24/11/2011 - 15:07

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Triển vọng vụ lúa đông xuân 2011-2012

Trải qua vụ thu đông sản xuất trong khó khăn, lũ lớn, vùng ĐBSCL đang chuẩn bị điều kiện để tập trung xuống giống vụ lúa đông xuân – vụ lúa lớn nhất trong năm. Theo ngành nông nghiệp, năm nay lũ lớn mang theo nhiều phù sa bồi đắp cho đất. Bên cạnh đó, giá lúa hàng hóa đang ở mức khá cao sẽ khuyến khích nông dân đầu tư và chăm sóc mùa vụ. Những yếu tố này đang mở ra nhiều hứa hẹn khả quan cho vụ đông xuân 2011-2012 ở ĐBSCL.

 Nông dân thăm đồng lúa đông xuân sớm ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Hiện nay, lũ đầu nguồn trên sông Cửu Long đang xuống dần. Các nhà chuyên môn dự báo vụ đông xuân này hứa hẹn sẽ trúng mùa. Bởi lũ lớn vừa qua đã đem lại nhiều phù sa, tháo chua rửa phèn, diệt sâu bệnh, vệ sinh đồng ruộng. Do vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chủ động làm đất, nước rút là xuống giống ngay, cố gắng đến cuối tháng 12 phải dứt điểm.

Ở 2 tỉnh có diện tích lúa đông xuân lớn trong khu vực là Đồng Tháp, An Giang đang chuẩn bị mọi điều kiện chờ nước lũ rút là tiến hành vệ sinh đồng ruộng và tập trung xuống giống. Ở tỉnh Đồng Tháp, địa phương chịu nhiều thiệt hại do lũ, trong vụ lúa đông xuân này toàn tỉnh sẽ xuống giống trên 200.000 ha, cần khoảng 15.000 tấn lúa giống. Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu vận động có trên 60% người dân trồng lúa xác nhận, lúa chất lượng cao và giảm diện tích lúa kém chất lượng. Trong đó, các địa phương trong tỉnh tập trung cho việc bơm rút nước để tiến hành ngay việc gieo sạ cho vụ mới. Tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Đảm bảo việc xuống giống đúng lịch thời vụ, nhiệm vụ tập trung của các địa phương hiện nay là bơm rút nước để và khôi phục các đê bao lửng. Công tác này cần khoảng 170 tỉ đồng, tỉnh đã trình trung ương hỗ trợ...”.

Riêng tỉnh An Giang, với kế hoạch sản xuất trên 230.000 ha lúa, địa phương đã chủ động được đến 90% nhu cầu về giống lúa cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, ngay từ trước vụ lúa, tỉnh đã đề ra các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho sản xuất thắng lợi như thực hiện nghiêm việc tuân thủ lịch thời vụ và xuống giống đồng loạt để né rầy. Ông Châu Ngọc Thi, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, cho biết: “Đông xuân 2011-2012, chúng tôi đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, xuống giống đồng loạt và né rầy. Khi tập trung xuống giống với các điều kiện đảm bảo sẽ góp phần nâng cao năng suất lúa”.

Vụ đông xuân 2011-2012, ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; dịch rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá... cho sản xuất lúa tiếp tục được ngành nông nghiệp quan tâm hàng đầu. Trong đó, các cơ quan hữu quan chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, xây dựng và hướng dẫn cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng sinh thái theo phương châm: tinh giảm số giống, mỗi tiểu vùng chỉ xây dựng 5-6 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và 3-4 giống triển vọng mới. Thực tiễn sản xuất cho thấy, trong năm 2011, việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa nhiễm nhẹ rầy nâu và chống chịu khá với bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã mang lại hiệu quả thiết thực trong từng mùa vụ. Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, về cơ bản, giống chất lượng cao chiếm khoảng 70% diện tích; lúa thơm và lúa thường đều khoảng 15%. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh khẳng định: “Để vụ đông xuân thật sự là vụ mùa bội thu, Viện Lúa ĐBSCL sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương tập trung vào những giống chất lượng cao, giảm mạnh những bộ giống phẩm cấp thấp”.

Thực tế nhiều năm nay, tuy có sự chuẩn bị ngay từ đầu vụ, nhưng người nông dân không thể giải được bài toán cuối vụ- giá bán lúa hàng hóa thấp. Vì vậy, việc triển khai mạnh mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ngay trong vụ đông xuân 2011-2012 là một việc làm tích cực và có thể coi là hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Bởi từ vụ thu đông 2011 trở về trước, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã phát triển mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được khoảng 10.000 ha. Bước đầu có kết quả rất khả quan với chi phí sản xuất thấp, năng suất tăng, chất lượng gạo tốt và bán được giá cao; đặc biệt, có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Từ thành công này, dự kiến vụ đông xuân 2011-2012, toàn vùng sẽ nâng diện tích “cánh đồng mẫu lớn” lên 20.000 - 30.000 ha. Theo Bộ NN&PTNT, phát triển mạnh mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là hướng đi đúng cho việc sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Từ đây, việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo sẽ dễ dàng hơn. Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: “Cách làm mới là tập hợp nông dân để xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” với quy mô nhỏ nhất cũng 40 ha... Đây là cách làm rất sáng tạo trong điều kiện tập hợp nông dân rất khó. Tôi rất kỳ vọng vào sự thành công của mô hình này”.

Bước vào vụ đông xuân 2011-2012, người dân ĐBSCL đón nhận tin vui khi giá lúa gạo trong những ngày qua liên tục tăng do xuất khẩu gạo thuận lợi. Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp nhận định: Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vụ đông xuân. Do vậy, các địa phương cần có các biện pháp chủ động đảm bảo nguồn nước tưới tiêu; theo dõi sát tình hình lũ rút, gia cố bờ bao, khẩn trương bơm rút nước... để xuống giống tập trung, kịp thời né hạn, xâm nhập mặn và phòng chống sâu bệnh.

THANH TÙNG

Chia sẻ bài viết