18/03/2021 - 05:54

Tiếp tục chủ động, nâng cao cảnh giác với dịch COVID-19 

Sáng 17-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cuộc họp nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch thời gian qua, rút ra các bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn ở giai đoạn sắp tới.

5K trước, vắc-xin  sau

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại cuộc họp trực tuyến.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại cuộc họp trực tuyến.

Đến nay, thế giới đã ghi nhận trên 120 triệu ca mắc COVID-19 và trên 2,6 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tác động của đại dịch làm nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Trải qua hơn một năm ứng phó với đại dịch, nhiều biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội, phong tỏa đã được triển khai trên khắp thế giới; chương trình tiêm chủng vắc-xin đã bắt đầu từ cuối năm 2020 và hiện đã có hơn 360 triệu liều được tiêm cho người dân tại 149 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới của vi-rút.

Tại Việt Nam, cả nước đã ghi nhận 2.560 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước (61,1%). Đến nay, có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (85,4%), hiện còn 339 người đang được điều trị (13,2%) và 35 trường hợp tử vong (1,4%). Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam kiểm soát thành công 3 đợt dịch với chi phí thấp. Qua các đợt dịch, 9 bài học kinh nghiệm được rút ra. Một là, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Hai là, triển khai sớm, kiên định “chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả”. Ba là, huy động toàn dân chống dịch và toàn ngành Y tế chống dịch. Bốn là, huy động công an, quân đội, biên phòng tham gia chống dịch ngay từ đầu, trong đó quân đội quản lý các khu cách ly tập trung; công an tham gia rà soát, truy vết. Năm là, minh bạch thông tin truyền thông. Sáu là, nâng cao uy tín trên trường quốc tế thông qua các hoạt động chia sẻ thông tin, hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Bảy là, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ban, ngành... Tám là, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Chín là, ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học.

Việt Nam có tổng dân số đứng thứ 15 trên thế giới. Số ca nhiễm COVID-19 đứng thứ 174 trên thế giới. Tính theo mật độ dân, số ca nhiễm đứng thứ 212/217 quốc gia. Việt Nam nằm trong số ít quốc gia có ca bệnh nhưng nền kinh tế vẫn đạt tăng trưởng dương. “Dù vậy, chúng ta vẫn hết sức cảnh giác. Vắc-xin chưa phải lá chắn, phải áp dụng biện pháp 5K trước, vắc-xin sau. Hiện nay, các cơ sở thực hiện tự đánh giá an toàn COVID-19 chưa nghiêm túc. Trường học, bệnh viện làm tốt, còn phòng khám tư nhân làm chưa nghiêm, cần tiếp tục tăng cường” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu. Nguồn cung vắc-xin vẫn thiếu. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ khuyến khích các đơn vị có năng lực có thể nhập khẩu, nếu tìm được nguồn cung, Bộ Y tế kiểm soát chất lượng và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Chương trình COVAX sẽ cung cấp miễn phí 30 triệu liều vắc-xin. Ngày 25-3-2021 sẽ cung cấp 1,3 triệu liều, 4,1 triệu liều cung ứng trong tháng 4-2021. Nguồn AstraZeneca, lô đầu tiên 117.000 liều đã cung ứng ngày 24-2. Đến nay đã tiêm 20.695 liều. Trong đó, 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Số phản ứng nặng, chỉ có 5 người ở độ 2 của phản vệ và 1 trường hợp phản vệ độ 3, trường hợp độ 3 này do không thực hiện phác đồ của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã cử chuyên gia đến hỗ trợ và chấn chỉnh, sức khỏe những người tiêm đều ổn định. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán để có thêm vắc-xin. Về vắc-xin sản xuất trong nước, vắc-xin Nanocovax do Công ty NANOGEN phát triển đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26-2-2021, dự kiến đầu năm 2022 mới có vắc-xin.

Đoàn kiểm tra liên ngành TP Cần Thơ kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 tại cơ sở sản xuất ở quận Cái Răng.

Đoàn kiểm tra liên ngành TP Cần Thơ kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 tại cơ sở sản xuất ở quận Cái Răng.

Đề phòng nguy cơ đối với các địa phương có tuyến biên giới

Dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ bùng phát ở các tỉnh giáp ranh với Campuchia. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết: Từ sau ngày 20-2-2021, xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng ở Campuchia, diễn biến phức tạp. Từ 20-2-2021 đến nay, có khoảng 900 người trở về thông qua cửa khẩu quốc tế. Cao điểm có ngày 80 người. Có ngày tỷ lệ người nhiễm COVID-19 so số người về chiếm 10%. Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có 16 ca dương tính, được cách ly, xét nghiệm và điều trị ngay từ khi nhập cảnh. Tình hình dịch bệnh tại Campuchia còn diễn biến phức tạp. Campuchia đã giãn cách xã hội một số tỉnh nên người Việt Nam sang đó lao động, nhu cầu về nước tránh dịch và tìm việc làm tăng cao trong thời gian tới. Trước mắt ngân sách tỉnh đã chi ra 50 tỉ đồng xây dựng mới, mở rộng khu cách ly ở khu vực biên giới đón kiều bào về. Tỉnh có 80 chốt trên bộ và trên biển, trong đó tổ chức 11 tàu chốt trên biển 24/24. Bộ Tư lệnh biên phòng đã tăng cường 90 chiến sĩ từ tỉnh khác về hỗ trợ Kiên Giang. Tỉnh cũng huy động 200 dân quân tự vệ trực các chốt. Tuy nhiên, việc bố trí ăn, nghỉ cho các chốt rất khó khăn, chủ yếu là lều trại. Vì vậy, tỉnh xin thiết lập bệnh viện dã chiến và tăng cường năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.

Kết luận cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chung tay của nhân dân, sự hy sinh, mẫn cán của cán bộ y tế, lực lượng bộ đội biên phòng, công an... đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trên mặt trận phòng, chống dịch, nâng cao vị thế đất nước. Cuộc chiến chưa kết thúc và còn nhiều việc phải làm. Nguy cơ dịch bệnh không loại trừ tỉnh nào, người dân nên hết sức cảnh giác. Chúng ta quyết tâm thực hiện mục tiêu kép. Ngành Y tế tổ chức tốt tiêm phòng, an toàn, đúng đối tượng theo Nghị quyết 21, hướng tới tiêm chủng toàn dân. Đồng thời, tiếp tục chủ động tiếp cận với các nguồn vắc-xin khác trên thế giới; tập trung đẩy mạnh nghiên cứu phát triển vắc-xin trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất là trong năm 2022.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng các phương án chống dịch, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, yêu cầu nhanh chóng, khẩn trương triển khai “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp”, đảm bảo chặt chẽ công tác kiểm soát dịch bệnh.

Tại TP Cần Thơ, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ đã dự thảo kế hoạch tiêm vắc-xin phòng chống COVID-19 trình UBND thành phố. Hiện Cần Thơ chưa nhận được số lượng phân bổ vắc-xin cụ thể từ Trung ương.

Tại cuộc họp trực tuyến, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương và Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện quyết liệt, nghiêm các chỉ đạo. Sở Y tế bám sát chặt chẽ tình hình dịch, thường xuyên cập nhật thông tin để chủ động ứng phó; tăng cường năng lực xét nghiệm, điều trị. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp các cơ quan của Quân khu 9, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh biên giới nắm chắc người nhập cư để có biện pháp cảnh giới. Lực lượng công an, chủ tịch UBND quận, huyện chủ động bám sát địa bàn, phát hiện và xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép. Sở Y tế và Sở Tài chính tham mưu phương án tiêm vắc-xin cho các lực lượng  trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch và lộ trình tiêm cho người dân thành phố. Tại nơi công cộng, đông người, nhà máy, xí nghiệp, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5K, nhất là bắt buộc đeo khẩu trang...

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết