19/12/2011 - 22:03

Thị trường Ả Rập Xê Út và Trung Đông

Triển vọng hợp tác đầu tư

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) vừa tổ chức Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội kinh doanh với thị trường Ả-rập xê-út và các nước Trung Đông” tại TP Cần Thơ. Hội thảo đã giới thiệu những tiềm năng thị trường, cơ hội hợp tác với thị trường này cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và DN Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.

Thị trường tiềm năng...

Thủy sản là mặt hàng nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Trung Đông. 

Theo Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, trong những năm qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út tăng nhanh. Năm 2003, kim ngạch hai chiều đạt 58,4 triệu USD, đến năm 2010 lên mức 745,5 triệu USD; ước năm 2011 đạt khoảng 1,1 tỉ USD. Bên cạnh đó, thị trường Trung Đông với thế mạnh về dầu mỏ, tài chính, khoa học- công nghệ hứa hẹn là thị trường tiềm năng với DN Việt Nam. Dự kiến năm 2011, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Trung Đông đạt 5 tỉ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 2,4 tỉ USD gồm các mặt hàng thủy sản, điện thoại di động, dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện, hàng thủ công mỹ nghệ... và nhập khẩu dầu mỏ, khí hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, thức ăn gia súc, kim loại thường, sắt thép... Trung Đông và Ả- rập Xê- út là thị trường lớn với dân số khoảng 300 triệu người, là các nước xuất khẩu dầu mỏ, nên các ngành hàng công nghiệp, tiêu dùng... còn ít, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa cao. Đây là điều kiện để DN Việt Nam, DN ĐBSCL tiếp cận và khai thác thị trường này.

Theo các chuyên gia, Trung Đông được xem là cửa ngõ giao lưu sang khu vực châu Âu, châu Phi và châu Á, mối giao lưu này khởi nguồn từ con đường tơ lụa. Một khi DN Việt Nam thâm nhập được vào khu vực Trung Đông sẽ rất thuận lợi để vào được thị trường Châu Phi và tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng của một số nước như: Israel, Thổ Nhĩ Kỳ... Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ, trong thời gian ngắn, Việt Nam đã thành lập mới thêm nhiều Đại sứ quán, cơ quan thương vụ tại các nước Trung Đông, tạo điều kiện thuận lợi để DN Việt Nam có những thông tin tiếp cận thị trường. Ngoài ra, Việt Nam đã thành lập được 9 Ủy ban liên Chính phủ với các nước Trung Đông và sắp tới sẽ thành lập Ủy ban liên Chính phủ với Israel. Vai trò của Ủy ban liên Chính phủ là tổng hợp các vấn đề từ phía các DN liên quan đến hợp tác thương mại để trong các kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, đôi bên sẽ trao đổi những thông tin cần thiết, giải quyết ngay những vướng mắc của DN thông qua cơ chế của Ủy ban này, thống nhất các biện pháp cụ thể cũng như xây dựng các văn bản pháp lý cần thiết để hỗ trợ DN.

Hiện nay, các nước Trung Đông như Iran, Ả-rập Xê-út, UAE, Israel... có những dự án hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực thăm dò dầu khí, nông nghiệp, du lịch, bất động sản, viễn thông, công nghệ sinh học... Đặc biệt, các nước này có kinh nghiệm và trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại ở lĩnh vực dầu khí, khi tiếp cận thị trường này, DN sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường khác trong khu vực.

Nhiều cơ hội hợp tác

Theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), ĐBSCL có nhiều tiềm năng về các mặt hàng nông- thủy sản xuất khẩu. Hiện nay, nhiều mặt hàng thủy sản, gạo của DN đã có mặt ở các nước Ả-rập Xê-út, UAE, Dubal, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Trung Đông. Mặc dù người Trung Đông ăn gạo Basmati nhưng gạo Việt Nam vẫn có điều kiện xuất khẩu sang đây, do những người lao động nước ngoài đến sinh sống, làm việc tại Trung Đông đến hàng chục triệu người, nhu cầu ăn gạo rất lớn. Ngoài ra, trái cây xuất khẩu với độ tươi ngon, đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh cũng là một thế mạnh xuất khẩu của DN vùng ĐBSCL. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề, xưởng thủ công rất tiềm năng khi xuất sang thị trường Trung Đông.

Bên cạnh những cơ hội hợp tác, đầu tư và xuất khẩu hàng hóa sang Ả-rập Xê-út, Trung Đông, DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số khó khăn do khác biệt về văn hóa, tôn giáo, ngoài ra ngôn ngữ cũng là những rào cản đối với DN. Vì khi xuất khẩu, trên bao bì hàng hóa ngoài tiếng Anh cần phải có thêm tiếng Ả rập, hoặc tiếng Hơ- ru của người Israel, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ... Thêm vào đó, rào cản thương mại, cách thức thanh toán của các thị trường này cũng có nhiều điểm khác biệt (thị trường Trung Đông, một số DN chưa có thói quen mở L/C thanh toán)... Trong khi DN Việt Nam còn thiếu thông tin về thị trường này nên có khả năng gặp rủi ro trong thanh toán và vấp phải những rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại từ một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Israel...

Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á, nói: “DN Việt Nam khi muốn đầu tư vào Trung Đông cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường thông qua các cơ quan thương vụ đóng ở đây. Ở bất cứ thị trường nào cũng có những thuận lợi, khó khăn nhất định nhưng với mong muốn thúc đẩy mở rộng và phát triển vào thị trường Trung Đông, các cơ quan liên quan của Bộ Công thương sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để DN Việt Nam thâm nhập thành công trên thị trường này”. Các nước Trung Đông có tiềm lực về tài chính nên các DN Việt Nam có thể tranh thủ thu hút vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ tài chính ngân hàng, viễn thông, bất động sản... thông qua việc tăng cường xúc tiến đầu tư, tranh thủ nguồn vốn hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư sang các nước này.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết