03/11/2009 - 07:39

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Trình Quốc hội 4 dự án Luật

* Nhiều đại biểu đề nghị thông qua Luật Bưu chính tại kỳ họp thứ 6

Sáng 2-11, Quốc hội (QH) nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra 4 dự án Luật: Bưu chính; Nuôi con nuôi; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Các tổ chức tín dụng(sửa đổi).

Thẩm tra dự án Luật này, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Bưu chính để tạo khung pháp lý đầy đủ hơn trong lĩnh vực này, giúp cho việc chính quy hóa, hiện đại hóa hoạt động bưu chính phục vụ phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) của đất nước và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng để việc áp dụng được thuận lợi, đi vào cuộc sống, nâng cao tính khả thi, dự thảo cần được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn; bổ sung chế tài; hạn chế thấp nhất việc ban hành các văn bản dưới luật. UB này đề nghị các đại biểu QH tập trung thảo luận về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động bưu chính; các quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người sử dụng dịch vụ bưu chính; hoạt động bưu chính công ích...

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, so với quy định hiện hành, dự thảo Luật có một số điểm mới cơ bản: Điều chỉnh thống nhất vấn đề nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trong một luật với quan điểm tăng cường việc nuôi con nuôi trong nước, việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng. Đổi mới cách thức lấy ý kiến cho trẻ em làm con nuôi bằng việc quy định trách nhiệm của UBND cấp xã; đổi mới cách thức giới thiệu trẻ em là con nuôi người nước ngoài qua Hội đồng tư vấn giới thiệu để tránh tiêu cực, thỏa thuận ngầm... Ban soạn thảo cũng xin ý kiến QH về một nội dung mới của dự thảo là vấn đề hệ quả pháp lý của nuôi con nuôi.

UB Pháp luật của QH đánh giá cao công tác chuẩn bị dự án và tán thành với mục tiêu, quan điểm xây dựng và nhiều nội dung quan trọng trong Tờ trình và dự thảo Luật. UB cũng nêu rõ trong báo cáo thẩm tra ý kiến về một số nội dung cụ thể như: Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; thẩm quyền quyết định nuôi con nuôi và chấm dứt nuôi con nuôi; điều kiện trẻ em được nhận làm con nuôi; xác lập quyền, nghĩa vụ giữa con nuôi và các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi; vấn đề nuôi con nuôi ở khu vực biên giới...

Thẩm tra dự án này, UB Kinh tế của QH cho rằng tuy đã có nhiều tiến bộ, đổi mới so với luật hiện hành về những vấn đề hoạch định và thực thi CSTT, vai trò của cơ quan giám sát đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) nhưng dự thảo còn một số điểm thiết yếu cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Đó là: chưa làm rõ tính tự chủ của NHNN trong thực hiện CSTT; thẩm quyền của QH trong việc quyết định CSTT quốc gia chưa được quy định đầy đủ. Các điều kiện về việc cung cấp thông tin, báo cáo để QH thực hiện chức năng giám sát chưa được thể hiện. UB cũng cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như: Vị trí của NHNN; mục tiêu của chính sách tiền tệ; những vấn đề liên quan đến vai trò quản lý nhà nước của NHNN; quản lý hoạt động bảo hiểm tiền gửi; chức năng giám sát hoạt động ngân hàng...

Riêng về phân định chức năng của QH, CP và NHNN trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, UB Kinh tế cho rằng các khái niệm “mức lạm phát định hướng”, “chỉ tiêu lạm phát và định hướng điều hành chính sách tiền tệ quốc gia” là không rõ ràng, việc phân định chức năng, nhiệm vụ của QH như trong dự thảo Luật là chưa phù hợp. Cần thiết kế lại theo hướng QH quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm.

Với các điểm mới về phạm vi điều chỉnh, tiêu chí phân loại giữa ngân hàng và các tổ chức tín dụng không phải là ngân hàng, các quy định về quản trị tổ chức tín dụng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Chính phủ cho là sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý đảm bảo sự tự chủ trong kinh doanh của các tổ chức tín dụng, đồng thời bảo đảm sự chặt chẽ, thận trọng trong hoạt động ngân hàng...

Báo cáo thẩm tra dự án Luật này của UB Kinh tế của QH cho rằng dự thảo đã có nhiều đổi mới, khắc phục được một số bất cập của luật hiện hành nhưng còn bộc lộ một số hạn chế như: chưa tạo được sự hài hòa giữa bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các TCTD; quy định về quản lý nhà nước đối với các TCTD nặng về hành chính, cấp phép, chưa thể hiện tư tưởng đổi mới quản lý. Tuy nhiên, dự thảo còn nhiều quy định chưa cụ thể, có nhiều nội dung giao CP và NHNN quy định; một số nội dung còn có sự trùng lặp với các luật khác. UB này đề nghị chỉnh lý dự thảo theo hướng thể hiện rõ quan điểm là cần thiết có các quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng, mặc khác cũng bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các TCTD.

* Chiều 2-11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về dự thảo Luật Bưu chính tập trung vào một số nội dung: Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động bưu chính; các quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người sử dụng dịch vụ bưu chính; hoạt động bưu chính công ích...

Trong phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo Luật được chuẩn bị kỹ càng, đủ điều kiện thông qua tại kỳ họp này. Theo các đại biểu, việc ban hành Luật Bưu chính là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, tạo khung pháp lý đầy đủ hơn trong lĩnh vực bưu chính, giúp cho việc chính quy hóa, hiện đại hóa hoạt động bưu chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ càng dự thảo Luật trước khi thông qua để có sự đồng bộ với hệ thống pháp luật.

THANH HÒA-BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết