01/10/2016 - 09:30

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội gây ô nhiễm môi trường

* TS Phạm Văn Beo

Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), mỗi năm toàn lực lượng phát hiện gần 6 ngàn vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung cho đến tận Bà Rịa – Vũng Tàu và một số tỉnh khác do Formosa gây ra khiến dư luận hết sức bất bình. Trước đó là những xôn xao do việc xả thải ra sông Thị Vải của Công ty Vedan, Tung Kuang (Hải Dương), vụ gây ô nhiễm môi trường của công ty Giấy Lửa Việt, Nhà máy sản xuất gỗ MDF Long Việt… Vi phạm rầm rộ là vậy nhưng công tác xử lý hầu như bế tắc khi chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, không đủ sức răn đe và thỏa mãn được công chúng.

Việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam gặp bất lực là vì Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa có cơ chế truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân mà đa số các vụ gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Việt Nam là do pháp nhân gây ra. Từ thực trạng đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với phạm vi chịu trách nhiệm hình sự ở hai nhóm tội: các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về môi trường. Mức chế tài đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng hết sức nghiêm khắc, đảm bảo răn đe và phòng ngừa tội phạm, như phạt tiền đến 20 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm huy động vốn…

Cơ quan chức năng lấy mẫu nước thải kiểm tra tại một cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn quận Ninh Kiều. Ảnh: KIỀU CHINH 

Do sự cố nên Bộ luật Hình sự năm 2015 lùi ngày có hiệu lực đến ngày luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực. Vì thế, việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại lại phải đợi và các pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục được "tung tăng" quấy nhiễu môi trường. Tuy nhiên, đó chưa phải là mấu chốt của vấn đề pháp nhân thương mại và gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề nảy sinh khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực liên quan đến vấn đề này là mức định lượng trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội gây ô nhiễm môi trường.

Theo khoản 1 Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015, thực hiện một trong những hành vi sau đây sẽ cấu thành tội gây ô nhiễm môi trường:

a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;

b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;

c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 04 lần;

d) Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;

đ) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;

e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam;

g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;

h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 02 lần đến dưới 04 lần.

Các mức định lượng trong quy định nêu trên làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự là quá cao, dẫn tới thực tế khó có thể thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì thế, trong đợt sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 lần này, cần điều chỉnh hạ thấp các mức định lượng này cho phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm. Nếu mức định lượng không được hạ xuống thì chúng ta sẽ tiếp tục không xử lý hình sự được vụ gây ô nhiễm môi trường nào và chúng ta phải chứng kiến tiếp tục những hậu quả nặng nề từ ô nhiễm môi trường. Mức định lượng được hạ thấp đến bao nhiêu là hợp lý cần tham khảo ý kiến các bộ, ngành có liên quan.

Chia sẻ bài viết