01/07/2014 - 21:35

PHIÊN HỌP THƯỜNG KỲ CHÍNH PHỦ THÁNG 6:

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng

Trong 2 ngày 30-6 và 1-7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6-2014 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tháng 6 và 6 tháng đầu năm, thảo luận và định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đều nhất trí cho rằng, trong 6 tháng đầu năm các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2-1-2014 của Chính phủ, các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, giá cả thị trường khá ổn định, cung - cầu hàng hóa được bảo đảm. So với tháng 12-2013, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 13 năm qua. Lãi suất được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định… Đặc biệt, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn song vẫn duy trì được tăng trưởng, GDP quý II tăng cao hơn quý I và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,18%, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ 2 năm trước…

Tuy nhiên, ý kiến phát biểu của nhiều lãnh đạo địa phương cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế-xã hội còn một số khó khăn, tồn tại nhất định. Lãnh đạo các địa phương đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát; không điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã được đề ra cho năm 2014; tập trung hơn nữa vào tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; không để lệ thuộc vào một thị trường nhất định nào đó; bổ sung cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn; hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở, nhà chống lũ; ưu tiên vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm quốc gia, cho phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng vốn đầu tư cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững…

Phát biểu Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, những ý kiến đóng góp cụ thể, thiết thực của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đất nước ta triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2014 bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là từ đầu tháng 5, việc Trung Quốc bất chấp đạo lý, pháp lý, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước, quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc ngang nhiên đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta đã gây tác động nhất định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực.

Trong bối cảnh trên, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên các mặt, nổi bật là đạt được tốc độ tăng trưởng cao; kinh tế vĩ mô giữ được ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt; thị trường tiền tệ, thị trường vốn, ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng mạnh; tỷ giá ổn định; bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế trong đó có cân đối ngân sách; xuất khẩu tăng mạnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh;…

Bên cạnh đó, chúng ta đã kịp thời, kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển bằng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế; khẳng định lập trường kiên quyết là yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan hạ đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể trong 6 tháng cuối năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, theo dự báo bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trong nước, chúng ta đang phải đấu tranh với những hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bối cảnh như trên, các Bộ, ngành địa phương cần hết sức lưu ý theo dõi sát, nắm chắc tình hình, chủ động xử lý và báo cáo kịp thời những tình huống mới, phức tạp, chủ động tính toán. Phải nỗ lực cao nhất bằng các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã được đề ra từ đầu năm 2014 trên tinh thần không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh 3 mục tiêu lớn mà các Bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện bằng được, trong đó phải bằng mọi biện pháp, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan đang hoạt động phi pháp ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Mặt khác tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo quan hệ bình thường trên các lĩnh vực; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Trung Quốc vì lợi ích của cả hai bên, đồng thời cũng phải tính toán, xây dựng các phương án nhằm ứng phó với những tình huống, bất lợi có thể phát sinh trong các quan hệ hợp tác kinh tế cụ thể giữa hai nước; xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế.

Mục tiêu thứ 2 là phải dứt khoát giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phục vụ cho các mục tiêu xây dựng và phát triển của đất nước. Dứt khoát không để lập lại tình trạng một số đối tượng lợi dụng đấu tranh bảo vệ chủ quyền, có những hành vi manh động, quá khích, vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của các doanh nghiệp.

Mục tiêu thứ 3 là phải nỗ lực cao nhất, quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2014 là 5,8%.

THIỆN THUẬT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết