22/07/2008 - 10:41

Vì sao các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế triển khai chậm ?

Trong một khóa học đại học ở nước ngoài (từ 4-5 năm), bình quân hàng năm du học sinh phải tốn hàng chục ngàn USD cho học phí và các chi phí ăn, ở... Chi phí đó còn tùy thuộc vào ngành học, trường học của du học sinh. Tốn kém vừa phải nhưng chương trình đào tạo vẫn có chất lượng tương đương- đó là điều mà các chương trình đào tạo tại chỗ theo chuẩn quốc tế hướng đến. Từ năm 2005, các chương trình này đã và đang được triển khai tại một số cơ sở đào tạo ở TP Cần Thơ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những dè dặt...

* Những bước đầu tiên

Từ năm 2005, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh (KT&QTKD), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo Quốc tế KENT tại TP Hồ Chí Minh, thuộc Học viện Công nghệ và Quản trị KENT- Úc, đào tạo chuyên ngành QTKD cho học sinh đã tốt nghiệp THPT. Theo chương trình này, học viên học tập trung chương trình chính khóa tại Việt Nam từ 1 năm rưỡi đến 2 năm và được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học. Sau đó, học viên có thể học chuyển tiếp từ 1 đến 1 năm rưỡi ở các trường đại học liên thông với Học viện KENT và các trường quốc tế khác ở Úc, Mỹ, Anh, Singapore... để lấy bằng cử nhân quốc tế.

Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ truy cập Internet tại Trung tâm học liệu. 

Giảng dạy là những giảng viên nước ngoài, giảng viên của các trường ĐH ở TP Hồ Chí Minh và Trường ĐHCT, có trình độ từ tiến sĩ trở lên, đã qua đào tạo ở nước ngoài. Qua 2 khóa đào tạo, có 17 học viên tham gia chương trình. Một số đã học chuyển tiếp ở các trường đại học liên thông với Học viện KENT và các trường quốc tế khác ở Úc, Mỹ... để lấy bằng cử nhân. Đây là chương trình đào tạo chất lượng cao, học viên học tại Việt Nam nhưng vẫn lấy được văn bằng của Úc. Chương trình được Chính phủ Úc công nhận đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng đào tạo.

Ưu điểm của chương trình này là chất lượng đào tạo tương đương như tại Học viện KENT nhưng chi phí thấp hơn nhiều so với đi học tại Úc. Bình quân, học phí cho 2 năm học tại Việt Nam khoảng 3.000 USD/học viên. Trong khi đó, học phí chương trình QTKD tại Học viện KENT khoảng 4.600 USD/học viên, chưa tính học phí khóa học dự bị và chi phí ăn ở sinh hoạt ở nước ngoài.

Một trường hợp khác, nhiều năm nay, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT), Trường ĐHCT đã hợp tác với Tổ chức AUF (Cộng đồng các trường ĐH nói tiếng Pháp) mở các lớp đào tạo kỹ sư theo chương trình đào tạo song ngữ Việt- Pháp. Sinh viên theo học sẽ được học một số môn chuyên ngành bằng tiếng Pháp. Cuối khóa học, sinh viên vừa nhận bằng tốt nghiệp đại học do Trường ĐHCT và một chứng chỉ do Tổ chức AUF cấp.

Mới đây, tháng 4-2008, Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ (TTĐHTC CT) cũng đã triển khai đào tạo thạc sĩ hai giai đoạn ngành Quản lý dự án và ngành Kỹ thuật và Quản lý công nghiệp. Đây là chương trình đào tạo liên kết với Viện Công nghệ Châu Á (AIT). Trong đó, chương trình đào tạo, thời gian đào tạo... do Trường Kỹ thuật và Công nghệ (SET) - AIT đảm trách. Ông Nguyễn Văn Ấu, Phó Hiệu trưởng TTĐHTC CT, cho biết: “Chương trình này được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của công chức viên chức, sinh viên làm việc, học tập trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị. Đây là điều kiện để giúp học viên thụ hưởng nền giáo dục chất lượng cao được quốc tế công nhận, với học phí vừa phải”.

Có thể nói, các cơ sở đào tạo ở Cần Thơ đã bước những bước đầu tiên trên con đường triển khai các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Tuy nhiên, những bước đi này còn hết sức dè dặt cả ở 2 phía: cơ sở đào tạo và người học.

* Dè dặt và thận trọng

Tiến sĩ Võ Thành Danh, Phó Trưởng khoa KT&QTKD, Trường ĐHCT, cho biết: “Sau khi kết thúc hai khóa học, Khoa KT&QTKD đã ngưng triển khai chương trình liên kết đào tạo giữa Khoa và Học viện KENT do còn ít học viên. Nhiều người chưa mặn mà với chương trình này vì đây thực sự chỉ là chương trình đào tạo tương đương với bậc trung cấp. Muốn học liên thông lên bậc học cao hơn, học viên phải lên TP Hồ Chí Minh hoặc ra nước ngoài học tập. Học phí của giai đoạn này khá cao nên rất ít học viên có điều kiện tham gia”.

Lý do chi phí chỉ là một nguyên nhân. Nguyên nhân chính vẫn là rào cản về ngoại ngữ đối với học sinh, sinh viên ở ĐBSCL. Theo tiến sĩ Võ Thành Danh, để tham gia vào các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, người học phải đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu là C (nghe nói tốt). Do đó, hiện nay ít học sinh, sinh viên đạt yêu cầu. Còn ông Nguyễn Văn Ấu, Phó Hiệu trưởng TTĐHTC CT cho rằng, các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế đến với ĐBSCL chưa tạo được lòng tin về chất lượng đào tạo...

Mặc dù vậy, chuyện đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế đã có những bước đi đầu tiên, các cơ sở đào tạo đã có kinh nghiệm để tiếp tục triển khai các chương trình. Tiến sĩ Võ Thành Danh nói: “Sau 2 khóa liên kết đào tạo với Học viện KENT, chúng tôi học tập được nhiều kinh nghiệm về quản lý qui trình đào tạo. Sắp tới, khoa sẽ liên kết với một số trường ĐH của Anh, New Zealand để đào tạo sau đại học một số chuyên ngành như Quản trị kinh doanh và Tài chính ngân hàng... Khoa CNTT&TT cũng đã phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Nantes- Pháp đào tạo thạc sĩ ngành CNTT.

* * *

Rõ ràng các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế là một hình thức du học tại chỗ với chi phí thấp hơn nhiều so với học tại nước ngoài và là hướng đi khả thi nhằm tạo chuyển biến tích cực cho chất lượng đào tạo nhân lực vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Trên khía cạnh nhu cầu học tập, các chương trình này đã mở thêm cơ hội chọn lựa cho nhiều người. Vấn đề là cơ hội này sẽ phát triển như thế nào? Được tận dụng ra sao? Chất lượng đào tạo có như ý muốn? Đó là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết