngã Bảy - Tân Phước Hưng và tại điểm cuối đường tỉnh 928B tiếp giáp với đường tỉnh 931 để kéo dài nối vào đường tỉnh 930. Nâng cấp tuyến đường Rạch Gốc và Lương Tâm - Vĩnh Viễn thành đường tỉnh. Bổ sung một số tuyến mới ở Vịnh Chèo và các đường huyện. Nâng cấp tuyến đường dọc theo kênh Phụng Hiệp - Sóc Trăng theo tiêu chuẩn cấp IV...  Mục tiêu trong thời gian tới của Hậu Giang là làm sao phải có hệ thống giao thông phát triển đồng bộ giữa thành thị và nông thôn; phát huy hết nội, ngoại lực của một tỉnh mới, kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế cùng xây dựng hạ tầng giao thông để đưa tỉnh nhà phát triển.

Ông Huỳnh Minh Chắc, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: Trong 5 năm qua, đảng bộ, nhân dân thị xã Vị Thanh đã không ngừng phấn đấu xây dựng, phát triển đô thị Vị Thanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh và bền vững, tăng trưởng kinh tế năm 2009 bình quân gần 20%; GDP bình quân đầu người là 1.410 USD (năm 1999: 522 USD). Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị được quan tâm, thị xã đã hoàn thành quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình xây dựng cơ bản, trong đó công viên Văn hóa Xà No là công trình nằm trong danh mục các công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, xây dựng hoàn thành chợ Vị Thanh - chợ trung tâm và các chợ vệ tinh gồm chợ phường IV, phường VII. Huy động tổng nguồn vốn toàn xã hội tại Vị Thanh 5 năm qua đạt 18.000 tỉ đồng, đầu tư chủ yếu vào sản xuất, kinh doanh, nhà ở và hạ tầng kỹ thuật. Thành quả này được minh chứng bằng nhiều công trình được đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, tạo diện mạo mới cho đô thị, như: Bờ kè và công viên Xà No, đường Tây sông Hậu nối dài, đường Hậu Giang, mở rộng đường 3-2, đường Trần Hưng Đạo nối dài...

Ông Cao Văn Thum, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, cho biết: Đảng bộ, nhân dân thành phố phấn đấu đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 18-19%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 45.000 tỉ đồng; giá trị sản xuất 25.000 tỉ đồng; tỷ lệ đô thị hóa giai đoạn này đạt khoảng 75%; tỷ lệ đất giao thông đô thị chiếm 16,2%...

Nhìn chung, từ khi chia tách địa giới hành chính và thành lập tỉnh Hậu Giang, Trung ương và tỉnh đầu tư mạnh mẽ nên cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội phát triển nhanh. Hiện nay, Vị Thanh là đô thị trẻ có hạ tầng đô thị qui hoạch đầu tư tốt, tương lai sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đến làm ăn; dịch vụ thương mại phát triển góp phần làm thay đổi diện mạo cả về chất và lượng cho vùng đất giàu tiềm năng này.

LÊ KHÁNH - VINH KIM

Chia sẻ bài viết