20/11/2012 - 14:27

TIẾN SĨ DƯƠNG THÁI CÔNG, HIỆU TRƯỞNG TRUNG TÂM ĐẠI HỌC TẠI CHỨC CẦN THƠ:

Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ sẽ cung ứng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL

 

Cách đây gần 7 năm, UBND TP Cần Thơ đã có công văn gởi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị cho phép thành lập Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ (ĐH KT-CN) Cần Thơ trên cơ sở Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, phục vụ tiến trình CNH, HĐH vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án vẫn chưa thể triển khai.. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, cho biết:

- ĐBSCL có dân số đông nhưng lực lượng lao động qua đào tạo còn thấp so với cả nước, nhất là đối với các ngành kỹ thuật, trong khi vùng vẫn chưa có trường ĐH chuyên đào tạo các ngành nghề ở lĩnh vực này. Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 2 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XI về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thành phố và ĐBSCL, Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ có chủ trương thành lập Trường ĐH KT-CN Cần Thơ trên cơ sở nâng cấp Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có công văn đồng ý chủ trương này.

Thời gian qua, được sự chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, UBND, HĐND TP Cần Thơ và sự giúp đỡ tận tình của các sở, ban ngành liên quan, Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ đã nỗ lực, vừa hoàn thành nhiệm vụ liên kết đào tạo hàng năm, vừa bổ sung hoàn thiện Đề án khả thi thành lập trường và đã được Hội đồng thẩm định liên Bộ thẩm định thực tế trong tháng 5-2012. Qua thẩm định, Hội đồng kết luận, Trung tâm cơ bản đáp ứng được các điều kiện cần thiết theo quy định và Hội đồng thẩm định thống nhất, ủng hộ việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quyết định thành lập trường. Việc chuẩn bị nguồn lực cho trường ĐH KT-CN đã sẵn sàng.

* Thưa Tiến sĩ, việc chuẩn bị nguồn lực cho Trường ĐH KT-CN Cần Thơ cụ thể như thế nào?

Một góc của Trung tâm Đại học Tại chức
Cần Thơ. Ảnh: B. NG

- Hai yếu tố quan trọng của trường ĐH là nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Do vậy, nhiều năm nay, nhất là từ khi có chủ trương thành lập trường của Thủ tướng Chính phủ, trung tâm không ngừng phát triển nguồn lực. Hiện tại, Trung tâm có 138 cán bộ, viên chức (trong đó, có 77 giảng viên). Tổng số cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học là 57 người. Trung tâm đã xây dựng và được UBND TP Cần Thơ phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Trường ĐH KT-CN Cần Thơ, giai đoạn 2011-2020", với tổng kinh phí 64 tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên phù hợp với quy mô phát triển của trường từng giai đoạn.

Trung tâm đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất tại số 256, đường Nguyễn Văn Cừ làm cơ sở 1, gồm các dự án: Cải tạo khối lớp học và phòng thí nghiệm quy mô 1 trệt 6 lầu. Trong đó, hai dự án Mở rộng Thư viện và Thiết bị thí nghiệm thực hành, có tổng kinh phí trên 13,8 tỉ đồng. Tại cơ sở 2 (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy), Trung tâm phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Bình Thủy đang tiến hành đền bù, giải tỏa, giải quyết tái định cư để có thể giao đất cho chủ đầu tư triển khai thực hiện Dự án vào năm 2013. Trung tâm còn đầu tư trên 5,1 tỉ đồng, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học cho sinh viên, giảng viên; hoàn thành công trình "Mở rộng Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ", với tổng kinh phí trên 21,7 tỉ đồng…

* Tiến sĩ có thể phác họa đôi nét về Trường ĐH KT-CN Cần Thơ trong tương lai?

- Giai đoạn đầu, Trường ĐH KT-CN Cần Thơ sẽ hình thành 5 khoa: Khoa học cơ bản, Công nghệ thông tin, Quản lý công nghiệp, Điện - Điện tử - Viễn thông, Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sinh học. Trong 2 năm đầu, trường đào tạo 4 chuyên ngành: Hệ thống thông tin; Kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ thực phẩm; Quản lý công nghiệp. 3 năm tiếp theo, trường đào tạo thêm 6 chuyên ngành: Kỹ thuật điện tử, truyền thông; Kinh tế công nghiệp; Quản lý xây dựng; Mạng và hệ thống điện; Kỹ thuật phần mềm; Kỹ thuật máy tính. Mỗi chuyên ngành, trường sẽ tuyển từ 80-100 sinh viên/năm. Trên cơ sở nguồn lực của trường và nhu cầu nguồn lực lao động của xã hội, trường dự kiến sẽ phát triển thêm một số khoa: Xây dựng. Kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ hóa học, Kỹ thuật giao thông, Năng lượng - Môi Trường. Định hướng từ nay đến năm 2020, trường sẽ có qui mô đào tạo trên 7.400 sinh viên.

* Dự án hiện vẫn nằm trên giấy. Theo tiến sĩ, vướng mắc hiện nay là gì và cần có sự hỗ trợ gì từ các đơn vị hữu quan?

- Tháng 5-2012, Hội đồng thẩm định liên Bộ thẩm định thực tế Đề án khả thi thành lập trường. Trung tâm đã bổ sung hoàn chỉnh theo góp ý của Hội đồng thẩm định và gởi Bộ GD&ĐT nhưng đến nay Bộ vẫn chưa hoàn thành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ, do còn thiếu ý kiến của Bộ Nội vụ. Trong khi đó, thời gian cho phép hoàn thiện đề án khả thi sắp hết. Vì vậy, Trung tâm rất mong sự tiếp sức của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo TP Cần Thơ, để có thể đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập trường. Đồng thời, trong giai đoạn đầu được thành lập, trường cũng rất cần có sự hỗ trợ nhiệt tình của các sở, ngành chức năng, hướng dẫn các thủ tục cần thiết để trường triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ đạt hiệu quả cao.

* Trường ĐH KT- CN Cần Thơ có định hướng như thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo, thưa Tiến sĩ?

- Tuy thành phố đã có các cơ sở đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ (cả công lập và tư thục) nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo cán bộ và nhu cầu học tập của nhân dân. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, Trường ĐH KT-CN Cần Thơ xây dựng chiến lược như sau: Bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong từng giai đoạn để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo phù hợp. Một vấn đề hết sức quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của một trường đại học là "sản phẩm" đào tạo phải được thị trường lao động, xã hội chấp nhận. Chất lượng đào tạo phải thỏa mãn những tiêu chí mà người sử dụng lao động yêu cầu về kiến thức chuyên môn và kỹ năng tay nghề, kỹ năng mềm của sinh viên, sau khi ra trường.

Mục tiêu trước mắt của trường trong giai đoạn đầu (có thể đến 10 năm) là đào tạo cho được đội ngũ kỹ sư có trình độ lý thuyết cơ bản, đặc biệt có kỹ năng tay nghề chuyên môn cao, khả năng thích ứng tốt nhằm bổ sung nguồn nhân lực lao động có trình độ trong lĩnh vực KT-CN, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH. Đồng thời, trường sẽ tăng cường đào tạo và thu hút đội ngũ giảng viên có năng lực, trình độ chuyên môn tốt; đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm tiên tiến phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu, nhằm cung cấp nguồn lao động chất lượng cho các viện, trường và thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL.

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

B.NGỌC (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết