Sáng 12-4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Đại Quang giới thiệu những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng chí Trần Đại Quang nhấn mạnh mục tiêu của Chỉ thị là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, nhằm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, công tác vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là biện pháp cơ bản, quan trọng, có ý nghĩa vừa cấp bách, vừa chiến lược, lâu dài.
Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Để thực hiện tốt Chỉ thị, các cấp ủy Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở cần nghiêm túc quán triệt và nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là cơ sở để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Việc duy trì và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là biện pháp nghiệp vụ cơ bản mang tính chủ động phòng ngừa và tích cực tấn công trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức tiếp tục chỉ đạo thực hiện các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới” và “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải thường xuyên được đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, đảm bảo thiết thực, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng lĩnh vực. Công tác tuyên truyền cần được coi trọng để nhân dân được thông tin kịp thời, thường xuyên về tình hình an ninh, trật tự để tự mình nâng cao cảnh giác và vận động mọi người cùng phòng ngừa cảnh giác với tội phạm. Các hoạt động của phong trào được lồng ghép với việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, gắn với cuộc vận động, các phong trào và chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở từng đơn vị, địa phương, trong đó chú trọng “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”, “Đền ơn, đáp nghĩa”.
HƯƠNG THỦY (TTXVN)