01/12/2008 - 20:18

Phân ban ở bậc trung học phổ thông

Vì sao đại đa số học sinh chọn ban cơ bản?

Chương trình phân ban ở bậc Trung học phổ thông (THPT) được thực hiện đại trà từ năm học 2006-2007. Qua 3 năm triển khai tại Cần Thơ, phần lớn học sinh chọn ban Cơ bản. Theo lý thuyết, ban Cơ bản có tính linh hoạt, nhiều học sinh lựa chọn ban này là đáng mừng vì đến năm 2015, giáo dục phổ thông Việt Nam tiến đến dạy học tự chọn. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy học sinh chọn ban Cơ bản vì chưa định hướng được khối thi đại học hoặc không đủ khả năng theo học chương trình nâng cao của các ban Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.

Lý thuyết: ban Cơ bản linh hoạt

Chương trình phân ban ở bậc THPT hiện nay được chia làm 3 ban: ban Khoa học tự nhiên (KHTN), ban Khoa học xã hội (KHXH) và ban Cơ bản. Theo thống kê của Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, có 20,41% học sinh THPT chọn ban KHTN, 73,63% học sinh chọn ban Cơ bản và chỉ có 5,96% học sinh chọn ban KHXH.

Giờ học Vật lý ở lớp 11B1 - Ban cơ bản, Trường THPT Châu Văn Liêm. Lớp có 43 học sinh.  

Học sinh ban KHTN sẽ học 4 môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học theo chương trình nâng cao; các môn còn lại, học theo chương trình chuẩn. Đối với ban KHXH, học sinh học theo chương trình nâng cao 4 môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ; các môn còn lại, học theo chương trình chuẩn. Trong đó, chương trình chuẩn là chương trình nhằm đảm bảo giáo dục mang tính phổ thông, cơ bản, toàn diện và hướng nghiệp cho tất cả học sinh. Ngoài ra, học sinh 2 ban KHTN và KHXH cũng được tự chọn học một số chủ đề để nắm chắc hơn các nội dung nâng cao.

Không như ban KHTN và KHXH, ở ban Cơ bản, học sinh học tất cả các môn theo chương trình chuẩn. Đồng thời, mỗi tuần, học sinh ban Cơ bản sẽ có 4 tiết học tự chọn. Trong tất cả các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, học sinh có thể chọn 3 môn để học theo chương trình và sách giáo khoa nâng cao. Học sinh ban Cơ bản cũng có thể sử dụng thời lượng dạy học tự chọn này để học một số chủ đề theo sự lựa chọn của bản thân. Mục tiêu của ban Cơ bản là thể hiện tính phân hóa nhằm phát triển những kỹ năng và hứng thú cá nhân của học sinh nhưng vẫn đảm bảo tính phổ thông, toàn diện.

Có thể nhận thấy so với ban KHTN và ban KHXH, chương trình của ban Cơ bản linh hoạt hơn. Chẳng hạn, học sinh định hướng thi đại học vào các ngành thuộc khối D (thi 3 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ), nếu chọn ban KHXH thì không được học nâng cao môn Toán, còn chọn học ban KHTN thì không được học nâng cao môn Ngữ văn và Ngoại ngữ. Trong khi đó, nếu học ban Cơ bản, học sinh này sẽ thuận lợi hơn vì có thể dành thời lượng học môn tự chọn tập trung đầu tư cho 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Tương tự, tất cả học sinh ở ban KHTN đều phải học nâng cao cả 4 môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, trong khi thi đại học khối A thì không cần học nâng cao Sinh học, còn thi đại học khối B thì cũng chẳng cần học nâng cao Vật lý.

Mặc dù thực hiện chương trình phân ban nhưng hiện nay, nhiều trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ không thể tổ chức được nhiều ban. Nguyên nhân là phần lớn học sinh đều chọn học ban Cơ bản, không đủ học sinh để mở lớp ban KHTN, KHXH.

Thực tế: không đủ khả năng học ban KHTN, KHXH!

Trường THPT Bán công Ô Môn có 667 học sinh thì cả 667 em đều chọn học ban Cơ bản. Cô Võ Thị Mai, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết: “Chỉ có một vài học sinh chọn học ban KHTN và KHXH nên trường không thể mở lớp. Vì vậy, trường chỉ có ban Cơ bản”. Tình trạng này cũng xảy ra ở Trường THPT Bán công Thốt Nốt, Trường THPT Bán công Nguyễn Việt Dũng khi 100% học sinh các trường này đăng ký học ban Cơ bản. Theo phân tích của nhiều cán bộ quản lý, phần lớn học sinh ở các trường THPT chọn ban cơ bản là do học lực của các em thuộc dạng trung bình yếu, không đủ năng lực để học theo chương trình nâng cao của ban KHTN, KHXH. Em Huỳnh Thị Bích Chăm, học sinh lớp 12C, Trường THPT Bán công Ô Môn, nói: “Lúc đầu, em đăng ký học Ban KHXH. Do quá ít học sinh đăng ký học ban này, trường không thể mở lớp, nên em học ban Cơ bản. Bây giờ, em lại thấy mình học ban Cơ bản phù hợp hơn vì khi tham khảo sách giáo khoa của ban KHXH, em thấy chương trình nặng quá”.

Học sinh ở các trường vùng ven cũng nghiêng về lựa chọn ban Cơ bản. Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Điền có 50 lớp thì chỉ có 5 lớp ban KHTN, 3 lớp ban KHXH, còn lại 42 lớp ban Cơ bản. Thầy Nguyễn Ngọc Côn, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết: “Do trên địa bàn không có trường bán công nên tỷ lệ tuyển sinh đầu cấp của trường rất cao. Phần lớn học sinh có học lực trung bình nên các em không dám chọn ban KHTN hay KHXH mà chỉ chọn ban Cơ bản”. Chương trình ban Cơ bản cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản, gần như chương trình khung. Thế nhưng, theo nhiều giáo viên chương trình còn sơ sài. Thầy Nguyễn Ngọc Côn cho rằng học sinh học chương trình ban Cơ bản có thể nắm bắt kiến thức để thi tốt nghiệp THPT. Còn để tạo điều kiện cho học sinh học lên cao hơn thì dường như chương trình ban Cơ bản vẫn còn thiếu. Bên cạnh đó, nhiều trường vùng ven, trường bán công còn hạn chế về cơ sở vật chất nên việc thực hiện dạy học tự chọn, nâng cao gặp rất nhiều khó khăn.

***

Tại Hội nghị giao ban lần thứ nhất các Sở Giáo dục và Đào tạo 5 thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ tại TP Cần Thơ vừa qua, khi đề cập đến vấn đề phân ban, tình trạng nghiêng về ban Cơ bản cũng đã được nhiều đại biểu trao đổi. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho rằng mục đích của chương trình phân ban là tạo điều kiện cho học sinh chọn lựa và phát huy thế mạnh. Tuy nhiên, khi hầu hết học sinh chọn ban Cơ bản thì phải nghiên cứu thêm để điều chỉnh cho phù hợp.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết