18/04/2010 - 21:13

Tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình xây dựng Cống cấp 2 (thuộc tiểu dự án Ô Môn - Xà No):

Vì sao hơn 4 năm vẫn chưa được giải quyết?

Phần đất của ông Hồ Như Thống còn lại sau quy hoạch cống Trà Luộc, 4 năm nay chưa được tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Công trình xây dựng Cống cấp 2, gồm: Cống Trà Keo và Rạch Tra C (Trà Luộc), nằm trên tuyến đê bao Tắc Ông Thục, thuộc tiểu dự án Ô Môn - Xà No đi qua địa bàn quận Ô Môn được triển khai, thực hiện từ năm 2005. Các hộ dân có đất bị ảnh hưởng đã nhận tiền bồi hoàn, bàn giao mặt bằng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), để chính quyền và ngành chức năng tiến hành thủ tục tách phần diện tích nằm trong quy hoạch. Thế nhưng đến nay, các hộ dân này vẫn chưa được nhận lại GCNQSDĐ, từ đó đã gây bức xúc và khiếu kiện trong dân...

Tiểu dự án Ô Môn - Xà No thuộc dự án phát triển thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai, thực hiện từ năm 2005. Diện tích tự nhiên của quận Ô Môn nằm trong tiểu dự án 1.168,19 ha, trong đó, tiểu dự án đi qua 2 phường là Châu Văn Liêm và Trường Lạc. Có 3 tuyến đê thuộc tiểu dự án Ô Môn - Xà No là đê Tắc Ông Thục, đê Quốc lộ 91 và đê Ô Môn. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, từ khi triển khai, thực hiện dự án cho đến nay, đa số người dân nằm trong vùng dự án rất phấn khởi và đồng tình với chủ trương, chính sách của Nhà nước. Dự án hoàn thành sẽ chống lũ cho khoảng 767,026 ha đất nông nghiệp. Ngoài ra, trên tuyến đê bao Tắc Ông Thục cũng được xây dựng lộ bê tông rộng 4m, tạo điều kiện đi lại dễ dàng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở địa phương phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, một số hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi công trình xây dựng Cống cấp 2 (Cống Trà Luộc và Trà Keo) rất bức xúc, trước việc chính quyền địa phương chậm trễ trong việc thực hiện thủ tục cấp lại GCNQSDĐ cho phần diện tích đất còn lại sau khi quy hoạch.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, được biết: Ngày 28-10-2005, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3678/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình xây dựng Cống cấp 2, thuộc tiểu dự án Ô Môn - Xà No. Công trình này có 22 hộ dân có đất bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất bị thu hồi hơn 16.000m2. Sau khi nhận được tiền bồi hoàn, các hộ dân đã bàn giao mặt bằng cùng GCNQSDĐ cho chính quyền và các ngành chức năng để thực hiện việc tách giấy. Thế nhưng, đã hơn 4 năm trôi qua, các hộ dân này vẫn chưa được nhận lại GCNQSDĐ của mình.

Ông Hồ Như Thống, ngụ phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, có phần đất vườn diện tích 2.115m2 (tọa lạc tại khu vực Trường Hưng, phường Trường Lạc, quận Ô Môn) nằm trong quy hoạch xây dựng Cống cấp 2. Trong đó, diện tích đất thu hồi vĩnh viễn là 1.530,5m2 và đất tạm thu hồi là 594,5m2. Riêng, phần đất tạm thu hồi này, sau khi công trình thi công xong, ngày 8-8-2007, đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Thủy lợi 10 cùng chính quyền địa phương đã giao trả mặt bằng cho ông Thống. Nhưng sau đó, rất nhiều lần ông Thống liên hệ với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Ô Môn về việc tách GCNQSDĐ, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Bức xúc trước sự việc trên, ông Thống đã gởi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Thống nói: “Nhà tôi ở Cần Thơ. Cứ cách khoảng một tháng, tôi đến liên hệ với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Ô Môn để hỏi xem hồ sơ của mình tới đâu rồi. Nhưng tôi chỉ được lời hứa “đang làm”. Từ đó tới giờ, tôi tới lui có trên 20 lần, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết”.

Không riêng gì trường hợp của ông Thống, trường hợp ông Thái Văn Sô cũng tương tự. Bàn giao GCNQSDĐ từ năm 2006, nhưng đến nay cũng chưa được nhận lại GCNQSDĐ. Chính từ việc chậm trễ này, người dân gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các quyền của người chủ sử dụng đất hợp pháp. Ông Sô cho biết: “Không có bằng khoán, phần diện tích còn lại chúng tôi muốn làm gì cũng khó. Không được chuyển nhượng, tặng cho hay thế chấp ngân hàng, quả thật là một thiệt thòi cho dân. Tôi yêu cầu chính quyền và các ngành chức năng cần sớm điều chỉnh, giao trả bằng khoán lại cho chủ sử dụng đất”. Đó là 2 trong số 13 hộ dân đã giao GCNQSDĐ cho Hội đồng Bồi thường thiệt hại - Giải phóng mặt bằng của dự án, để thực hiện thủ tục tách phần diện tích đất nằm trong qui hoạch.

Tuy nhiên, việc chậm trễ trong việc tách GCNQSDĐ không chỉ người dân mà cả chính quyền địa phương cũng gặp khó. Ông Phạm Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Lạc, cho biết: “Thời gian qua, một số hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi 2 tuyến cống Trà Keo và Trà Luộc đã nhiều lần phản ánh với chúng tôi về việc chậm trễ trong việc tách phần đất nằm trong quy hoạch. Không chỉ người dân, về phía địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong việc xét cấp, đổi GCNQSDĐ theo mẫu mới cho bà con. Đa số các trường hợp này, chúng tôi không còn cách nào khác hơn ngoài việc chừa lại, chờ giải quyết sau. Bởi, chúng tôi không nắm được cụ thể diện tích của bà con bị thu hồi là bao nhiêu và phần diện tích còn lại là bao nhiêu!”.

Bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Ô Môn, cho biết: Trước đây, UBND quận có tổ chức buổi họp bàn về giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc tách GCNQSDĐ cho các hộ dân có đất nằm trong qui hoạch tuyến đê Tắc Ông Thục. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo: Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng 10, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận; Ban Bồi thường thiệt hại - Giải phóng mặt bằng và Trạm Thủy lợi quận. Sau đó, chúng tôi đã bàn bạc và đi đến thống nhất hướng giải quyết như sau: Đề nghị Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 10 ký hợp đồng với Ban Bồi thường thiệt hại - Giải phóng mặt bằng quận về việc kiểm tra, xác minh lại hồ sơ kỹ thuật đất của các hộ dân. Sau đó, Ban Bồi thường thiệt hại - Giải phóng mặt bằng quận sẽ cung cấp cho Phòng Tài nguyên - Môi trường quận tham mưu trình UBND quận ra quyết định thu hồi đất chi tiết cho từng hộ dân của dự án, để tiến hành thủ tục tách GCNQSDĐ, theo quy định, sớm giao trả GCNQSDĐ cho bà con”.

Như vậy, những vướng mắc trong việc tách GCNQSDĐ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch Cống cấp 2 (Trà Keo và Trà Luộc) đã có hướng giải quyết. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần nhanh chóng thực hiện, sớm giao trả GCNQSDĐ lại cho bà con sử dụng, nhằm tránh được những bức xúc, khiếu kiện trong dân.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết