31/01/2019 - 08:01

Thương Hòn Chuối 

Giữa biển trời Tây Nam, quanh năm phải hứng chịu nhiều cơn vần vũ, hai mùa gió giật, sóng to, biển động, nhưng người dân Hòn Chuối vẫn kiên cường bám biển, giữ đảo...

Xóm đảo Hòn Chuối. Các em học sinh dắt nhau đến lớp học tình thương.

Bên bờ những con sóng biển vỗ đá ì ầm, thỉnh thoảng nhảy chồm lên bắn nước tung tóe, cha con anh Nguyễn Phát Đạt lui cui đục đẽo, trộn chai lấp vò sửa lại chiếc xuồng bị đánh chìm mấy ngày trước do cơn bão số 1 vừa qua. Anh Đạt kể, ba ngày mưa bão tơi bời, sóng to biển động đã đánh chìm phần lớn ghe tàu của dân đảo, chưa kể các lồng bè nuôi cá cũng bị thiệt hại nặng nề. Nhà anh có một chiếc ghe lớn và một chiếc xuồng nhỏ, trị giá khoảng 50 triệu đồng; trong bão, chiếc ghe thì chìm rã xác dưới lòng biển sâu rồi, chỉ vớt được chiếc xuồng lên để sửa lại.

Anh Đạt tâm sự: “Dân xứ này mần ngày nào ăn ngày nấy, nếu không có tàu ghe thì coi như cụt tay cụt chân, không kiếm sống gì được. Chỉ còn ít ngày nữa Tết đến, cha con tui sửa cho xong chiếc xuồng này để kéo lưới, giăng câu, kiếm chút đỉnh để mua ít thịt với bánh mứt cho con cháu ăn Tết”. Vợ chồng anh Đạt có 3 đứa con, hai trai, một gái, đều lập gia đình và cùng bám biển, sinh sống quây quần tại đảo nhỏ này.

Ngư dân sửa lại ghe xuồng bị hư hỏng sau bão.

Nằm ở vị trí tiền tiêu của biển trời Tây Nam, Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nằm cách đất liền gần 32km về phía Tây, có diện tích khoảng 7km2, điểm cao nhất so với mực nước biển gần 170m. Hòn Chuối có thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên hứng chịu bão tố từ các phía trong năm. Mỗi năm, các cơn áp thấp, bão tố, trước khi vô đất liền đều đi ngang qua đảo. Chưa kể, có những năm đảo phải chịu các đợt nắng nóng kéo dài.

Địa hình đồi dốc cao, phức tạp, 49 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sinh sống trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, chưa có “điện, đường, trường, trạm”. Vậy mà mỗi năm đảo còn chịu ảnh hưởng của hai mùa biển động, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và gió Tây Nam. Thế nên, dân đảo canh hướng gió mà núp. Theo thông lệ, cứ 6 tháng này (từ tháng 9 đến giữa tháng 3 Âm lịch) người dân tập trung sinh sống ở Gành Nam; đến 6 tháng kia (từ tháng 4 đến tháng 8 Âm lịch) dân lại qua Gành Chướng (Gành Đông) để ở. Vì di cư liên tục nên mỗi hộ dân của Hòn Chuối đều có hai nhà ở đầu gành, nhưng hầu hết nhà cửa tạm bợ, chắp vá. Không bao lâu, bà con lại sửa chữa hoặc phải cất nhà mới, vật liệu mua từ đất liền nên tốn kém khá nhiều.

Không chỉ đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, mà chuyện chăm sóc sức khỏe cho bà con dân đảo cũng chịu nhiều thiếu thốn, nhất là chuyện chị em sinh nở. Nhiều đứa trẻ đã chào đời khi tàu chở hai mẹ con đang lênh đênh giữa biển trên đường về với đất liền. Như câu chuyện sinh con của chị Kim Ngọc Hiền (38 tuổi), mỗi lần nhắc lại, chị vẫn còn bàng hoàng vì thoát chết sau cơn vượt cạn giữa biển khơi.

