19/01/2022 - 16:29

Thương mại điện tử - chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng 

Ngày 18-1, Bộ Công thương phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Thương mại điện tử trong Hiệp định UKVFTA chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh” chia sẻ thông tin về các cam kết, tiềm năng phát triển thương mại điện tử trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA). Các diễn giả đều khẳng định thương mại điện tử (TMĐT) là điểm sáng nổi bật cho hợp tác song phương giữa 2 quốc gia và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN).

Thị trường khó tính, nhưng tiềm năng

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết: Hiệp định UKVFTA được xem là khởi đầu mới trong quan hệ giữa Việt Nam - Vương quốc Anh đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. Hiện nay, Anh vẫn dành lượng hạn ngạch nhất định đối với 14 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi theo cơ chế hạn ngạch thuế quan trong EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU); trong đó có nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: gạo, thủy sản, tinh bột sắn. Dư địa tăng trưởng thương mại từ UKVFTA còn rất lớn, do các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Anh.

Tại hội thảo, bà Jessica Reilly, Trưởng điều phối mạng lưới thương mại kỹ thuật số (Bộ Thương mại quốc tế Anh), cũng thông tin về tiềm năng hợp tác thương mại điện tử giữa Anh và Việt Nam thông qua UKVFTA. Bà Jessica Reilly cho biết, trong đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu đang trải quả sự chuyển biến sâu sắc và châu Á - Thái Bình Dương trở thành thị trường tăng trưởng mới của toàn cầu. Châu Á - Thái Bình Dương chiếm 40% GDP toàn cầu. Châu Á cũng là khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu với tiềm năng tăng trưởng, phát triển và mở rộng kinh doanh gần như không giới hạn. Vậy nên, đây là khu vực đối tác rất quan trọng của Anh về kinh tế, an ninh và đáp ứng mục tiêu mở rộng hợp tác toàn cầu của Anh.

Mặc dù Hiệp định mới có hiệu lực chính thức trong thời gian ngắn (ngày 1-5-2021), nhưng tiềm năng thúc đẩy thương mại hai chiều được dự đoán sẽ tăng trong thời gian tới. Theo Bộ Công thương, với UKVFTA, giá trị thuế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước khoảng 3.500 tỉ đồng/năm. Trong các tháng đầu năm 2021, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…). Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 6,02 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020 (xuất khẩu 5,2 tỉ USD, tăng 15,6%; nhập khẩu khoảng 778,2 triệu USD, tăng 27,3%). Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, sắt thép, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu. Và nhập khẩu từ Anh máy móc, thiết bị, dược phẩm, sản phẩm hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may - da giày, ô tô nguyên chiếc… Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dòng vốn FDI của Anh vào Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ khi người dân Anh bỏ phiếu rời EU. Tính đến cuối năm 2021, Vương quốc Anh đầu tư tại Việt Nam 452 dự án, vốn đầu tư gần 4,04 tỉ USD.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), tiềm năng phát triển thương mại từ hiệp định còn rất nhiều dư địa. Tuy nhiên, DN cần hiểu rằng, việc tiếp cận thị trường Anh không chỉ quan tâm đến vấn đề thuế, mà phải chú ý đến các quy định kiểm soát chất lượng, quy cách hàng hóa, thị hiếu tiêu dùng… Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, kinh doanh trực tuyến phát triển rất mạnh so với tiếp cận thương mại truyền thống. Nhưng để thắng trong các giao dịch điện tử, DN cần tạo ra sản phẩm chất lượng, cạnh tranh về giá và cần quan tâm đến sự phát triển bền vững.  

Nắm bắt các cơ hội

Bà Bùi Thanh Hằng, Trưởng phỏng Hợp tác quốc tế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), cho biết trong UKVFTA có nhiều chính sách tiếp cận thị trường; nổi bật nhất là các cam kết thúc đẩy thương mại điện tử thông qua hợp tác trên một số lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn thuế hải quan, cam kết không áp đặt thuế hải quan đối với đường truyền điện tử, nhưng để làm được điều này đòi hỏi Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đưa ra định hướng phù hợp cho DN. Và DN cũng cần nâng cao kỹ năng số, tầm nhìn của DN cũng phải thay đổi, đưa TMĐT và chuyển đổi số vào chiến lược phát triển kinh doanh dài hạn của mình. Việc hỗ trợ DN chuyển đổi số, phát triển TMĐT cần sự phối hợp của các bộ, ngành và các tổ chức tài trợ trong, ngoài nước. Hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng gian hàng quốc gia trên nền tảng số có sẵn, chọn lựa DN với sản phẩm chất lượng, uy tín giới thiệu với khách hàng nước ngoài.

Gạo là mặt hàng có lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường Anh.

Các chuyên gia đến từ Anh cũng cho biết TMĐT đang là xu hướng, việc tận dụng UKVFTA để tăng thương mại hai chiều đòi hỏi DN phải có nền tảng và biết nắm bắt thời cơ. Đặc biệt là thu thập thông tin, phân tích dữ liệu để ra quyết định đúng, cần chú trọng an ninh, bảo mật trong các giao dịch xuyên biên giới. Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục xúc tiến thương mại nêu khó khăn của DN hiện nay là thiếu chiến lược kinh doanh TMĐT và không có mục tiêu rõ ràng trong vấn đề này. Vậy nên, DN cần linh hoạt trong kinh doanh, Cục xúc tiến thương mại sẽ hỗ trợ DN.

Theo bà Trần Thị Yến Phi, CEO Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW, trước khi có các FTA, DN cũng gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng nông sản, nhưng từ khi UKVFTA có hiệu lực, DSW đã tìm kiến được cơ hội và thị trường của mình qua sàn giao dịch Alibaba. Đơn hàng xuất khẩu của DSW sang Anh tăng 12,6% so với trước khi hiệp định có hiệu lực. Việc kinh doanh xuyên biên giới, DN cần nắm rõ các nguyên tắc giao dịch của nước nhập khẩu: quy cách đóng gói, mẫu mã, quy định chất lượng… DN cũng cần có kỹ năng và kiến thức TMĐT để đàm phán đơn hàng thành công.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2020, thị trường TMĐT hình thức B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) của Việt Nam đạt 11,8 tỉ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng trên cả nước. TMĐT ở Việt Nam được sự báo sẽ tiếp tục phát triển nhanh do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã tạo nên xu hướng tiêu dùng mới trong bộ phận người tiêu dùng. Các DN thay vì sử dụng hình thức kinh doanh truyền thống đã đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến và có tới 24,1% các nhà bán lẻ đa kênh trên các sàn TMĐT. Kế hoạch tổng thể quốc gia về TMĐT giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu doanh thu 35 tỉ USD vào năm 2025 (theo hình thức B2C). Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 cũng đặt mục tiêu kinh tế số đóng góp 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Tuy nhiên để đạt mục tiêu này cần hỗ trợ DN về chính sách và kỹ thuật, tạo thuận lợi cho DN tham gia thị trường thương mại không giấy tờ xuyên biên giới.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết