14/10/2017 - 09:31

Thủ thư thời hội nhập 

Thủ thư thường được hiểu là người quản lý thư viện, trông coi kho sách, sắp xếp tài liệu, quản lý khâu cho mượn sách báo, tạp chí… Trong thời đại công nghệ số, vai trò của thủ thư không còn bó hẹp trong phạm vi cũ mà ngày càng được nâng cao, mở rộng ra nhiều lĩnh vực, với các chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Tại Thư viện TP Cần Thơ, mỗi cán bộ thư viện (CBTV) dù là ở bộ phận nào vẫn luôn không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ để vừa phục vụ tốt bạn đọc, vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.

Thử thách và học hỏi qua những hội thi

Hằng năm, các hội thi, liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách cấp thành phố, khu vực, toàn quốc được tổ chức thường xuyên, là cơ hội để các CBTV các tỉnh, thành quảng bá, giới thiệu những cuốn sách hay đến đông đảo bạn đọc; đồng thời so tài và học hỏi lẫn nhau để tiến bộ hơn. Trong tháng 9 vừa qua, tại Cần Thơ diễn ra vòng sơ khảo Hội thi CBTV giỏi năm 2017 khu vực miền Nam, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức, một lần nữa cho thấy những yêu cầu mới của người thủ thư thời đại công nghệ.

Lữ Công Lập cùng nhóm múa minh họa trong phần thi tuyên truyền, giới thiệu sách tại vòng sơ khảo Hội thi CBTV giỏi năm 2017 khu vực miền Nam. Ảnh: CÁT ĐẰNG

Điểm mới của hội thi này là bên cạnh phần thi tuyên truyền giới thiệu sách và trả lời câu hỏi kiến thức trên sân khấu, thí sinh phải thi thêm 2 phần khác là viết sáng kiến; thi lý thuyết, kiến thức về văn bản quy phạm pháp luật và kỹ thuật nghiệp vụ thư viện. Đặc biệt, thí sinh tham dự phải có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành thư viện. Có thể nói, đây là hội thi “3 trong 1” với các tiêu chuẩn khắt khe cần có của một CBTV hiện nay, đòi hỏi người tham gia phải có năng lực, sự chuẩn bị chu đáo và không ngừng nâng cao trình độ bắt kịp xu thế hội nhập.

Qua 3 ngày thi, 31 CBTV đến từ 29 tỉnh, thành, trường cao đẳng, đại học khu vực miền Nam đã mang đến cho khán giả những phần thi sinh động, hấp dẫn, truyền cảm hứng đọc sách, mở mang tri thức đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng; cũng như giúp mọi người hiểu hơn công việc của một thủ thư. Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng Ban tổ chức hội thi, CBTV là sứ giả mang trí thức, tuyên truyền viên mang những cuốn sách hay đến với mọi người và lan tỏa tinh thần không ngừng tự làm mới kiến thức của mỗi người thông qua văn hóa đọc. Do đó, yêu cầu về trình độ, năng lực của CBTV ngày càng cao, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin. Hội thi này được tổ chức trên toàn quốc, chia thành 2 khu vực: miền Nam và miền Bắc, là sân chơi bổ ích để các CBTV thể hiện bản lĩnh, rèn giũa kiến thức và giao lưu với nhau. Qua đó, thúc đẩy tinh thần tự học, nâng cao trình độ chuyên môn của các CBTV, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Anh Lữ Công Lập, cán bộ Phòng Thông tin thư mục, Thư viện TP Cần Thơ, là 1 trong 5 thí sinh đoạt giải Nhất tại hội thi, bước tiếp vào vòng chung kết toàn quốc, dự kiến tổ chức vào giữa năm 2018 tại Đà Nẵng. Anh cho biết: “Tham gia các hội thi là cơ hội để tôi thử thách bản thân, khắc phục những thiếu sót, hạn chế để khi áp dụng vào thực tiễn sẽ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả trong thời đại công nghệ và hội nhập quốc tế trong văn hóa đọc”.

Nâng tầm để hội nhập

3 năm công tác tại Thư viện TP Cần Thơ, anh Lữ Công Lập tham gia tuyên truyền, giới thiệu sách, tạo lập các cơ sở dữ liệu, viết bài giới thiệu sách và tin tức trên website, làm việc với các tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực sách và văn hóa đọc… Anh cho rằng, kiến thức đã học ở trường chỉ là cơ bản, muốn trở thành một CBTV giỏi cần không ngừng trau dồi, học hỏi kiến thức mới, kinh nghiệm thực tiễn và những kỹ năng về giao tiếp, ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ.

Cán bộ Phòng Công nghệ thông tin Thư viện TP Cần Thơ thực hiện quy trình số hóa tài liệu. Ảnh: CÁT ĐẰNG     

Đặc biệt, khi tin học hóa được áp dụng vào các khâu từ xử lý về nghiệp vụ thư viện đến các khâu phục vụ bạn đọc thì yêu cầu về trình độ của thủ thư nói riêng và CBTV nói chung càng được nâng cao và bắt kịp xu hướng mới. Chị Châu Thanh Thủy, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Thư viện TP Cần Thơ, cho biết: “Bộ phận nghiệp vụ phải chuyển đổi công tác biên mục tài liệu từ biện pháp thủ công truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ bạn đọc nhanh chóng, hiệu quả hơn. Muốn thực hiện tốt điều này phải thường xuyên tham gia các khóa học bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, am hiểu các chuẩn nghiệp vụ quốc tế để áp dụng vào công việc một cách hiệu quả nhất”.   

Trong thời đại công nghệ số thì rất nhiều tài liệu, sách báo được các thư viện số hóa để bạn đọc tra cứu, truy cập dễ dàng hơn. Sách báo số hóa giúp người dùng dễ dàng truy cập, tìm kiếm và xem được nội dung toàn văn thông qua hệ thống mạng thông tin và các phương tiện truyền thông.  Phòng Công nghệ thông tin (CNTT) của Thư viện TP Cần Thơ đã không ngừng cải tiến, nâng cao số lượng số hóa sách, các bài trích từ báo, tạp chí.  Công đoạn này rất công phu, tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian và những cán bộ của Phòng CNTT như những thủ thư đặc biệt, cần mẫn đưa những trang sách, báo đã được chọn lọc lên Internet để phục vụ bạn đọc một cách rộng rãi hơn, thuận tiện hơn. Đến nay, Thư viện TP Cần Thơ có 628 tên sách cùng 8.311 bài trích, báo tạp chí được số hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

Với những bộ phận khác như: các phòng đọc, phòng mượn, phòng thiếu nhi, phòng xây dựng phong trào… những thủ thư không chỉ cần kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn cần những kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nắm bắt tâm lý để phục vụ, hướng dẫn bạn đọc một cách tốt nhất.

Hiện nay, Thư viện TP Cần Thơ có 46 cán bộ, nhân viên, 100% CBTV đều có trình độ cao đẳng, đại học, trở lên. Trong đó, có trên 50% cán bộ có trình độ đại học, cao học chuyên ngành thư viện. Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ, cho biết: Thư viện luôn tạo điều kiện cho các cán bộ học hỏi nâng cao trình độ qua các khóa bồi dưỡng, tập huấn chuyên ngành; khuyến khích cán bộ có những sáng kiến, đề xuất mới trong chuyên môn; khen thưởng những người tự học tập nâng cao trình độ chuyên ngành hoặc tin học, ngoại ngữ; tạo điều kiện cho cán bộ học sau đại học… Tất cả nhằm đáp ứng yêu cầu đưa hoạt động Thư viện TP Cần Thơ đến gần với độc giả của thành phố vốn đang có nhiều hoạt động hội nhập và giao lưu quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa… 

Ngoài ra, thư viện còn tổ chức chương trình sinh hoạt nghề nghiệp cho cán bộ trong đơn vị mỗi quí một lần; phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tổ chức lớp sơ cấp thông tin thư viện cho những cán bộ chưa học chuyên ngành thư viện. Bên cạnh đó, đơn vị còn thường xuyên phối hợp với các thư viện lớn trong nước tổ chức các sự kiện, triển lãm sách, các hội nghị, hội thảo… Qua đó, giúp các CBTV năng động trong tư duy tổ chức và tham gia các sự kiện lớn của Cần Thơ như Hội sách thành phố, các lễ hội- sự kiện văn hóa, du lịch…

 * * *

Có thể thấy, thủ thư thời đại mới phải năng động, đa năng mới hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Như lời nhấn mạnh của bà Phan Thị Thùy Giang: Một CBTV giỏi còn cần có những kiến thức, hiểu biết về mặt xã hội để góp phần định hướng hoạt động của thư viện, biết cần phải làm gì cho phù hợp với xu thế hội nhập hiện tại. Việc xây dựng các mối quan hệ với các cơ quan, ban ngành, trường học, các tổ chức, cá nhân cũng rất quan trọng. Từ đó, kêu gọi đầu tư, phát triển hệ thống thư viện và tham gia cùng thư viện trong công tác tuyên truyền, nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

      CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết