27/10/2019 - 17:24

Văn hóa sông nước kết nối các quốc gia khu vực Đông Nam Á 

(CT)- Sáng 27-10, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa sông nước ở Đông Nam Á - Bảo tồn và phát triển”. Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học viên, sinh viên… đến từ Việt Nam, Thái Lan, Lào, Philippines, Nigeria…

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Hội thảo khoa học này nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi, công bố các kết quả nghiên cứu, góp phần hiểu hơn về văn hóa sông nước khu vực Đông Nam Á. Gần 100 tham luận gởi về Hội thảo tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính: văn hóa sông nước trong tiến trình lịch sử; văn hóa sông nước - sự thống nhất trong đa dạng; văn hóa sông nước với sự phát triển kinh tế - xã hội; văn hóa sông nước khúc xạ vào văn học. Các tham luận đã chỉ rõ những nét tương đồng và khác biệt giữa văn hóa sông nước của các quốc gia; nêu bật vai trò kết nối khu vực Đông Nam Á thông qua nền văn hóa sông nước, văn hóa lúa nước.

Văn hóa sông nước là loại hình văn hóa đặc trưng ở ĐBSCL. Trong ảnh: Một phiên chợ nổi ngày Tết trên sông ở Kiên Giang.

Các đại biểu còn chia sẻ kinh nghiệm khai thác yếu tố văn hóa sông nước thành sản phẩm du lịch, kết nối cộng đồng, bảo lưu giá trị văn hóa bản địa… Đặc biệt, vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa sông nước dưới tác động của biến đổi khí hậu, cuộc cách mạng công nghiệp và quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi có sự chung tay của 11 quốc gia trong khu vực. Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng văn hóa sông nước ở ĐBSCL rất phong phú nhưng cũng đang chịu những tác động chung, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của toàn vùng. Giáo sư Hà Thanh Toàn thông tin thêm: Trường Đại học Cần Thơ đang chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ĐBSCL, đây sẽ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa sông nước ĐBSCL trong quá khứ và hiện tại.

Tin, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết