11/06/2015 - 22:06

TP Cần Thơ

Triển khai nhiều giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI

Dù mới được triển khai trên toàn quốc trong một thời gian, song Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (Chỉ số PAPI) đang từng bước trở thành một công cụ giám sát thực thi chính sách đáng tin cậy và có giá trị sử dụng tốt, dữ liệu PAPI ngày càng được sử dụng rộng rãi, đem lại nhiều ý nghĩa chính sách và thực tiễn đáng ghi nhận. Theo báo cáo PAPI năm 2014, TP Cần Thơ đạt kết quả xếp hạng 55/63 tỉnh, thành trong cả nước. Để nâng cao Chỉ số PAPI của thành phố phát triển theo hướng bền vững, UBND TP Cần Thơ đã đề ra chương trình hành động Nâng cao Chỉ số PAPI giai đoạn năm 2015-2017…

* Nhiều nội dung đạt điểm trung bình thấp

Việc đánh giá, xếp hạng Chỉ số PAPI hàng năm đối với các tỉnh, thành phố được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam. Chỉ số PAPI đo lường mức độ hiệu quả trong công tác quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh hàng năm thông qua 6 nội dung như: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính; cung ứng dịch vụ công.

 Bộ phận Một cửa hiện đại ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Theo báo cáo PAPI năm 2014, TP Cần Thơ có 3/6 nội dung nằm trong nhóm đạt điểm trung bình thấp (nhóm 3) là: tham gia của người dân ở cấp cơ sở, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và cung ứng dịch vụ công. Có 3/6 nội dung nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất (nhóm 4) là: Công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình và thủ tục hành chính công. Theo bà Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia phân tích, UNDP Việt Nam, năm 2014, ở nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” (gồm: Tri thức công dân; cơ hội tham gia; chất lượng bầu cử và tham gia đóng góp tự nguyện), TP Cần Thơ đạt mức điểm trung bình ở nội dung này. Thành phố cần đặc biệt cải thiện nâng cao tri thức công dân về quyền và nghĩa vụ tham gia đời sống chính trị ở địa phương. Đồng thời, huy động sự tham gia của người dân vào quá trình lập kế hoạch, triển khai thực hiện các dự án cộng đồng. Ở nội dung “công khai, minh bạch” (gồm: Công khai, minh bạch về danh sách hộ nghèo; thu, chi ngân sách cấp phường; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù) Cần Thơ đạt điểm thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực. Người dân Cần Thơ đánh giá chưa cao về công khai, minh bạch, đặc biệt ở khía cạnh “Công khai, minh bạch thu chi ngân sách xã, phường, thị trấn”. Đối với nội dung “Thủ tục hành chính công” (gồm: dịch vụ chứng thực, xác nhận; thủ tục xin phép xây dựng; thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thủ tục hành chính ở cấp xã), người dân Cần Thơ chưa hài lòng với dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ chứng thực, xác nhận. Điểm số của thành phố đối với chỉ số này hầu như không thay đổi sau 4 năm…

* Nâng cao Chỉ số PAPI…

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, những biện pháp cải thiện mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công của TP Cần Thơ trong thời gian trước mắt bao gồm việc công khai về phí và lệ phí tại các Bộ phận “Một cửa” và thông báo tới người làm thủ tục đầy đủ về thời gian nhận kết quả cũng như trả kết quả đúng lịch hẹn.

Thời gian qua, trong công tác quản lý, điều hành, quận Ninh Kiều tiếp tục có sự quan tâm, chú trọng đến việc cung ứng dịch vụ công tại địa phương, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Theo ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, kết quả khảo sát năm 2014 cho thấy, quận Ninh Kiều và các phường của quận có nhiều chuyển biến tích cực hơn qua mức độ hài lòng của người dân. Chất lượng cung ứng các dịch vụ công của quận dần được cải thiện, đầu tư hạ tầng, giáo dục, y tế được chú trọng, an ninh trật tự được đảm bảo, tạo niềm tin trong nhân dân. Bên cạnh đó, quận vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, vẫn còn tỷ lệ nhỏ người dân chưa hài lòng khi tiếp xúc với cơ quan hành chính nhà nước; trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị tuy có chuyển biến, nhưng chưa vào nề nếp; số vụ phạm pháp hình sự tăng so với cùng kỳ, tệ nạn xã hội từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp… Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ công, góp phần cải thiện đời sống người dân như: Lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp…”.

Còn ở huyện Thới Lai, các Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực hiện khá tốt vai trò, nhiệm vụ, đặc biệt là giám sát các dự án, chương trình đầu tư ở địa phương. Kết quả năm 2014, đã giám sát được 238 cuộc, qua đó đã phát hiện 26 vụ vi phạm, kiến nghị giải quyết kịp thời, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác giám sát cộng đồng chưa cao, chưa phát huy tích cực vai trò giám sát của nhân dân, các điều kiện để thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng chưa được đảm bảo theo quy định…

Theo ông Nguyễn Hữu Phát, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, ở nội dung công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo được địa phương thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Tuy nhiên, thời gian qua, một bộ phận người dân chưa nắm được quy trình niêm yết công khai. Thêm vào đó, việc niêm yết công khai chưa được rộng rãi để mọi người dân nắm, chỉ niêm yết tại trụ sở cơ quan, nhà thông tin ấp và đài truyền thanh… Ông Nguyễn Hữu Phát kiến nghị nên có chủ trương chỉ đạo trong việc công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo rộng rãi hơn so với quy định trước đây. Sau khi bình xét ra dân, tổng hợp danh sách hộ nghèo ngoài niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà thông tin ấp và Đài truyền thanh xã thì cần công khai rộng ở cụm dân cư đông người, khu vực chợ, những nơi dễ nhìn… bằng cụm pano, để thu hút mọi người quan tâm. Từ đó, địa phương sẽ thuận tiện hơn trong việc vận động xã hội hóa, thu hút nhiều nhà hảo tâm chung tay, giúp sức cùng chính quyền địa phương giúp đỡ những hộ gặp khó khăn…

Để nâng cao Chỉ số PAPI của thành phố phát triển theo hướng bền vững, nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Chương trình hành động Nâng cao Chỉ số PAPI giai đoạn năm 2015-2017. Theo đó, phấn đấu đến năm 2017, thành phố được xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố có Chỉ số PAPI trong nhóm đạt điểm cao nhất (nhóm 1); tốc độ tăng điểm số 30%, so với năm 2014 (đối với các nội dung: Công khai, minh bạch; nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân, trong đó, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trên thực tế; tăng cường sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở). Tốc độ tăng điểm số 20%, so với năm 2014 (đối với các nội dung như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công; tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công). Để đạt được các mục tiêu trên, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu các sở, ban ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình hành động Nâng cao chỉ số PAPI giai đoạn năm 2015-2017, nhằm xây dựng nền quản trị tốt, cải cách nền hành chính vì mục tiêu phục vụ nhân dân, bảo đảm chất lượng dịch vụ công cho tất cả người dân…

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết