11/09/2009 - 20:59

Thư viện tư nhân ở một vùng sâu

Nhà anh Huỳnh Tấn Hưng (Tư Hưng) cách trụ sở UBND xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long khoảng 2km, đường vào đã đổ bê tông rộng rãi. Hai bên đường những vạt vườn bưởi năm roi và cam sành sum suê trĩu quả. Nhà anh Hưng cũng là một thư viện mi-ni giữa khu vườn. Mỗi ngày hàng chục lượt độc giả đủ mọi lứa tuổi và ngành nghề đến đây để đọc và mượn sách…

Đưa sách về vườn

Tư Hưng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tam Bình, xứ sở nổi tiếng của trái cam sành. Vùng quê này tự hào về truyền thống cách mạng, có khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang nhưng vẫn là một vùng nông thôn sâu. Nơi đây cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều thiếu thốn và vất vả, nhất là việc hưởng thụ văn hóa tinh thần.

Thời thanh niên, anh Tư Hưng là Bí thư chi đoàn ấp 8, rồi làm Phó Bí thư xã đoàn Mỹ Lộc. Do công việc, anh đã thường xuyên làm quen với nhiều loại sách báo, tạp chí. Dần dà, bản thân anh hình thành thói quen đọc sách. Trong cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “ Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng”, anh nhận thấy địa phương mình cần có một tủ sách để vừa phục vụ gia đình vừa trao đổi với bà con chòm xóm. Bây giờ, vào tuổi xế chiều cần phải làm một việc gì có ích cho xã hội. Ban đầu gia đình hiến 77m2 đất xây dựng trạm truyền thanh ấp, đồng thời anh Tư Hưng đứng ra phụ trách khâu kỹ thuật, kiêm biên tập và phát thanh viên và trực phát thanh, tiếp âm đài huyện và xã, mỗi ngày 3 buổi. Anh Tư Hưng bàn với vợ mở rộng tủ sách gia đình để giới thiệu kiến thức cần thiết cho bà con. Chị Nguyễn Thị Lài đồng thuận.

 Độc giả xem sách ở thư viện Tư Hưng.

Tháng 6 năm 1998, tủ sách đã đi vào hoạt động với vốn sách ban đầu ít ỏi, gồm: 49 bản sách pháp luật của Phòng Tư pháp huyện, 36 bản sách pháp luật phổ thông, 165 tạp chí và Báo Sài Gòn Giải Phóng. Biết và ủng hộ việc làm của anh Tư Hưng, Thư viện huyện Tam Bình luân chuyển mỗi quý cho phòng đọc 300 bản sách, trong số này có 100 bản sách thiếu nhi. Tháng 9-2003, phòng đọc sách của anh được quỹ bình đẳng giới Thụy Điển - Đan Mạch tài trợ 1 tủ đựng sách và hơn 600 tờ bướm phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Năm 2005, Thư viện tỉnh Vĩnh Long tặng 300 bản sách trị giá hơn 3,7 triệu đồng, Phòng Tư pháp huyện hàng tháng cấp Công báo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nông dânViệt Nam xã Mỹ Lộc hỗ trợ Báo Đại Đoàn Kết và Báo Nông Thôn Ngày Nay.

Những ước mơ xanh...

Tháng 4-2008, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, kênh HTV7 đã tìm đến gia đình anh Huỳnh Tấn Hưng thực hiện chương trình “Câu chuyện ước mơ”. Qua chương trình, nhà sách Thương Huyền đã gửi tặng 500 bản sách thiếu nhi. HTV 7 tặng 500 tạp chí, Báo Hoa Học Trò tặng 500 tạp chí, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Thép Việt và thép Povina tài trợ 20 triệu đồng để làm sân giải trí và sửa sang lại phòng đọc sách. Đặc biệt, cô Nguyễn Thị Hoài Hương, biên tập viên chương trình phim của HVT7 tặng 1 ti vi màu 21inches hiệu Sony và 100 bản sách cho thư viện.

Chỉ tính năm 2008 đã có hơn 4.000 lượt người đến đọc và mượn sách. Khi thành lập chỉ có mươi quyển sách, vài tờ báo, đến nay, thư viện tư nhân Huỳnh Tấn Hưng đã có gần 2.000 bản sách và hàng chục tờ báo, tạp chí các loại.

Mỗi ngày thư viện phục vụ xuyên suốt, không theo giờ hành chánh, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Ngoài việc phục vụ sách báo tại chỗ, thư viện của anh Tư Hưng còn luân chuyển 300 bản sách cho Trường Tiểu học Nguyễn Du, ấp Phú Mỹ, cùng xã.

Vừa qua, Thư viện tỉnh Vĩnh Long đã chọn anh Huỳnh Tấn Hưng tham gia cuộc thi tủ sách gia đình lần II tại TP Hồ Chí Minh và anh đã đoạt giải đặc biệt. Tại buổi lễ trao giải, Nhà xuất bản Văn Nghệ, Nhà Xuất bản Trẻ , ông Bùi Xuân Đức (Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh) và nhà thơ Ngàn Sơn (ở phường 4, quận Tân Bình) đã tặng thêm cho anh Tư Hưng 220 bản sách.

Tháng 5 vừa qua, Hội nghị sơ kết mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, anh Tư Hưng được chọn đọc báo cáo tham luận về một trong 40 tủ sách gia đình tiêu biểu của cả nước.

Ông Lâm Ngọc Tiên, Phó Trưởng phòng Xây dựng mạng lưới cơ sở-Thư viện tỉnh Vĩnh Long, nhận xét: “Thư viện tư nhân ở ấp 8 của anh Huỳnh Tấn Hưng là mô hình đầu tiên trong số 19 tủ sách gia đình, trong đó có 3 tủ sách phục vụ cộng đồng của tỉnh. Hy vọng rằng sắp tới sẽ có thêm nhiều thư viện tư nhân như thế để phục vụ cho bà con nông thôn xa, góp phần nâng cao tri thức của người dân”.

Bài, ảnh: HÀ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết