07/09/2017 - 20:14

Ứng xử đúng mực 

Chuyện một số học sinh, sinh viên có hành vi “trịch thượng” với thầy cô, những vụ mâu thuẫn, bạo lực học đường ngày càng nhiều; hay việc tranh luận với lời lẽ thiếu văn hóa trên mạng xã hội, ẩu đả nhau chỉ vì thiếu kiềm chế cảm xúc cũng dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống… Các chuyên gia tâm lý chỉ ra rất nhiều hệ lụy khi văn hóa ứng xử của không ít người trẻ “có vấn đề”. Điều này tạo nên hình ảnh không đẹp trong mắt người khác và là “điểm trừ” trong lý lịch người trẻ…

Các hoạt động tập thể giúp bạn trẻ nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh. Ảnh: QUỐC THÁI

Hành vi chưa đẹp

Chị Huỳnh Giao đang ở căn hộ chung cư quận Cái Răng kể, chị rất bức xúc trước việc một số sinh viên sống ở căn hộ đối diện thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh và không tôn trọng người khác khi sống trong môi trường tập thể. Hơn nửa tháng qua, cứ khoảng 3-4 ngày, chị phát hiện bịch rác to tướng để trước cửa nhà mình. Chị nghĩ, đó là “sản phẩm” của các bạn trẻ thuê trọ ở những căn hộ kế bên vứt, nhưng vì không có chứng cứ nên chị đành “ngậm bồ hòn” cho qua. Một hôm, người hàng xóm bắt quả tang đôi bạn trẻ vứt rác trước cửa nhà chị. Khi chị gặng hỏi, 2 sinh viên cứ quanh co chối cãi; khi có người làm chứng, mới chịu xin lỗi, hứa sẽ không tái phạm nữa. Theo chị Giao, nhiều bạn trẻ sống trong môi trường tập thể nhưng thiếu ý thức văn hóa. Tuy sống ở chung cư nhưng thường tụ tập bạn bè tiệc tùng, nhậu nhẹt, hát karaoke, nuôi chó dù quản lý đã cấm.

Thầy giáo dạy tiếng Anh của tôi cũng có lần bức xúc trước thái độ hỗn hào của sinh viên khiến ông phải cho lớp nghỉ học hôm đó để giữ bình tĩnh. Chuyện là trong tiết học, giảng viên yêu cầu sinh viên tập trung ghi chép bài học thay vì sử dụng điện thoại chụp hình nội dung bài học (được chiếu trên powerpoint). Dù thầy nhắc nhở nhiều lần nhưng một số sinh viên vẫn “vô tư” sử dụng điện thoại, thậm chí khi thầy bức xúc phiền trách, một vài sinh viên còn đứng lên tranh luận gay gắt, thiếu tôn trọng thầy. Tại các hội thảo, hội nghị hoặc các sự kiện, một số bạn trẻ vô tư đọc báo, lướt web, tán gẫu, thậm chí chụp hình tự sướng đăng trên mạng xã hội, khiến ban tổ chức phải nhắc nhở.

Hành vi không đẹp của người trẻ còn thể hiện ở việc một bộ phận người trẻ có tâm lý đám đông, nói xấu người khác, bình luận thiếu cơ sở, với lời lẽ thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Nguyễn Quốc Huy, cựu sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, tâm sự: “Có lần tôi chia sẻ hình ảnh đi bar với bạn bè. Thế là rất nhiều bạn bình luận thiếu cơ sở khi cho rằng tôi ăn chơi, không chú tâm học hành, có người còn bình luận khiếm nhã “em khoe mẻ”… Thật ra, đâu phải ai đi bar cũng là người xấu”. Một số bạn trẻ góp phần bôi xấu hình ảnh người trẻ qua những vụ bạo lực học đường, tệ nạn xã hội hoặc xuống cấp về văn hóa ứng xử được các cơ quan truyền thông đại chúng phản ánh…

Để thêm “điểm cộng”

Vừa qua, dù bận rộn việc chuyên môn nhưng anh Trần Minh Lương, nhân viên Tổng Công ty Phát điện 2 (quận Bình Thủy) vẫn sắp xếp thời gian tham gia Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” do Đoàn Khối Doanh nghiệp TP Cần Thơ tổ chức tại xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai. Tuy chỉ có 2 ngày nhưng anh tranh thủ làm nhiều việc hữu ích giúp bà con, như: phát quang bụi rậm, trồng cây xanh, sửa chữa đường giao thông… Quá trình lao động, sinh hoạt tập thể, anh vừa có cơ hội hiểu rõ hơn cuộc sống bà con, vừa rèn thêm kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

Hay như Phạm Ngọc Anh Thư, sinh viên ngành Răng – Hàm – Mặt, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, rất tích cực tham gia các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng: thăm, tặng quà gia đình chính sách, tổ chức sân chơi cho trẻ em nghèo hoặc hỗ trợ các đoàn khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Anh Thư tập hợp bạn bè thành lập nhóm thiện nguyện, thực hiện nhiều công trình, phần việc giúp đỡ bà con vùng sâu, vùng xa ĐBSCL. Thư tâm sự: “Đi nhiều, thấu hiểu cuộc sống vùng quê nghèo nhiều khó khăn, thiếu thốn, càng thôi thúc tôi phấn đấu học tập tốt để sớm trở thành bác sĩ giỏi, có điều kiện phục vụ bà con”. Những trải nghiệm thực tế sẽ là bài học y đức sinh động nhất để cô sinh viên ngành y trưởng thành, dạn dĩ, tự tin hơn. Theo Anh Thư, cách nói chuyện khéo léo, lễ phép sẽ giúp bà con tin tưởng mình hơn.  

Không riêng Minh Lương và Anh Thư, nhiều bạn trẻ biết cách tạo “điểm cộng” từ lối sống văn hóa, trách nhiệm và nghĩa tình. Có thể thấy, là chủ nhân tương lai của đất nước, người trẻ đừng nên góp thêm vào xã hội những chuyện buồn, tiêu cực, qua hành vi ứng xử thiếu văn hóa, mà mỗi ngày trôi qua, hãy sống tốt với bản thân, những người xung quanh để không phí hoài tuổi thanh xuân…

ANH TÚ

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ứng xử