03/10/2016 - 21:07

Tôi đi học... cười!

* Phóng sự: ĐĂNG HUỲNH

Có bao giờ bạn hỏi, bao lâu rồi mình chưa được cười, nhất là cười to thành tiếng, cười "quên trời quên đất"? Đã bao lâu rồi ta vẫn hay quạu quọ khi con chưa thuộc bài, đau đầu với chuyện cơm áo gạo tiền, áp lực với chuyện làm ăn, doanh số… Và hẳn nhiên, ta quên luôn chuyện dành cho ta và cho bạn bè xung quanh những nụ cười. Nụ cười cứ rơi rụng giữa cuộc sống hiện đại, còn chăng là những "nụ cười công nghiệp".

Tôi cũng giống như bạn. Và rồi, tôi đã đi học cười…

NÀO TA CÙNG CƯỜI!

Qua những dòng chia sẻ của bạn bè trên facebook, tôi tìm đến Trung tâm Yoga Cười Cần Thơ (thuộc Công ty Đào tạo- Huấn luyện Thân Tâm Trí) trên đường Trần Ngọc Quế, quận Ninh Kiều. Thú thật, trước khi đến đây tôi cũng "hoài nghi" về sự thật của bộ môn này bởi yoga cần sự tĩnh tâm chứ ai lại cười. Nhưng rồi những bài tập của yoga cười dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên, bác sĩ Hồ Nhật Quang đã xóa tan mọi hoài nghi đó, chỉ còn lại tiếng cười quên thôi.

 Những nụ cười sảng khoái khi học yoga cười. Ảnh: DUY KHÔI

Buổi tập mở đầu bằng những màn khởi động rất… ồn ào. Người tập vỗ tay có nhịp điệu kèm theo những tiếng cười to "hô hô, ha ha ha", "Rất tốt, rất tốt, yeah!". Khi không khí đã "nóng", người tập đã "mở lòng", bác sĩ Quang triển khai các bài tập với tên nghe rất lạ "thoa kem", "đèn xanh, đèn đỏ", "mặc xà rông", "con chim", "uống nước"… Gương mặt lúc nào cũng cười, bác sĩ Quang giơ hai tay lên, tay trái làm bình, tay phải làm cốc. Vừa làm động tác rót nước vào cốc, bác sĩ Quang hướng dẫn: "Nhớ rót nước bằng trọn tình cảm, sự tươi mát trong tâm hồn. Hãy uống và tận hưởng cốc nước bằng sự khoan khoái". Cả lớp làm theo và sau đó là những tiếng cười "hô hô, ha ha ha" rền vang. Cô Đỗ Thị Thanh Vân (61 tuổi, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều), quay sang tôi thầm thì: "Nghe trò gì kỳ khôi nên hồi nãy cô tính về. Ai ngờ vui và có lý quá, con!".

Bộ môn yoga cười do bác sĩ người Ấn Độ tên là Madan Kataria sáng lập vào năm 1995. Đến nay, đã có trên 7.000 câu lạc bộ yoga cười ở trên 70 quốc gia đang hoạt động. Tại Việt Nam hiện nay, yoga cười phát triển ở nhiều địa phương và thu hút đông đảo người tập luyện. Nhiều bệnh viện còn mang yoga cười đến với bệnh nhân để giúp họ tìm niềm vui và nghị lực sống.

Những bài tập sau đó càng gắn kết chúng tôi lại với nhau, tiếng cười càng giòn giã hơn. Bài tập nào, bác sĩ Quang cũng có những lý giải thú vị: đèn đỏ là cái bên ngoài, ta không thể thay đổi, dù gấp gáp đến mấy; nhưng sự nôn nóng là cái bên trong, ta có thể thay đổi. Vậy tại sao ta không tranh thủ đèn đỏ mà trò chuyện với con hay nghĩ đến công việc mình sắp làm. Thời gian sẽ qua mau và đầy thú vị. Vậy là bài "đèn xanh, đèn đỏ" được chúng tôi tập luyện nhiệt tình. Những hoạt động bình thường hằng ngày như thoa kem, tắm, mặc quần áo, nấu cơm… cũng "tưởng tượng hóa" bằng những bài tập cười với thông điệp rằng, nếu biết tận hưởng, mỗi việc làm (dù nhỏ nhất) cũng đáng được trân trọng!

Vậy mới biết, cười thật ra đã là bản năng của con người nhưng càng lớn, con người ta dường như càng ít cười. Một nụ cười làm vui lòng nhau, một nụ cười "AQ"- tự động viên rằng ta vẫn ổn, một nụ cười cố để làm duyên… đều không thể bằng nụ cười từ tâm.

CỨ CƯỜI, VÌ ĐỜI CHO PHÉP

Những người đến với yoga cười mà tôi gặp qua khá khác biệt: người tóc bạc, người đầu xanh; người là sinh viên, người là doanh nhân… Họ gặp nhau trên hành trình tìm lại tiếng cười sau bao bộn bề của cuộc sống. Tôi ấn tượng với lời tâm tình của bác sĩ Hồ Nhật Quang, Chủ nhiệm Trung tâm Yoga Cười Cần Thơ: Bản chất của học yoga cười là mình biết mình đang làm gì và vui với điều mình đang làm. "Làm gì cũng vui, góp lại thành một ngày vui. Nhiều ngày vui góp lại thành một đời vui"- bác sĩ Quang chiêm nghiệm. Cả khi thất nghiệp, đau bệnh… ta biết tìm niềm vui thì vẫn vui. Chẳng phải một vị hiền triết nào đã nói: Tận cùng của nỗi đau là hạnh phúc. Và vì thế, tại sao ta không cười, vì đời cho phép!

     “Vua cười” Hồ Nhật Quang. Ảnh: NVCC

Tôi đã có nhiều buổi học yoga cười, khi thì với nhóm bạn sinh viên, khi thì với nhóm doanh nhân Cần Thơ, khi thì với các nhà văn, nhà thơ đất Tây Đô. Nhiều người tôi đã biết từ trước đó: quắt thước, đăm chiêu, khó gần và hiếm cười; nhưng khi tập yoga cười, họ đáng yêu như trẻ thơ, hồn nhiên cười. Chị Thanh Trúc, điều hành sản xuất của một nhà máy ở quận Cái Răng, kể với tôi rằng, vợ chồng chị đơn chiếc, công việc bề bộn lại có con nhỏ nên nhiều khi áp lực, cứ rầy rà chồng con suốt. Nhưng rồi yoga cười đã cho chị niềm vui, cho chị có thêm những người bạn. Câu chuyện của chị Trúc cũng là mẫu số chung của nhiều người khi kể về duyên cớ đi học cười.

Bạn Trần Phước Sang, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, sau nhiều lần tham gia yoga cười giờ đã là cộng tác viên cho Trung tâm. Chàng trai An Giang này nói rằng, cứ thi cử là đầu óc lại căng như dây đàn. Vừa rồi, bán hoa cho lễ tốt nghiệp, bị lỗ nặng nên tâm trí càng rối bời. Nhưng khi đã "uống nước yoga cười", "khiêu vũ yoga cười"… Sang bỏ lại sau lưng những ưu tư đó. Anh chàng nói với tôi những lời già dặn như vầy: "Đôi lúc em nghĩ cười có gì khó mà người ta không cười, lại quạu quọ, cay cú với nhau". Anh Hà Quang Thanh, một doanh nhân ở quận Bình Thủy, đến với yoga cười vì một lẽ khác. Chuyện kinh doanh của anh khi "thuận buồm" nhưng có khi "ngược gió" nên căng thẳng đến mức giải quyết công việc theo cảm tính, làm mất lòng khách hàng và người thân. Vậy nên sau khi học yoga cười ở một câu lạc bộ doanh nhân tại Cần Thơ, anh Thanh theo đuổi mãi, dù công việc khá bận rộn. Suốt buổi học, anh Thanh là người cười nhiều nhất, giòn nhất và "đã" nhất. Được hỏi, anh cười xòa: "Cười không tốn tiền mà!".

Ở góc nhìn khoa học, bác sĩ Hồ Nhật Quang cho rằng, yoga cười là một trường phái của yoga. Yoga cười phối hợp những bài tập cười và cách thở của yoga để đưa oxy vào cơ thể và não bộ nhiều hơn, giúp người tập vui vẻ, khỏe hơn. Tác dụng dễ nhận thấy của yoga cười là giải tỏa căng thẳng, điều hòa huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Còn hiệu quả khó nhận thấy là sự trẻ đẹp ở hình thức, thần trí an lạc trong tâm hồn. Với những người không chuyên về y học hay yoga, như tôi chẳng hạn, thì đơn giản mà rằng: vui vẻ, tươi cười chắc chắn tốt hơn suốt ngày rầu rĩ, lo âu. "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ" là vì vậy.

CHUYỆN CHÀNG NHA SĨ THÀNH "VUA CƯỜI"

Đến nay, Cần Thơ là địa phương duy nhất ở ĐBSCL có Trung tâm yoga cười. Người nhen lửa chính là bác sĩ Hồ Nhật Quang. Đưa tay chỉ tấm sơ đồ răng người treo trên tường, anh Hồ Nhật Quang nói rằng đó là những "dấu vết" còn sót lại của phòng khám nha khoa trước đây. Chàng trai 32 tuổi từng là nha sĩ "mát tay", ăn nên làm ra ở phòng khám này. Mỗi tháng thu nhập vài mươi triệu đồng, đi đâu cũng được mọi người kêu bằng "bác Quang" trọng thị, cứ ngỡ chàng nha sĩ điển trai đó sẽ chuyên tâm theo nghề. Nhưng rồi áp lực công việc, đôi khi thèm một chuyến du hí, thèm những tràng cười giòn giã đã thôi thúc Quang tìm đến yoga cười.

2 năm trước, anh mày mò đi tìm thầy Trịnh Xuân Trường, cô Nguyễn Thị Cúc- những người tiên khởi bộ môn yoga cười ở Việt Nam để học bộ môn này. Rồi cách đây 1 năm, Quang đóng cửa phòng khám, dựng lên tấm bảng "Yoga Cười- Laughter Yoga". Bạn bè thương khuyên anh hết lời, người không thương nói Quang "khùng", "dở hơi". Người qua lại ngó nhìn tấm bảng với gương mặt đầy khó hiểu: Yoga Cười là cái gì? Những hình ảnh đó, Hồ Nhật Quang đến giờ vẫn nhớ như in.

Nụ cười - sự quyến rũ của phái đẹp

Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Trung tâm Yoga Cười Cần Thơ tổ chức chương trình Nụ cười- sự quyến rũ của phái đẹp, bắt đầu từ 8 giờ Chủ nhật, ngày 9-10-2016 tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP Cần Thơ (160, đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều).

Trong chương trình, khách tham dự sẽ được tìm hiểu về những tác dụng của nụ cười, tham gia nhiều hoạt động để có được nụ cười tự nhiên với các bài tập: Yoga cười, Thiền cười, Khiêu vũ. Ngoài ra, đây là cơ hội để phụ nữ giao lưu, chia sẻ với doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm trong lĩnh vực làm đẹp, tham gia bốc thăm trúng thưởng…

Đăng ký tham dự sự kiện trước ngày 7-10, liên hệ chị Trang, số điện thoại: 0931.024.032.

D. K

Thu nhập không có, công việc bấp bênh, suốt ngày chỉ "cười trừ cơm" khiến Quang trở nên "lạ" cả với những người thương yêu mình. Nhưng Quang thì quyết tâm: "Hồi nào người ta đau răng thì tìm bác sĩ Quang; bây giờ phải làm sao hễ người ta buồn cũng tìm bác sĩ Quang". Và rồi, tiếng cười của Quang đã lan tỏa. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị nhờ Quang dạy cho nhân viên của họ cười. Từ những doanh nghiệp có tiếng như Dược Hậu Giang, Mobifone Service, AIA Vạn Thiên Kim… đến những nhóm bạn trẻ khởi nghiệp, những cụ già mỏi mệt sau bao "sương gió cuộc đời", tìm Hồ Nhật Quang học cười. Tiếng cười của Quang bỗng có sức hút lạ lùng…

Mỗi đêm tối thứ sáu cách tuần dạy cười hoàn toàn miễn phí, anh Quang gọi là "Laughter night show"- đêm diễn của tiếng cười. Ở sàn diễn này, người cười là nghệ sĩ và tiếng cười là nghệ thuật- nghệ thuật của hạnh phúc, của niềm vui. Đưa ánh cười tươi rói về phía tôi, Hồ Nhật Quang cho biết, tháng 7-2016 vừa qua, anh là huấn luyện viên yoga cười Việt Nam tham dự Đại hội Yoga cười quốc tế lần thứ I tại Malaysia. Trong khuôn khổ đại hội có cuộc thi huấn luyện viên yoga cười quốc tế và anh đã vinh dự đạt giải Laughter King- Vua Cười. Cầm chiếc cúp trên tay, mân mê sắc vàng óng ánh, Quang nói với tôi chưa bao giờ anh thấy yêu đời và yêu tiếng cười như bây giờ.

* * *

Mọi ngôn ngữ đều có ranh giới duy chỉ có tiếng cười là vô tận. Con người bất cứ ở đâu trên thế giới này đều có thể chào nhau, thương nhau và gắn kết nhau bằng tiếng cười. Tiếng cười là hoa cuộc sống. Tôi gật gù, và tôi dành cho tôi một nụ cười, khẽ thôi!

Chia sẻ bài viết