21/09/2009 - 09:37

Tính đến ngày 20-9, cả nước đã có 9 bệnh nhân tử vong vì cúm A(H1N1)

* BỘ Y TẾ CHỈ ĐẠO: Cần hạn chế việc đóng cửa trường học
* TP CẦN THƠ: Thêm 7 trường hợp nhiễm cúm A(H1N1)
* ĐBSCL: Dịch cúm A(H1N1) diễn biến phức tạp

Vào lúc 8 giờ 30 phút sáng 20-9, một bệnh nhân nữ là chị N.T. T nhiễm cúm A(H1N1) cũng đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Bệnh nhân này sinh 1963, trú thôn 4, xã Hòa An, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk. Theo Bác sĩ Cao Minh Toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, chị N.T.T nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắk vào tối 17-9 với các triệu chứng sốt, khó thở và sau đó được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H1N1). Khoảng 8 giờ sáng 20-9 tình trạng bệnh của bệnh nhân đột nhiên biến chứng theo chiều hướng nặng, với biểu hiện suy hô hấp cấp và khoảng 30 phút sau thì tử vong.

Tại Bình Phước, chiều 20-9, Bác sĩ Tô Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, Bình Phước đã có ca nhiễm cúm A(H1N1) đầu tiên tử vong. Bệnh nhân tên Đ.T K.C, 42 tuổi, tạm trú tại ấp 6, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, được điều trị tại Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tử vong vào ngày 19-9 do viêm phổi nặng, sau đó được xác định là đã nhiễm cúm A(H1N1).

* Trước tình trạng số học sinh nhiễm cúm A(H1N1) không ngừng gia tăng ở các trường học trong cả nước, nhiều trường do lo ngại dịch sẽ lan rộng nên đã quyết định đóng cửa trường học ngay khi phát hiện có học sinh dương tính với cúm A(H1N1). Bộ Y tế khuyến cáo: Các cơ sở giáo dục, các trường học khi phát hiện học sinh nhiễm cúm A(H1N1) cần hạn chế việc đóng cửa, dừng lớp học. Thay vào đó, nhà trường phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức tốt việc cách ly các em bị nhiễm và điều trị tại địa phương, gia đình nơi các em cư trú. Biện pháp đóng cửa trường học chỉ nên áp dụng trong trường hợp số học sinh nhiễm cúm A(H1N1) lan rộng ra ở nhiều lớp học hoặc toàn trường.

Theo Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế: Ngày 20-9, Việt Nam đã ghi nhận thêm 282 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1). Trong đó, khu vực phía Nam 214 ca, miền Trung 48 ca và Tây Nguyên 20 ca. Riêng miền Bắc không ghi nhận ca bệnh nào trong ngày 20-9.

Như vậy, tính đến 18 giờ cùng ngày, Việt Nam đã ghi nhận 6.883 trường hợp dương tính, 09 ca tử vong; trong đó có 02 trường hợp tử vong ở Đắc Lắc và Bình Phước do Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm mẫu bệnh phẩm xác nhận có dương tính với cúm A(H1N1) như tin đã đưa. Dịch cúm A(H1N1) đã có mặt ở hơn 50 tỉnh, thành phố và trên 60 trường học trong cả nước. Theo thông tin từ Cục y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), số người nhiễm cúm A(H1N1) đã tăng 6,3% so với tuần trước. Tại 15 điểm giám sát trên cả nước của Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, có tới 2/3 bệnh nhân mắc cúm, tăng cao hơn nhiều so với trước đây. Hiện, số bệnh nhân đã khỏi bệnh, ra viện là 4.669 người, các trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.

* Tại Bình Định, chiều 20-9, Trường THPT Trần Quang Diệu ở huyện Hoài Ân, đã chính thức trở thành bệnh viện dã chiến thứ 3 của tỉnh. Số bệnh nhân nghi nhiễm cúm A(H1N1) ở bệnh viện dã chiến này lên tới trên 50 học sinh. Bên cạnh đó, một số trường học khác ở huyện Hoài Ân cũng đã ghi nhận thêm nhiều học sinh có triệu chứng sốt.

Trong 2 ngày cuối tuần 19 và 20-9, số trường học có học sinh nghi nhiễm cúm A(H1N1) tại nhiều địa phương ở Bình Định đã tăng nhanh. Hiện nay các trường học có học sinh nghi nhiễm cúm A(H1N1) trên địa bàn huyện An Nhơn cũng đã được lệnh tạm thời đóng cửa, cho học sinh nghỉ học trong thời gian 10 ngày, kể từ 21-9.

* Thông tin từ ngành y tế TP Cần Thơ, từ đêm 19 đến chiều 20-9-2009, thành phố có thêm 7 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút cúm A(H1N1). Trong đó, 2 trường hợp là học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ; 2 học sinh và 1 giáo viên Trường Tiểu học Võ Trường Toản đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ; 2 học sinh Trường Tiểu học An Thới 2 (quận Bình Thủy) đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.

Như vậy, đến chiều 20-9-2009, TP Cần Thơ đã ghi nhận 28 trường hợp nhiễm cúm A(H1N1), trong đó, 19 trường hợp đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, 9 trường hợp đã xuất viện. Ngoài ra, địa phương vẫn còn một số mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm cúm A(H1N1) đang chờ kết quả xét nghiệm.

* Trước tình hình dịch cúm A(H1N1) có nguy cơ bùng phát tại các điểm trường học, trong 2 ngày 19 và 20-9-2009, tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh Cà Mau đã tập trung phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại tất cả các điểm trường học trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, Cà Mau có 18 ca xác định cúm A(H1N1), 234 ca nghi ngờ mắc cúm. Đặc biệt, số ca mắc cúm A(H1N1) và số các nghi nhiễm ở các trường học tăng nhanh. Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển vừa có thêm 3 điểm trường là Trường cấp II-III Viên An, Trường Tiểu học 1 xã Đất Mũi và Trường Mẫu giáo xã Đất Mũi. Như vậy, chỉ riêng huyện Ngọc Hiển đã có 5 điểm trường có học sinh nhiễm và nghi ngờ mắc cúm. Tại TP. Cà Mau, ngoài Trường THPT Hồ Thị Kỷ, Trường THCS phường 1, Trường Nguyễn Việt Khái còn có thêm Xí nghiệp Dược Cà Mau thêm 30 ca nghi nhiễm.

* Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A(H1N1) tỉnh Bạc Liêu: Thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai tại nhiều trường học đã có 16 học sinh có biểu hiện nghi nhiễm cúm AH1N1, trong đó 12 em thuộc trường Tiểu học Hộ Phòng; 4 em của trường Trung học cơ sở Hộ Phòng và đã có 6 học sinh lớp 3 của trường Tiểu học Hộ Phòng phải nhập viện cách ly theo dõi điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Giá Rai. 2 trường học này hiện nay đã tạm thời đóng cửa để chờ kết quả xét nghiệm từ cơ quan chuyên môn. Trường hợp nghi nhiễm cúm đầu tiên được phát hiện từ học sinh N.T.V, của lớp 3A3 trường Tiểu học Hộ Phòng ngày 16-9-2009, 2 ngày sau đã lây lan đến 16 trường hợp tại 2 trường như đã nêu. Công tác tiêu độc, vệ sinh môi trường nơi có học sinh nghi nhiễm cúm đã được Đội y tế dự phòng huyện Giá Rai tiến hành xong theo qui định. Công tác truyền thông tư vấn hướng dẫn người dân trên địa bàn huyện thường xuyên được phát trên hệ thống loa cộng cộng, tại các điểm chợ, điểm trường trên toàn địa bàn, giúp người dân nâng cao ý thức tự phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, đồng thời không hoang mang trước diễn biến của dịch bệnh cúm A(H1N1).

*Tại Bến Tre, thông báo mới nhất của Ban Chỉ đạo Phòng chống cúm A(H1N1) tỉnh này, tính đến ngày 18-9-2009, Bến Tre có thêm 1 ca dương tính mới, nâng tổng số ca dương tính cúm A(H1N1) lên 119 ca, trong đó có 1 ca tử vong. Ở Tiền Giang, theo thống kê của Sở Y tế, tổng số ca dương tính với cúm A(H1N1) trên địa bàn tỉnh là 113 ca. Trong đó, các Trường THPT Nguyễn Văn Côn, huyện Gò Công Đông; Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương; Trường Tiểu học Nguyễn Trãi; Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân; Trường Tiểu học Trung An; Trường Trung học cơ sở Xuân Diệu, đều ở thành phố Mỹ Tho có hàng loạt học sinh dương tính hoặc bị sốt nghi nhiễm cúm.

*Sáng 20-9, Viện Pasteur TPHCM đã thông báo kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của 10 học sinh Trường Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình và 4 học sinh của Trường Nguyễn Trí Trai, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) đều dương tính với cúm A(H1N1).

Như vậy, dịch cúm A(H1N1) đã và đang bùng phát ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có điều kiện chăm sóc y tế thấp kém so với cả nước. Điều đáng lo ngại là dịch bệnh bùng phát ngay trong các trường học và các vùng nông thôn. Theo nhận định của Bác sĩ Trần Văn Út - Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long và các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên người tỉnh Trà Vinh, nguy cơ lây lan bệnh cúm A(H1N1) vào các trường học còn lại trên địa bàn là rất cao. Bởi vì trường học là nơi tập trung đông học sinh, các em có nhu cầu giao tiếp hàng ngày và ý thức phòng tránh bệnh không cao.

NHÓM PV - CTV VÀ TTXVN

Chia sẻ bài viết