Số là chị Hiền được dự sinh sau Tết hơn nửa tháng, nên nấn ná qua ba bữa Tết, không ngờ, ngay đêm giao thừa, chị lại đau bụng, có dấu hiệu sinh. Biết gia cảnh chị Hiền túng thiếu, bà con xóm đảo người gom góp tiền bạc, người thì cho mượn ghe chở chị đi. Suốt hơn 3 giờ đồng hồ giữa trùng khơi, trời mưa tối đen, chị Hiền quằn quại vượt cạn với sự tiếp sức của người dì làm mụ vườn. May thay đứa trẻ khỏe mạnh chào đời, được cắt rốn giữa biển, còn sức khỏe chị Hiền có suy yếu vì máu chảy nhiều nhưng sau đó vào bờ được các bác sĩ điều trị tận tình. Nay, cậu bé sinh ra trên biển, được cha mẹ đặt tên Nguyễn Hoàng Khang, đã tròn 6 tuổi, bắt đầu đến lớp học chữ ê a với lớp học tình thương của Bộ đội biên phòng Hòn Chuối.

Bà con Hòn Chuối bộc bạch, mặc dù cuộc sống lắm lúc khổ cực, nhưng đã quen với cảnh thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp nơi này nên ít người chịu vào bờ, trong khi hầu hết bà con đều có nhà ở Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Với lại, dân ở đây chủ yếu bà con, hơn 100 người dân đảo thì dòng họ của nhau hết phân nửa, còn lại cũng là sui gia, hàng xóm thân thiết, nương tựa cùng nhau bám biển, bám đảo cả đời rồi. Nhiều người mắc bệnh tật, vào bờ trị khỏi bệnh, lại trở ra đảo. Nhiều người trẻ tha hương mưu sinh xa xứ, đến khi sa cơ lỡ vận, lại tìm đường về đảo. Vì nơi đảo xa, tình người hồn hậu của bà con miền gió lộng luôn dạt dào.

Bà con kể, bỏ qua những khó khăn vì thiên nhiên và cách trở với đất liền, thì cuộc sống ngoài đảo đỡ lo hơn trong bờ. Mỗi ngày, người dân chỉ lo gạo với mắm muối, chứ tôm cá thì bọn trẻ đi câu, giăng lưới, còn rau cải thì lên trạm ra - đa của bộ đội trồng tăng gia xin về ăn hoặc gởi thương lái mua vài chục ngàn để dành ăn từ từ.

Cô Phạm Thị Ánh tâm sự: “Hơn hai mươi năm trước, cũng vì cuộc sống khốn khó nơi đất liền nên vợ chồng mới dắt nhau ra đây ở để tìm thêm nguồn sống nuôi đàn con nhỏ. Chỉ định ở một thời gian rồi dìa, nào ngờ bén rễ ở đây đến đời con, cháu. Ngoài này tôm cá nhiều, gia đình tui mần khô, làm mắm, 10 bữa, nửa tháng đem vô bờ bán rồi lại mua hàng hóa nhu yếu phẩm trong bờ ra đây bán lại cho bà con. Mấy năm trước, có đoàn khách từ đất liền ra thăm, tặng mỗi hộ dân của đảo một cái ti vi để xem thời sự, các chương trình giải trí. Điện không có, vài hộ dân là anh em ruột thịt, họ hàng gần kề, góp tiền mua dầu chạy máy phát điện để xem phim. Nhà nào nghèo quá thì anh em lấy ít hơn chút đỉnh. Cuộc sống giản đơn vậy mà vui”.

Quân dân Hòn Chuối kiên cường bám đảo. Mỗi năm 2 mùa, quân giúp dân dời nhà cửa mùa chuyển gió; di dời dân lên trạm ra - đa mỗi khi có tin bão sắp về. Những ngày bão, bộ đội chăm lo cơm nước cho dân, động viên bà con “còn người còn của”. Sau bão lại xắn tay sửa chữa nhà cửa cho dân. Mùa hạn, bộ đội san sẻ nước ngọt cho bà con; chia sẻ với bà con những luống rau xanh. Tết đến, quân - dân sum vầy, có thịt, cá, gà, vịt, bánh chưng, bánh tét, có những tràng vỗ tay và tiếng cười rộn rã hòa âm với những giai điệu xuân tình. Anh Phát Đạt, ngư dân xóm đảo, bộc bạch: “Tình quân -  dân thắm thiết như anh em ruột thịt một nhà. Hễ chúng tôi rảnh việc lưới bọng, lại lên đồn biên phòng, trạm ra - đa vui chơi, chuyện trò cùng bộ đội”.

Mặc dù ở đảo xa, nhưng người dân Hòn Chuối luôn nhận được tình thương mến của nhân dân đất liền hướng về biển đảo. Tình cảm ấy giúp quân, dân nơi này thêm sức mạnh bám biển, giữ đảo.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết