24/07/2012 - 08:12

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố

Vẫn còn nhiều khó khăn

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 5 năm qua (2006-2011), các cấp ủy đảng, chính quyền TP Cần Thơ luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xứng tầm là thành phố trực thuộc Trung ương. Thế nhưng, trong chuyến khảo sát của Đoàn cán bộ Trung ương đến làm việc với lãnh đạo thành phố về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vào ngày 17-7, nhiều vấn đề vướng mắc nảy sinh, cần tháo gỡ...

Thành tựu sau 5 năm

Đại diện cán bộ, viên chức tốt nghiệp từ Đề án Cần Thơ 150 đang bày tỏ nguyện vọng của mình với lãnh đạo HĐND TP Cần Thơ, sau khi đi học về. 

Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nhất là kể từ khi TP Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị tại địa phương ngày càng vững về lý luận, giỏi về chuyên môn. Sự quan tâm trên thể hiện qua việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trường lớp khang trang cho các cấp học; mạng lưới các trường cao đẳng, trung cấp nghề phủ đều khắp các quận, huyện. Các chương trình, đề án cụ thể đang phát huy tốt hiệu quả như: Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố đến năm 2010 và tầm nhìn 2020; Đề án Cần Thơ 150;...

Qua báo cáo của Thành ủy Cần Thơ cho thấy, giai đoạn 2006-2011, tỷ lệ người dân học hết THPT so với dân số chiếm 20,85%; tỷ lệ người dân có trình độ sơ cấp nghề đạt trên 2% so với dân số cùng độ tuổi. Năm 2011, thành phố có tỷ lệ người dân từ 15 tuổi lên biết chữ so với dân số đạt trên 96%. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề chiếm 45% so với lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế... Theo đánh giá của Đoàn cán bộ Trung ương, những năm gần đây, trình độ của cán bộ, viên chức, công chức (CB, CC, VC) làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước TP Cần Thơ ngày càng nâng lên. Tính đến cuối năm 2011, thành phố có hơn 22.580 CB, CC, VC hoạt động trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp của thành phố; trong đó có trên 50% CB, CC, VC có trình độ đại học trở lên...

Khó thu hút học sinh đến trường nghề

Ông Trần Văn Kiệt, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, cho biết: “Chất lượng đào tạo nhân lực có trình độ nghề, trung cấp và cao đẳng, đại học vẫn còn nhiều bất cập, do tỷ lệ người dân theo học nghề và trung cấp rất ít so với cao đẳng, đại học. Trong khi đó, chủ trương của nhà nước là đẩy mạnh phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông (khoảng 30% học sinh vào học trường nghề, trung cấp hay giáo dục thường xuyên)”. Theo ông Kiệt, lãnh đạo các trường cao đẳng, trung cấp thường “chuộng” tuyển sinh đầu vào là những học sinh tốt nghiệp THPT và tâm lý của đại bộ phận học sinh, phụ huynh thích vào học đại học nên dẫn đến bất hợp lý trên.

Thực tế cho thấy, giai đoạn 2006-2011, tỷ lệ người dân của thành phố có trình độ trung cấp, cao đẳng nghề và cao đẳng rất thấp (chiếm chưa đến 1%). Lý giải cho tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho rằng: “Thực tế, những sinh viên tốt nghiệp từ các trường nghề tìm việc làm hết sức khó khăn. Một phần do chương trình đào tạo chưa phù hợp với thực tế phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Các cơ sở đào tạo chưa tạo được lực hút đối với học sinh, bởi cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trường nghề còn thiếu thốn. Phần lớn kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất do các trường tự bươn chải là chính, kinh phí đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu”.

Một khía cạnh khác dẫn đến tình trạng các trường nghề khó thu hút học sinh vì hệ thống các trường chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý; các trường nghề do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý. Hệ giáo dục chuyên nghiệp, học sinh tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có thể liên thông bậc học cao hơn; trong khi đó học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng nghề khó có thể liên thông ở bậc đại học. Theo ông Hồng, “lối ra” liên thông “hẹp” là nguyên nhân khiến học sinh chưa mặn mà khi học nghề. Cả phía Nam chỉ có 2 trường đại học theo hệ đào tạo nghề có thể tuyển sinh liên thông hệ đào tạo nghề. Còn theo ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: “9 quận, huyện của thành phố đều có trung tâm dạy nghề, 65 cơ sở tham gia đào tạo nghề công lập và ngoài công lập. Tuy nhiên, để phát triển nguồn nhân lực cho thành phố thì các trung tâm dạy nghề chưa thể kham nổi, chỉ có thể đào tạo sơ cấp, giáo dục thường xuyên”.

Đào tạo nhân lực có trình độ tay nghề đã khó, huống hồ là đào tạo nhân lực có trình độ cao phục vụ ở các đơn vị trong hệ thống chính trị. Theo thống kê của Thành ủy Cần Thơ, số cán bộ cấp xã có trình độ đại học chiếm 30,6%. Theo đại diện Ban Tổ chức Thành ủy, công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, phân công, luân chuyển cán bộ của thành phố không theo kịp yêu cầu, thiếu nhiều cán bộ chuyên môn đầu ngành; chưa thu hút được lực lượng lao động có tay nghề, chuyên môn vào lĩnh vực hành chính công. Trong khi đó, chính sách ưu đãi, trọng dụng, thu hút nhân tài của thành phố còn hạn chế, chưa đồng bộ. Ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, nói: “Lực lượng CB, CC, VC của thành phố tuy có trình độ chuyên môn cao nhưng trình độ chính trị chưa đạt yêu cầu, nhất là CB, CC, VC cấp xã.

Để đạt mục tiêu theo yêu cầu

Đó là tỷ lệ 50% lao động của thành phố qua đào tạo vào năm 2015 và 60% vào năm 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 43% vào năm 2015 và trên 53% vào năm 2020 mà lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ đã đề ra mục tiêu phấn đấu, nhằm phát triển nguồn nhân lực cho thành phố giai đoạn 2012-2020. Ngoài ra, số sinh viên đại học, cao đẳng trên 10.000 dân phải đạt 6.548 người vào năm 2015 và 7.187 người vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi hệ thống các trường dạy nghề, đại học phải được đầu tư về số lượng lẫn chất lượng. Số trường dạy nghề đạt chuẩn quốc gia của thành phố ít nhất phải có từ 2-3 trường và 6-8 trường đại học. Theo ông Châu Hồng Thái, những năm tới, thành phố sẽ đầu tư phát triển trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo hiện có để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho địa phương. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có định hướng đầu tư một số nghề đạt chuẩn quốc tế, quốc gia và khu vực ở các trường nghề. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho các nghề rất lớn, bình quân một nghề đạt chuẩn quốc gia cần đầu tư hàng tỉ đồng, trong khi kinh tế của thành phố hiện nay đang khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ đầu tư từ Trung ương.

Còn ông Nguyễn Văn Hồng cho rằng: “Đào tạo nhân lực có chất lượng phải đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các cơ sở đào tạo cũng nên hướng đến đào tạo các ngành mà địa phương đang cần, tránh trùng lắp, lãng phí”. Theo ông Hồng, từ khi thành phố trực thuộc Trung ương, các chế độ chính sách về cử tuyển, chính sách ưu tiên cho học sinh ở các xã vùng sâu không còn; trong khi TP Cần Thơ vẫn còn khá đông đồng bào dân tộc Khmer nên thành phố gặp khó trong đào tạo nguồn nhân lực.

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố Cần Thơ với Đoàn cán bộ Trung ương về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhiều lãnh đạo các sở, ngành thành phố cũng cho rằng, để thành phố thực hiện đạt yêu cầu và hiệu quả về nguồn nhân lực có chất lượng, đi đôi với nỗ lực của địa phương thì Trung ương nên có chính sách đầu tư đồng bộ, đột phá để thành phố đầu tư phát triển mạng lưới trường phổ thông, đại học, cao đẳng phù hợp với chiến lược phát triển của thành phố Cần Thơ, xứng tầm là trung tâm về kinh tế, văn hóa - giáo dục và khoa học công nghệ... của toàn vùng.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết