07/01/2008 - 21:37

Mô hình thí điểm Trường Trung học phổ thông kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng:

Vì sao chất lượng đào tạo còn thấp?

Cần Thơ là một trong 4 tỉnh thành đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm mô hình Trường Trung học Phổ thông Kỹ thuật (THPTKT). Khi chọn Trường THPT Trần Ngọc Hoằng để triển khai mô hình này, ngành giáo dục thành phố mong muốn tận dụng những điều kiện sẵn có về nhà xưởng, chuồng trại… của Nông trường Sông Hậu để dạy nghề cho học sinh. Thế nhưng, trong đợt khảo sát vào tháng 11-2007, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng là trường triển khai thí điểm mô hình trường THPTKT yếu nhất so với 3 trường còn lại ở Đồng Tháp, Phú Thọ và Quảng Bình. Thực tế như thế nào?

Năm học 2005-2006, Trường THPT Trần Ngọc Hoằng bắt đầu chuyển sang thực hiện thí điểm mô hình trường THPTKT. Trường tuyển 3 lớp 10, với 114 học sinh đăng ký theo học 4 nghề: tin học, điện tử dân dụng, làm vườn và thú y. Đến nay, Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng có 383 học sinh ở cả 3 khối lớp 10, 11 và 12.

 Học sinh Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng đang học nghề điện tử dân dụng. Ảnh: TƯ LIỆU CỦA TRƯỜNG 
Trong 3 năm qua, ngành giáo dục thành phố đã đầu tư xây dựng cho Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng 2 phòng tiền chế. Ngoài ra, trường cũng tiết kiệm kinh phí xây thêm được 4 kho chứa thiết bị. So với “cái vỏ” bên ngoài, “phần ruột” của trường được đầu tư nhiều hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đầu tư cho trường 2 phòng bộ môn Lý và Hóa sinh, 1 phòng nghe nhìn, 1 phòng tin học, 1 phòng Lab và các thiết bị dạy nghề của khối 10 với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, sự đầu tư này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy học của thầy trò Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng.

Mô hình trường THPTKT đòi hỏi phải có nhà xưởng cho học sinh thực hành. Thế nhưng, do trường không có kinh phí xây dựng nhà xưởng nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa đầu tư thiết bị. Các giáo viên của Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng phải linh động dạy nghề thú y, làm vườn ở phòng thiết bị; dạy nghề điện tử dân dụng ở phòng bộ môn Vật lý. Phòng Lab của trường thì lâu rồi không sử dụng được vì máy chủ bị hư, đang gởi đi bảo hành ở tận Hà Nội.

Ông Nguyễn Công Luận, Phó Hiệu trưởng Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng, cho biết: “Phòng bộ môn Vật lý được trưng dụng cho học sinh kỹ thuật điện dân dụng học tập nên nhiều khi học sinh phổ thông không có phòng để học thực hành Vật lý”. Bên cạnh đó, trường cũng không được trang bị vật tư tiêu hao nên gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hành cho học sinh. Sách dạy nghề thường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp muộn. Chẳng hạn, năm học 2007-2008, đến khoảng tháng 11, sách dạy nghề lớp 11, 12 mới được cung cấp đến Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng. Trong thời gian chờ sách, giáo viên phải căn cứ vào giáo trình được tập huấn để dạy cho học sinh.

Việc dạy nghề làm vườn, thú y cho học sinh ở Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng gần như được thực hiện theo kiểu chắp vá, nhờ vào cơ sở sẵn có. Học sinh của lớp nghề làm vườn thực hành ngay tại hàng xoài giữa sân trường. Đây là hàng xoài được trồng trước khi thực hiện thí điểm mô hình Trường THPTKT. Còn vườn ươm là một khoảnh đất nhỏ, nằm phía sau dãy phòng học, chỉ le ngoe vài cây kiểng. Nhưng như thế vẫn tốt hơn so với lớp nghề thú y. Ông Nguyễn Công Thành, có con trai đang học lớp 12, nghề thú y tại Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng, băn khoăn: “Năm con tôi học lớp 10, tôi còn thấy cháu đi thực hành một vài lần tại trại chăn nuôi của nông trường. Sau đó thì toàn là học chay. Thật sự, tôi không an tâm với cách dạy, học nghề như thế!”.

Ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên dạy nghề cũng là vấn đề bất cập so với nhu cầu của một trường THPTKT. Hiện nay, Trường THPT Trần Ngọc Hoằng chỉ có 1 giáo viên kỹ thuật để dạy nghề Điện dân dụng. Ba nghề còn lại là tin học, làm vườn và thú y thì do giáo viên bộ môn phụ trách. Cụ thể: giáo viên môn Toán đảm nhiệm dạy nghề Tin học; giáo viên môn Sinh vật đảm nhiệm dạy nghề làm vườn và nghề thú y. Chính vì vậy, khó mà đòi hỏi dạy nghề ở Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng đạt chất lượng, hiệu quả cao.

***

Quyết định số 2735/QĐ-BGD&ĐT-THPT, ngày 17-6-2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, TP Cần Thơ cùng các tỉnh: Phú Thọ, Quảng Bình, Đồng Tháp chuẩn bị thí điểm mô hình trường THPTKT từ năm học 2004-2005. Tuy nhiên, đến năm học 2005-2006, chương trình này mới được đồng loạt tiến hành. Năm học 2007-2008, tỉnh Thừa Thiên- Huế xin được phép thí điểm. Đến nay, có 5 tỉnh, thành thực hiện thí điểm mô hình trường phổ thông- kỹ thuật.

Ngay khi bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình trường THPTKT, nhiều phụ huynh rất phấn khởi bởi sau 3 năm học, con em của họ vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng nghề. Thế nhưng, giờ đây không ít người lo ngại, băn khoăn. Ông Nguyễn Công Thành nói: “Tôi lo rằng với cách dạy nghề như thế, con tôi khó có được tay nghề vững vàng. Về văn hóa, tôi càng lo hơn, không biết con tôi có đủ kiến thức để dự thi tốt nghiệp như những học sinh phổ thông khác hay không”. Đây cũng là lo lắng của nhiều giáo viên, cán bộ quản lý của Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng. Bởi thực tế, chương trình học văn hóa của học sinh THPTKT “nhẹ” hơn khoảng 30% so với chương trình THPT bình thường. Bàn về hướng nâng chất mô hình đào tạo này, ông Nguyễn Qúi Đôn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: “So với các trường thực hiện thí điểm mô hình THPTKT, Trường THPTKT Trần Ngọc Hoằng còn nhiều khó khăn do phải cùng lúc vừa thực hiện thí điểm mô hình phổ thông- kỹ thuật, vừa giảng dạy chương trình THCS. Ngành đã có kế hoạch sử dụng cơ sở cũ của Trường THPT Lưu Hữu Phước (sau khi Trường THPT Lưu Hữu Phước xây mới hoàn thành) để tách trường THPTKT ra riêng”.

TP Cần Thơ còn nhiều khó khăn trong việc phân luồng học sinh sau THCS. Vì vậy, mô hình vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề là mô hình phù hợp với định hướng phân luồng nói riêng và đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục bậc trung học của TP Cần Thơ nói chung. Thế nhưng, nếu không được quan tâm đúng mức, mô hình mới này sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết