04/12/2017 - 22:28

Tiếp cận công nghệ tiên tiến tạo đột phá trong nuôi trồng thủy sản 

Nuôi trồng thủy sản của nước ta thời gian qua đối mặt với nhiều rủi ro và cản ngại, như: dịch bệnh, biến đổi khí hậu, khó truy nguyên nguồn gốc… Một trong những giải pháp khắc phục hiệu quả thực trạng này là áp dụng công nghệ tiến tiến vào nuôi trồng thủy sản - công nghệ 4.0.

Mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: MỸ THANH

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững, cho biết: Công nghệ 4.0 đã và đang được thúc đẩy áp dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp – thủy sản tại châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Từ đó, tạo ra những giá trị vượt trội trong sản xuất, như: giải phóng sức lao động; giảm thiểu rủi ro trong sản xuất; tiết kiệm chi phí; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cảm biến nhanh để thích ứng với những thay đổi của thời tiết, môi trường… Tại Việt Nam, công nghệ 4.0 được nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế sản xuất những năm gần đây và tạo ra những giá trị rõ rệt cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tuy nhiên, tỷ lệ ứng dụng chưa cao và manh mún, nhỏ lẻ.

Là một trong những ngành mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, nhưng nuôi trồng thủy sản nước ta, nhất là ngành tôm còn gặp nhiều thách thức như: dịch bệnh; khó kiểm soát các vấn đề môi trường; biến đổi khí hậu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa tốt; lãng phí do có quá nhiều khâu trung gian. Những vấn đề này đòi hỏi cần có giải pháp để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững. Bà Lê Thị Sol Pha, Công ty cổ phần Công nghệ Aquamekong, cho biết: “Kiểm soát tốt mầm bệnh trong ao tôm là tiền đề lớn cho một vụ tôm thành công. Chính vì vậy, công nghệ “Bác sĩ tôm di động” của Aquamekong giúp người nuôi phát hiện bệnh nhanh. Trong đó, các lợi ích vượt trội có thể kể như: kiểm tra chất lượng con giống, quản lý tốt “sức khỏe” ao nuôi, sàng lọc các mối rủi ro, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh từ đó giảm thiệt hại đáng kể khi dịch bệnh xảy ra”. Với mong muốn ngày càng nhiều nông dân có cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản, Tiến sĩ Mai Nam Hưng, Tập đoàn Việt-Úc giới thiệu mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trên cơ sở tích hợp đa công nghệ như: công nghệ nhà màng Israel, công nghệ xử lý nước tuần hoàn của Mỹ và Đức, công nghệ cho ăn tự động… Từ đó, giúp mang lại giá trị gia tăng cho ngành tôm thông qua việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc; năng suất cao, ổn định; giảm diện tích đất sử dụng; kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh.

Ông Ngô Công Luân, Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10, ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Các thành viên của hợp tác xã đang nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP và sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Phần lớn các công nghệ 4.0 có thể sử dụng hiệu quả trong quá trình nuôi tôm đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, giá thành hiện nay còn quá cao, người nuôi khó tiếp cận được. Chính vì vậy, các nhà sản xuất có thể nghiên cứu theo hướng giảm giá bán sản phẩm nhưng chất lượng phải đảm bảo để người nuôi dễ dàng tiếp cận các công nghệ 4.0 hữu ích”. Nhiều hộ nuôi tôm đề xuất: Các công ty cung ứng về kỹ thuật trong áp dụng công nghệ 4.0 có những cải tiến vượt bậc hơn nữa để kiểm soát chặt chẽ chất lượng thủy sản từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Từ đó, góp phần hỗ trợ người nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm… 

Theo Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, công nghệ 4.0 cũng như công nghệ tiên tiến áp dụng trong nuôi trồng thủy sản cần được thông tin, chia sẻ cho các hộ nuôi. Điều này mang lại “lợi ích kép”. Bởi người nuôi trồng thủy sản có cơ hội nhận được những thông tin về những thành tựu mới về công nghệ tiên tiến có thể áp dụng vào thực tế sản xuất. Đồng thời, có những thông tin phản hồi để các nhà khoa học, sáng chế thấy được những ưu điểm, hạn chế và khả năng cải tiến, áp dụng trong thời gian tới, từ đó có những điều chỉnh hợp lý, tạo ra nhiều công nghệ tiên tiến đưa ngành thủy sản phát triển ngày càng hiệu quả và bền vững hơn.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết