14/03/2008 - 09:43

Tìm giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo hệ không chính qui

Hiện nay, hệ đào tạo không chính qui (KCQ) vẫn chưa thực sự được xã hội tín nhiệm về chất lượng đào tạo. Trong khi hệ đào tạo KCQ có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao trình độ nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương. Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo hệ KCQ, đáp ứng yêu cầu xã hội? Đó là vấn đề được các thành viên Câu lạc bộ Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) các tỉnh, thành tập trung bàn thảo tại Hội thảo “TTGDTX tỉnh, thành hưởng ứng cuộc vận động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về: Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng yêu cầu xã hội”, vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ. Phóng viên Báo Cần Thơ đã ghi nhận một số ý kiến tiêu biểu của các nhà quản lý giáo dục xoay quanh vấn đề trên.

* Bà Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ: CẦN CÓ SỰ PHỐI HỢP “4 NHÀ”

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển, vấn đề “đào tạo đạt chuẩn” và “đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội” là vấn đề sống còn của các TTGDTX, cơ sở đào tạo KCQ. Để giải quyết bài toán trên, thiết nghĩ cần phải có giải pháp đồng bộ phối hợp giữa “4 nhà”: nhà nước- nhà trường- học viên - đơn vị sử dụng lao động.

Đối với nhà nước, cần có cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thông thoáng để phương thức đào tạo KCQ phát triển lành mạnh, đúng hướng. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết không để những cơ sở đào tạo không đúng qui định hoặc không đủ điều kiện về cơ sở vật chất; đồng thời địa phương cần quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các TTGDTX, đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở phát triển. Đối với nhà trường (các trường liên kết và các cơ sở đào tạo KCQ), cần có sự phối hợp trong đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, phương pháp quản lý sinh viên và cải tiến cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Cơ sở đào tạo cũng phải đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo phù hợp với mục tiêu là “đào tạo những kỹ sư thực hành”. Trong đó, phải đổi mới nội dung chương trình theo hướng giảm lý thuyết, tăng kiến thức thực tế và kỹ năng thực hành, tăng cường khả năng tự học của sinh viên. Áp dụng phương thức đào tạo mới hiện đại “E-learning”, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy... Đối với học viên ở các cơ sở đào tạo KCQ thường khác nhau về tuổi tác, tâm lý, điều kiện học tập, năng lực chuyên môn... Vì thế, cơ sở đào tạo phải có phương pháp tác động phù hợp với từng đối tượng. Cốt lõi phải xây dựng cho học viên động cơ học tập đúng đắn, môi trường học tập lành mạnh, tạo điều kiện cho họ được học và học được. Đối với đơn vị tuyển dụng, cần nhạy bén nắm bắt yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng, xây dựng kế hoạch đào tạo gắn hoạt động giảng dạy lý thuyết với thực hành, thực tập ở các cơ sở, quảng bá đầu ra... Đây cũng là một yêu cầu cần thiết đối với các cơ sở đào tạo KCQ trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Văn Chiêu, Giám đốc TTGDTX tỉnh Bạc Liêu: CẦN MỞ RỘNG LIÊN KẾT, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO

Quan niệm xã hội lâu nay còn nghĩ lệch lạc về hệ đào tạo KCQ, chưa tin tưởng vào chất lượng của hệ đào tạo này. Thực tế, “sản phẩm” giáo dục của hệ đào tạo KCQ vẫn đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của địa phương. Hàng năm, qua quá trình đào tạo hệ KCQ ở tỉnh Bạc Liêu, số học viên ra trường, làm việc có thể đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hiện nay, hệ đào tạo KCQ ở các TTGDTX còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị... Hệ thống đào tạo KCQ không được nhà nước chu cấp nên phải tự linh động tạo nguồn kinh phí để hoạt động.

Để nâng cao chất lượng đào tạo KCQ, sắp tới, khi thực hiện chuyển đổi lộ trình đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ, đòi hỏi các TTGDTX phải tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện học tập của học viên, giảng viên. Song song với bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, đội ngũ quản lý hệ đào tạo này, mỗi địa phương nên tập trung một đầu mối đào tạo, liên kết đào tạo để có nguồn tuyển sinh, chất lượng đào tạo cũng cao hơn và “đầu ra” cũng được đảm bảo hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Kim, Trưởng Ban Liên lạc Câu lạc bộ, Giám đốc TTGDTX tỉnh Thái Nguyên: NÂNG CAO NĂNG LỰC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO

Để đảm bảo chất lượng đào tạo KCQ đòi hỏi nhiều yếu tố. Trước hết phụ thuộc vào năng lực quản lý quá trình đào tạo của các cơ sở liên kết đào tạo và đơn vị đào tạo. Đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các trường đại học, cao đẳng với TTGDTX trong quá trình kiểm tra, đánh giá, giảng dạy và thực hiện chương trình đào tạo. Kế đến, chất lượng đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo (năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm). Cơ sở vật chất của đơn vị liên kết đào tạo (giảng đường, phòng ốc, phòng thí nghiệm, trang thiết bị thực hành...) đạt chuẩn cũng là yếu tố quan trọng. Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) cần ban hành những văn bản mang tính pháp qui, thúc đẩy hoạt động quản lý giáo dục hệ KCQ, vì các văn bản qui định hiện có chưa cụ thể.

Hiện nay, cả nước hiện có gần 50 TTGDTX tham gia Câu lạc bộ (CLB) Giám đốc TTGDTX tỉnh, thành phố. Hoạt động thường niên của CLB là đánh giá hoạt động trong thời gian qua và chỉ dừng lại ở mức độ phối hợp của các TTGDTX. Nếu được Bộ GD-ĐT tổ chức, chủ trì các hội nghị, chuyên đề đánh giá về giáo dục hệ KCQ thường niên sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục KCQ. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc ở TTGDTX cần năng động xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, tham mưu đề xuất cho lãnh đạo địa phương một cách thuyết phục để đưa trung tâm phát triển mạnh. Đi đôi với xây dựng đội ngũ giảng viên trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất và môi trường sư phạm lành mạnh..., thì lãnh đạo các trung tâm cần nắm bắt cơ chế quản lý, đảm bảo yêu cầu người học, đánh giá quá trình quản lý đào tạo. Trong đào tạo, các trung tâm cần đảm bảo đúng chuẩn khối lượng kiến thức cơ bản theo qui định của Bộ GD-ĐT, không được xem nhẹ, cắt xén chương trình đào tạo... Nếu đảm bảo các mặt đào tạo trên sẽ nâng cao vị thế của đào tạo KCQ ở TTGDTX.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ: ĐẨY MẠNH ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ

Theo tôi, không nên đặt nặng chất lượng đào tạo chính quy và KCQ mà nên nhìn ở góc độ công tác đào tạo có đáp ứng được yêu cầu xã hội hay không. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội, từng cơ sở đào tạo phải thay đổi chương trình, nội dung đào tạo. Các TTGDTX, đơn vị liên kết phải đẩy mạnh đào tạo theo học chế tín chỉ . Ở Trường Đại học Cần Thơ, những đơn vị liên kết đào tạo hệ KCQ đang từng bước thực hiện đào tạo theo lộ trình này. Bởi lẽ, nếu các trung tâm đợi chờ đầy đủ các trang thiết bị giảng dạy, trung tâm học liệu... thì không biết khi nào có thể thực hiện lộ trình đào tạo học chế tín chỉ. Theo tôi, trước tiên là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, khuyến khích cán bộ giảng dạy học tập chương trình học chế tín chỉ. Lúc đó, người thầy tiếp xúc với trò chỉ còn 2/3. Giảng viên sẽ tiết kiệm được thời gian lên lớp, còn sinh viên có thời gian học tập, nghiên cứu khoa học.

• BÍCH KIÊN (Lược ghi)


Chia sẻ bài viết