11/07/2022 - 00:13

Vì sao hàng ngàn nhân viên y tế nghỉ việc? 

Bài, ảnh: H.HOA

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 30-6-2022, có gần 9.400 nhân viên y tế (NVYT) thôi việc, bỏ việc, chiếm 0,02% tổng số NVYT toàn ngành. Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế). Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên, tình trạng NVYT nghỉ việc do gặp nhiều khó khăn, vất vả: cường độ và áp lực công việc cao, cơ sở vật chất của các đơn vị y tế công lập còn hạn chế, môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi; thu nhập bị giảm đáng kể, nhất là tại y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại chốt kiểm soát lúc 0 giờ ngày 9-7-2021. 

Còn tại TP Cần Thơ, thống kê của Sở Y tế thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2022, tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế có 111 NVYT xin thôi việc, bỏ việc. Cụ thể có 48 bác sĩ, 24 điều dưỡng, 15 kỹ thuật y và 24 nhân viên y tế khác xin thôi việc, bỏ việc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Sở Y tế thành phố là do áp lực công việc cao; thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống gia đình, chế độ, chính sách cho NVYT chưa hợp lý. Trong khi điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động chuyên môn thiếu.

Lãnh đạo của một bệnh viện tuyến cuối ở Cần Thơ cho biết: Khi NVYT có chuyên môn cao nghỉ việc là mất mát lớn cho bệnh viện. Bởi các cơ sở y tế công lập phải mất nhiều năm nữa để đào tạo, huấn luyện được đội ngũ cán bộ có tay nghề, có chuyên môn thay thế những vị trí này. Việc đào tạo được một thầy thuốc giỏi nghề ngoài sự nỗ lực của bản thân người thầy thuốc, bệnh viện cũng tạo điều kiện về học tập, thời gian, kinh phí… cho họ. Thầy thuốc nghỉ việc khối công thường chuyển sang tư nhân hoặc về mở phòng mạch tư nhân. Việc này ảnh hưởng công tác điều trị tại bệnh viện, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là bệnh nhân.

Trước tình trạng trên, Sở Y tế thành phố kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần cải cách chế độ tiền lương, xem xét điều chỉnh mức lương và các chính sách cho phù hợp, tương xứng với sức lao động của NVYT. Ðảm bảo điều kiện làm việc, trong đó có chế độ phụ cấp thường trực 24/24 giờ; chế độ phụ cấp chống dịch; phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, độc hại, nguy hiểm…, có chính sách thu hút NVYT chuyên môn cao; xây dựng hành lang pháp lý giúp NVYT yên tâm công tác. Về lâu dài, theo lãnh đạo Sở Y tế, vấn đề cải cách và đổi mới cơ chế tài chính đối với ngành y tế hiện nay cần được sửa đổi, bổ sung trong hệ thống pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ, đãi ngộ NVYT và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó, cần phải sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế và thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho phù hợp, tương xứng với sức lao động. Ðó sẽ là đòn bẩy nâng cao năng suất, hiệu quả công việc của cán bộ, NVYT.

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế thống kê, đánh giá chính xác, trung thực thực trạng NVYT bỏ việc, thôi việc báo cáo Chính phủ để có các giải pháp kịp thời, giải quyết hiệu quả thực trạng này.

Có thể thấy, con số gần 9.400 NVYT nghỉ việc trong 18 tháng qua của cả nước theo thống kê của Bộ Y tế dù chưa nêu cụ thể số tuổi người nghỉ việc; chức danh, chuyên khoa; thu nhập; làm việc ở tuyến nào: Trung ương, tỉnh/thành phố, quận/huyện, xã/phường/thị trấn; lý do xin thôi việc…, nhưng đã phản ánh những bất cập về tiền lương, phụ cấp, môi trường làm việc... Vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là Bộ Y tế cần rà soát tổng thể chính sách về tiền lương, phụ cấp, trực, môi trường làm việc, hành lang pháp lý bảo vệ NVYT... để tìm ra nguyên nhân và đề xuất cấp thẩm quyền có giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm đảm bảo quyền lợi cho NVYT, đảm bảo cân bằng lực lượng y tế các tuyến, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Chia sẻ bài viết