23/12/2012 - 09:15

Tiêu chí xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: quá nhiều bất cập!

Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp là cơ hội để nghệ sĩ "có vàng", đủ điều kiện xét tặng danh hiệu.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ và dư luận băn khoăn bởi dự thảo còn rất nhiều điều bất cập.

Để được xét tặng danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ phải đạt từ 2 huy chương vàng (HCV) cấp toàn quốc trở lên. Nhiều ý kiến không đồng tình bởi nghệ sĩ có đóng góp rất lớn nhưng không tham gia hội diễn, liên hoan, làm sao có huy chương để xét tặng? Trong lĩnh vực sân khấu, trong một vở diễn thường chỉ vai chính mới được trao HCV còn những vai thứ, vai phụ, dù có thật xuất sắc cũng chỉ đạt HCB. Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ tài năng nhưng chỉ có duyên với vai phụ hài, phản diện. Đơn cử các nghệ sĩ Thoại Miêu, Văn Hiệp, Kim Phượng… cả đời cống hiến cho nghệ thuật, được nhiều thế hệ khán giả mến mộ nhưng khi "về chiều" vẫn không có một danh hiệu chỉ vì thiếu giải thưởng. Một bất cập khác của dự thảo là HCV ở các kỳ liên hoan ngành, phong trào cũng được tính "đồng hạng" với HCV quốc tế. Việc đánh đồng các giải thưởng đòi hỏi trình độ và chuyên môn cao với những giải thưởng kiểu "quần chúng" là bất hợp lý.

Một điểm dự thảo còn quy định: NSƯT phải "Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên". Đặc thù từng lĩnh vực nghệ thuật có sự khác nhau. Điển hình như ngành múa và xiếc, khoảng thời gian từ 15 đến 20 năm đã là hết vòng đời một nghệ sĩ do độ dẻo của xương và cơ đã hết. Học mất bảy năm, có khi hàng chục năm nhưng họ chỉ biểu diễn được khoảng 10 năm là sự dẻo dai của cơ thể đã không còn. Nghệ sĩ múa Cao Chí Thành - người đầu tiên nhận giải thưởng ballet quốc tế, hiện đang ở đỉnh cao. Nếu tính thâm niên thì phải chờ 5 năm nữa anh mới được nhận danh hiệu NSƯT. Lúc đó, liệu anh có còn sung sức như bây giờ?!

Nhiều nghệ sĩ phản ứng quy định để được xét tặng NSƯT, NSND, nghệ sĩ phải đạt trên 90% số phiếu thuận của các thành viên Hội đồng xét duyệt. Nghệ sĩ nào có điều không vừa ý với một thành viên hội đồng xem như bị… rớt. Nghệ sĩ là người của công chúng, giá trị và đóng góp của họ đã chứng minh bằng sự hâm mộ của khán giả chứ không phải của một vài "đại biểu hội đồng xét duyệt".

Về thủ tục, nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu phải làm đến 6 bộ hồ sơ kê khai theo mẫu đủ loại. Trong đó có một yêu cầu phản cảm là nghệ sĩ phải đến phường đang thường trú để xác nhận không vi phạm pháp luật, sống trách nhiệm với xã hội. Tại sao không có một bộ phận chịu trách nhiệm kiểm tra việc này? Làm vậy là tôn vinh hay "hành" nghệ sĩ? Diễn viên - NSƯT Công Ninh bức xúc: "Đừng bắt chúng tôi phải đi xin giải thưởng".

Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND với những quy định cứng nhắc, bất cập này, xem ra nhiều nghệ sĩ chân chính chẳng mặn mòi gì để đi… "xin". Bởi suy cho cùng, danh hiệu lớn nhất của người nghệ sĩ vẫn là "nghệ sĩ trong lòng nhân dân"!

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết