15/06/2009 - 22:14

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, phát luật, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

* Cho ý kiến về Dự án Luật Tần số vô tuyến điện

* Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 15: Nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác Việt Nam - Lào

Sáng 15-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự nhất trí với việc cần thiết xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh, góp phần bổ sung và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, pháp luật cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KCB), cũng như đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng KCB. Luật khám bệnh, chữa bệnh ra đời sẽ góp phần tạo môi trường bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở KCB của Nhà nước với cơ sở KCB tư nhân, trên cơ sở đó đáp ứng ngày càng tốt hơn chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) cho rằng tên của dự án Luật nên là Luật hành nghề y vì hiện tại trên thế giới, đa số các nước ban hành Luật hành nghề y, không có nước nào ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc để xây dựng pháp luật phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.

Cùng với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) cũng đề nghị nên gọi là Luật khám bệnh, chữa bệnh vì luật quy định quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh trong đó người bệnh đặt ở vị trí đầu tiên sẽ tạo cớ ở pháp lý cho hoạt động khám chữa bệnh. Ngoài ra các quy định về chuyên môn kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật... cũng như hành vi vi phạm hành chính, xử phạt nghiêm minh trong lĩnh vực này sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Vì vậy nếu gọi là Luật hành nghề y thì sẽ không thể hiện được hết các nội dung này.

Đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) và một số đại biểu khác tán thành với quan điểm của Ủy ban về các vấn đề xã hội nếu lấy tên là Luật khám bệnh, chữa bệnh thì cần bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến điều kiện bảo đảm KCB và điều chỉnh lại bố cục cho hợp lý mới đáp ứng được yêu cầu Luật ban hành nhằm góp phần cải thiện chất lượng KCB cho người dân.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Nam Định) đề nghị cần phân biệt rõ giữa việc công chức, viên chức y tế đứng tên thành lập hoặc tham gia thành lập, tham gia quản lý điều hành các cơ sở khám bệnh tư nhân với việc công chức, viên chức y tế làm thêm ngoài giờ hành chính. Theo đại biểu nên cấm hoàn toàn các công chức, viên chức y tế thành lập hoặc quản lý điều hành cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để hạn chế nẩy sinh các tiêu cực như lôi kéo bệnh nhân từ các cơ sở công lập về khám chữa bệnh tư nhân, coi việc công là phụ việc tư là chính. Đại biểu nhấn mạnh việc nghiêm cấm này phù hợp với Luật Phòng chống tham nhũng.

Đại biểu đề nghị không nên cấm công chức, viên chức y tế làm thêm ngoài giờ tại các cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời dự luật cần có những quy định cụ thể, hữu hiệu để quản lý số công chức viên chức làm thêm ngoài giờ. Đại biểu cho rằng thực tế hiện nay lương của cán bộ y tế thấp, đời sống của đa số công chức, viên chức trong ngành y còn gặp nhiều khó khăn. “Đối với cán bộ y tế có nhu cầu, có chuyên môn trình độ nên cho phép được hành nghề ngoài giờ”- đại biểu nhấn mạnh và đề nghị để quản lý cần cấp chứng chỉ hành nghề, trong trường hợp vi phạm sẽ bị tước giấy phép.

Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi cũng tán thành với quan điểm này, đề nghị quy định cán bộ, viên chức ngành y được quyền làm thêm ngoài giờ tại các cơ quan y tế khác với những lý do: khai thác triệt để chất xám của cán bộ ngành y, đặc biệt đội ngũ có trình độ tay nghề cao, có bề dày kinh nghiệm, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực trong ngành y. Đồng thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng khám chữa bệnh của một bộ phận bệnh nhân và tạo điều kiện tăng thu nhập, giúp cán bộ, viên chức ngành y an tâm công tác.

Không cùng với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Thị Hương (Lạng Sơn) đề nghị khi xem xét có nên cho phép công chức, viên chức ngành y ở các cơ sở y tế công lập tham gia khám chữa bệnh bên ngoài cần cân nhắc một số nội dung như: người hành nghề khám chữa bệnh là những người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đặc thù, liên quan đến sức khỏe con người, làm việc nhiều nơi có thể không đảm bảo hiệu quả làm việc, xung đột lợi ích hoặc ảnh hưởng tới chính sức khỏe của y, bác sĩ do làm việc quá nhiều. Đại biểu nhấn mạnh trong pháp luật cán bộ công chức đều có quy định hạn chế người lao động, công chức viên chức tham gia nhiều quan hệ lao động (như Luật Luật sư). Nếu cho phép công chức, viên chức thuộc cơ quan y tế công tham gia khám chữa bệnh bên ngoài phải cân nhắc quy định sao cho đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

* Góp ý cho dự án Luật Tần số vô tuyến điện (VTĐ), chiều 15-6, nhiều ý kiến phát biểu tại tổ cho rằng luật cần chú trọng nội dung về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ; xác định rõ cơ quan quản lý Nhà nước đối với tần số VTĐ; về Thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến điện; về phí sử dụng tần số... Đa số ý kiến đều cho rằng về cơ bản, nội dung của dự án Luật đã tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước về tần số VTĐ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tình hình phát triển đất nước, giải quyết một cách khá cơ bản các vấn đề bất cập của pháp luật trong lĩnh vực tần số VTĐ hiện nay.

Về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tần số VTĐ, phần lớn các ý kiến phát biểu đều nhất trí với việc trong dự án Luật có quy định về Ủy ban Tần số VTĐ để thực hiện chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về hoạt động phối hợp quản lý và sử dụng tần số VTĐ. Thực tiễn cho thấy một số băng tần được dùng chung cho cả lĩnh vực dân sự, an ninh, quốc phòng. Vì vậy, khi xây dựng các chính sách, quy hoạch tần số và trong quá trình sử dụng phải có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan dân sự, an ninh và quốc phòng với nhau. Ủy ban tần số được thành lập là để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về vấn đề phối hợp, điều hòa sử dụng phổ tần số giữa các lĩnh vực này nhằm đảm bảo cho các hệ thống VTĐ hoạt động có hiệu quả.

Theo dự án Luật quy định việc áp dụng phương thức đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ đối với các băng tần số, kênh tần số có giá trị thương mại cao, khi nhu cầu đăng ký sử dụng vượt quá khả năng phân bổ các băng tần số, kênh tần số đó và giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về đấu giá, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về thi tuyển. Về vấn đề này, các đại biểu cơ bản tán đồng quan điểm đấu giá, song một số đại biểu yêu cầu quán triệt nguyên tắc rõ ràng, minh bạch: “Trừ những trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, các quan hệ chuyển quyền cho thuê, mượn, sử dụng chung tần số… thực chất là quan hệ hợp đồng kinh tế hoặc dân sự, vì vậy phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về kinh tế hoặc dân sự, không nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước quyết định”, đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) nói.

Về “Đảm bảo an toàn bức xạ vô tuyến điện” tại khoản 3 Điều 15, dự án Luật quy định Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn bức xạ VTĐ. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành danh mục các đài VTĐ bắt buộc kiểm định về an toàn bức xạ VTĐ, quy định thủ tục và chỉ định các tổ chức kiểm định về an toàn bức xạ VTĐ đối với các đài VTĐ trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. Đại biểu Ngô Anh Dũng (Hà Nội) cho rằng vấn đề an toàn bức xạ VTĐ đang là bức xúc của xã hội khi đặt các trạm thu phát sóng VTĐ, bởi vậy cần thiết phải có cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này và cơ quan có trách nhiệm phải chứng minh được các trang thiết bị sử dụng thu phát sóng này không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Thu phí hay thu thuế sử dụng tần số VTĐ cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến. Theo dự án Luật quy định về phí sử dụng tần số VTĐ là khoản thu do nhà nước quy định, được xác định trên cơ sở giá trị kinh tế của phổ tần số sử dụng, mục đích sử dụng, mức độ chiếm dụng phổ tần số, phạm vi phủ sóng, mật độ sử dụng kênh tần số trong băng tần và trong khu vực được cấp phát. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quản lý tần số VTĐ phải theo chính sách quản lý tài nguyên quốc gia. Cũng có ý kiến cho rằng cần thiết phải có quy định một khoản thuế nhất định để quản lý tần số VTĐ. Tần số VTĐ là tài nguyên quý hiếm của quốc gia, nên cần xem xét áp dụng.

* Tối 15-9, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 15, tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện chuyên đề giám sát của Ủy ban về “Việc thực hiện các điều ước và thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa - giáo dục và khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2003 - 2008”.

Tại Phiên họp, các Đại biểu Quốc hội đã nghe các thành viên Đoàn Giám sát báo cáo về tình hình triển khai các công trình, dự án hợp tác giữa Việt Nam và Lào, tại Thủ đô Viêng Chăn và một số địa phương khác như: Phông-xa-lì, Luông Phra-băng..., trong đó có Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Lào.

Các Đại biểu Quốc hội cũng đã cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan bàn thảo các biện pháp nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp giữa hai bên, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả các công trình, dự án hợp tác giữa Việt Nam và Lào, đáp ứng sự mong đợi và niềm tin của hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, đồng thời không ngừng vun đắp, phát triển mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.

QUỲNH HOA - LƯU THỊ THOAN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết