22/06/2015 - 21:44

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 22-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.

Với 88,87% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 17 Chương, 175 Điều, quy định rõ nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó, về văn bản quy phạm pháp luật, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ là: Văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này. Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định của Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.

Thời gian còn lại của buổi sáng 22-6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam cũng như quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc sửa đổi và nhiều nội dung của dự án luật. Theo các đại biểu, dự án Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, Ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức tổng kết thực tiễn, rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về hàng hải; nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm nước ngoài; so sánh đối chiếu với các điều ước quốc tế liên quan. Tuy nhiên, hoạt động giao thông vận tải hàng hải của nước ta vẫn còn yếu so với yêu cầu thực tế và tiềm năng, thế mạnh của một quốc gia ven biển. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung những chính sách pháp luật về hàng hải nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy phát triển căn bản ngành hàng hải nước ta.

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, với 404 phiếu tán thành (chiếm tỷ lệ 81,78%).

Theo Nghị quyết, người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (năm 2014). Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

Nghị quyết giao Chính phủ tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật bảo hiểm xã hội hướng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài cho người lao động; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự hỗ trợ của nhà nước; bảo đảm cho người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc được nhận bảo hiểm xã hội một lần; công khai, minh bạch thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Chính phủ tổ chức thực hiện quy định tại Nghị quyết này, khi cần thiết báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi trách nhiệm của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện Luật bảo hiểm xã hội và giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016.

Chia sẻ bài viết