14/09/2016 - 22:06

Tiềm năng và những cơ hội mới

Pháp luôn được đánh giá là một trong những thị trường khách du lịch quan trọng của Việt Nam tại khu vực Tây Âu. Nhằm thu hút khách du lịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 46/NQ-CP ngày 18-6-2015 về việc miễn thị thực có thời hạn với công dân các nước Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha và Cộng hòa Italia khi nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn không quá 15 ngày. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, số lượng khách du lịch từ Cộng hòa Pháp đến Việt Nam đã tăng 16% so với cùng kỳ năm 2015. Với việc miễn visa cho khách du lịch Cộng hòa Pháp đến Việt Nam được kéo dài thêm 1 năm đối với 5 nước trên theo Nghị quyết 56/NQ-CP ban hành ngày 30-6-2016 của Chính phủ và được xem xét gia hạn sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút thêm nhiều khách du lịch đến từ Cộng hòa Pháp.

Văn hóa chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: DUY KHÔI

Cùng đó, Cộng hòa Pháp cũng đã có chính sách và cam kết để giảm bớt thủ tục, giấy tờ, rút ngắn thời gian xin cấp visa cho khách du lịch Việt Nam đi du lịch tại Pháp. Hiện nay, người Việt Nam nếu xin visa qua các công ty lữ hành là đối tác của Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong việc đặt lịch hẹn nộp hồ sơ và xin visa. Việc đơn giản hóa các thủ tục xin visa chắc chắn sẽ thúc đẩy số lượng người Việt Nam đến Pháp du lịch.

Cộng hòa Pháp là quốc gia có ngành du lịch phát triển, có nhiều kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch, đặc biệt có thế mạnh về quy hoạch, quảng bá, xúc tiến, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong khi đó, Việt Nam luôn được đánh giá là điểm đến an toàn, thân thiện cho du khách và là quốc gia hấp dẫn với các nhà đầu tư. Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy đầu tư, trong đó có đầu tư vào các lĩnh vực du lịch như cơ sở lưu trú, nhà hàng, nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí về đêm. Hiện nay một số tập đoàn khách sạn lớn của Pháp như Accor với các thương hiệu Sofitel, Pullman, Novotel và Mecure đã có mặt và đầu tư tại Việt Nam.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng trong trao đổi giao lưu văn hóa và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả hợp tác giữa Cộng hòa Pháp và Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Để đẩy mạnh phát triển du lịch song phương Việt Nam-Pháp, chính quyền các địa phương cần tổ chức hoạt động để khuyến khích doanh nhân hai nước tăng cường trao đổi về cơ hội hợp tác kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp của Pháp đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Cơ hội trao đổi này có thể diễn ra thông qua các sự kiện, hội chợ du lịch, các đoàn khảo sát hoặc qua giới thiệu của các cơ quan xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch… của hai quốc gia. Thời gian tới, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh việc trao đổi chuyên gia và các nghiên cứu về du lịch với Cộng hòa Pháp. Đồng thời, đẩy mạnh tăng cường hợp tác với các công ty du lịch của Pháp, thông qua các đầu mối để có thể kết nối việc tổ chức các đoàn, đưa các phóng viên, doanh nghiệp đến Việt Nam tìm hiểu, khảo sát thị trường và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với khách du lịch Pháp và ngược lại.

Cộng hòa Pháp là quốc gia phát triển và có nhiều điểm mạnh trong quy hoạch, quản lý và phát triển du lịch, trong xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực. Kinh nghiệm của Pháp sẽ là những bài học quý giá cho du lịch Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định hợp tác về du lịch giữa Việt Nam và Pháp từ năm 1996 cho thấy hai chính phủ đã sớm nhận thấy tiềm năng rất lớn trong hợp tác du lịch giữa hai quốc gia. Pháp là thị trường nguồn truyền thống quan trọng hàng đầu của Việt Nam và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Mối quan hệ Việt Nam – Pháp những năm vừa qua đã phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều văn kiện, kế hoạch và hoạt động hợp tác. Cả hai quốc gia đã có nhiều hoạt động để triển khai thực hiện các công việc cụ thể, trên các lĩnh vực có liên quan như trao đổi khách, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch và trao đổi kinh nghiệm trong phát triển du lịch của hai quốc gia. Hy vọng rằng, thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp và các nhà đầu tư của hai nước sẽ tiếp tục nắm bắt và tận dụng tốt những cơ hội để khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có về du lịch giữa hai quốc gia.

Khánh Nam

Chia sẻ bài viết