26/02/2014 - 20:19

Tiến tới không sử dụng lao động dưới 18 tuổi trong cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia

Đó là một trong những giải pháp được đưa ra tại Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 80% dân cư được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác (sau đây gọi chung là rượu, bia), đặc biệt là những bệnh lý phát sinh hoặc tăng nặng do lạm dụng những loại thức uống này; 40% số người nghiện rượu, bia được tư vấn, điều trị cai nghiện, chống tái nghiện tại cộng đồng và 30% số người bị bệnh mãn tính phát sinh có liên quan đến rượu, bia được điều trị.

Bên cạnh đó, phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận, sử dụng rượu, bia của người dưới 18 tuổi; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm việc trong các lực lượng vũ trang không sử dụng rượu, bia trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực.

Có 5 nhóm giải pháp được đưa ra để thực hiện mục tiêu trên, đó là kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu, bia; kiểm soát cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, tổ chức, nguồn lực và giải pháp nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Cụ thể, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng rượu, bia trong những trường hợp nhất định; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đưa quy định về cấm sử dụng rượu, bia vào nội quy, quy chế và tổ chức giám sát việc thực hiện; hạn chế, tiến tới không sử dụng lao động dưới 18 tuổi làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia; chính quyền địa phương tăng cường phát động cộng đồng không lạm dụng rượu, bia trong đám tiệc, lễ hội, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia.

Song song đó, tăng cường kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm quy định cấm quảng cáo đối với rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; áp dụng chính sách thuế phù hợp đối với rượu, bia nhằm giảm sử dụng, lạm dụng rượu, bia.

Bên cạnh đó, cần có quy hoạch đồng bộ về sản xuất, kinh doanh rượu, bia trong cả nước và từng địa phương. Quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, quản lý quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và nhãn hàng hóa đối với rượu thủ công. Kiểm soát việc ghi nhãn rượu, bia sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam nhằm gắn trách nhiệm của người sản xuất đối với sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

Một giải pháp cũng không kém phần quan trọng đó là tăng cường hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của lạm dụng rượu, bia. Lồng ghép nội dung giáo dục về tác hại của lạm dụng rượu, bia vào các môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa phù hợp với các cấp học; tuyên truyền, thông tin cho học sinh, sinh viên, học viên về tuổi được phép mua, được phép uống rượu, bia; kỹ năng từ chối uống rượu, bia…

PHƯƠNG DUNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết