07/11/2010 - 09:04

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Triều cường dâng cao, gây nhiều thiệt hại

QL 57 đoạn giáp ranh 2 xã Thạnh Hải - Thạnh Phong bị ngập sâu. Ảnh: CAO DƯƠNG

Tại Bến Tre, trong những ngày qua do triều cường dâng cao, quốc lộ 57 thuộc địa phận các xã: Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre có nhiều nơi bị nước biển tràn lên và ngập sâu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông của các phương tiện qua lại. Từ phà Cầu Ván đến xã Thạnh Phong có đến 5 đoạn đường bị nước ngập khi triều cường dâng cao.

Ngập sâu và ảnh hưởng đến lưu thông nghiêm trọng nhất là tại địa phận giáp ranh giữa ấp Thạnh An, xã Thạnh Hải và ấp 4, xã Thạnh Phong. Từ ngày 3-11 đến nay một đoạn đường dài trên 100 mét khi vào con nước lớn thì nước biển dâng lên ngập hoàn toàn đoạn lộ này. Người dân đi xe gắn máy ngang qua đây gặp rất nhiều khó khăn và phải xuống xe dẫn bộ, nhiều trường hợp xe tắt máy ngay trên đoạn đường và bị hư do nước ngập máy xe. Mặt khác do mặt lộ nơi đây có nhiều nơi xuống cấp, lún sâu nên khi nước ngập người dân khi đi qua lọt vào các nơi này nước ngập tới yên xe. Nhiều người dân trong vùng khi đi ngang qua đây, chứng kiến cảnh tượng này đã không dám cho xe qua mà quay về. Bên cạnh đó, do không được gia cố, sửa chữa tại những nơi bị ngập này, nước biển còn tràn qua đường vào ao nuôi thủy sản của người dân gây thiệt hại không nhỏ cho bà con.

* Trong 3 ngày trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau triều cường dâng cao, khiến cho nhiều nơi bị ngập nặng. Tại thành phố Cà Mau, nước tràn lên làm cho nhiều đoạn đường bị ngập, việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Mực nước tại đây đo được cao hơn bình thường 0,7 mét. Các con đường ven biển, có nơi mực nước dâng trên 1 mét so với bình thường, khiến cho nhiều ngôi nhà bị ngập sâu, nhiều đoạn đường bị cắt. Sáng 6-11, thị trấn Năm Căm, huyện Năm Căn hầu như bị chìm trong nước. Mực nước lên cao gần 1 mét so với bình thường khiến cho các phương tiện giao thông tại thị trấn này hoàn toàn bị tê liệt.

Thông thường, từ nay đến cuối năm, tại Cà Mau triều cường luôn dâng cao nhưng năm nay mực nước cao hơn gấp đôi, triều dâng trên diện rộng. Để đối phó với triều cường, chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con nông dân tổ chức đắp đê bao quanh các ao đầm nuôi tôm cá, chủ động bảo vệ an toàn tài sản. Các trường học và gia đình quản lý chặt chẽ học sinh, con em mình, tránh để xảy ra tai nạn đáng tiếc do triều cường dâng cao.

* Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, qua khảo sát có 48 đoạn kênh rạch lớn trên địa bàn huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền bị sạt lở nặng với tổng chiều dài trên 2.800 m. Ngoài tình trạng sạt lở nặng trên các tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp, sông Cổ Cò, sông Cái Cối... còn có hàng trăm điểm sạt lở nhỏ dọc theo các tuyến kênh rạch chi chít như mạng nhện trong toàn vùng. Ước tính mỗi năm, toàn huyện Cái Bè mất 30 - 40 ha đất canh tác chưa kể các công trình hạ tầng giao thông, nhà cửa...bị chìm do sạt lở với thiệt hại ước tính lên đến 60 - 80 tỉ đồng.

Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở nặng do yếu tố lở bồi tự nhiên của dòng chảy các tuyến sông rạch, lưu tốc dòng nước vào mùa mưa lũ, tình trạng khai thác cát sỏi trên sông Tiền trái phép hoặc quá mức cho phép, mật độ phương tiện giao thông thủy ngày càng dày đặc... Đặc biệt, vào mùa lũ, lưu tốc dòng chảy tăng mạnh đã gây sạt lở nặng và phức tạp hơn trên hầu hết các tuyến sông và kênh trục thoát lũ chính.

* Tỉnh Bạc Liêu đang chỉ đạo các địa phương tập trung chống ngập úng, giúp dân ổn định cuộc sống, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại. Được biết, từ đầu tháng 11 đến nay, mưa lớn trên diện rộng cộng thêm nước dưới kênh rạch tăng cao không những làm ngập úng khoảng 60.0000 ha lúa, tôm, hoa màu, vườn cây ăn trái, mà còn làm cho hàng ngàn nhà dân ở tỉnh Bạc Liêu chìm trong biển nước. Có nhiều nhà dân bị ngập nước lên đến 50 cm; nhiều đồ đạc sinh hoạt trong gia đình bị hư hỏng, đặc biệt thiệt hại nặng nhất là các hộ chủ vựa lúa, hoặc những hộ vừa thu hoạch chưa kịp bán, lúa bị ướt sạch, thiệt hại không nhỏ.

Khó khăn nhất hiện nay của hộ dân nằm trong vùng ngập nặng của tỉnh như các huyện: Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi, Hòa Bình... là điều kiện sống, sinh hoạt, ăn uống. Nhiều hộ dân thiếu chất đốt như củi, trấu, than... để nấu ăn, thiếu nước sạch sử dụng; môi trường sống bị ô nhiễm nặng, đe dọa đến sức khỏe, nhất là học sinh, trẻ em nhỏ.

C.D - NHÓM PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết