17/06/2010 - 08:24

Thông qua hai Dự án luật và nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008

* Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi)

(TTXVN)- Hai dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 đã được Quốc hội thông qua chiều 16-6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII.

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 . Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 548.529 tỉ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2007 sang, thu từ quỹ dự trữ tài chính, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định và thu kết dư ngân sách địa phương năm 2007.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 590.714 tỉ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2008 sang năm 2009. Bội chi ngân sách là 67.677 tỉ đồng, bằng 4,58% GDP, không bao gồm số kết dư của ngân sách địa phương. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách gồm: vay trong nước 48.009 tỉ đồng, vay nước ngoài 19.668 tỉ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính ngân sách không còn phù hợp, nhất là các quy định vè tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi ngân sách, làm căn cứ để quản lý và điều hành ngân sách đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả.

Quốc hội đã thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Luật quy định chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm được thể hiện thông qua việc quyết định chỉ số giá tiêu dùng và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.

Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với đa số đại biểu tán thành. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 và Luật số 20/2004/QH11. Theo đó, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ trường hợp sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa, sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và sở hữu cổ phần theo quy định của Luật để xử lý tổ chức tín dụng gặp khó khăn, đảm bảo an toàn hệ thống.

Luật cũng quy định cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ. Luật có hiệu lực thi hành từ 1-1-2011.

* Trước đó, sáng 16-6, Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, cho ý kiến vào dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Đa số đại biểu tán thành việc ban hành Luật Khoáng sản (sửa đổi) và cho rằng, trong bối cảnh công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản thời gian vừa qua còn có thiếu sót và nhiều bất cập. Hệ thống cơ chế quản lý chưa hoàn thiện, việc phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn phân tán, chưa hợp lý như phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, công tác tổ chức lập, thực hiện quy hoạch khoáng sản, khoanh định công bố khu vực khoáng sản... dẫn đến việc hoạt động khoáng sản còn phức tạp ở nhiều địa phương, nạn khai thác, tiêu thụ khoáng sản trái phép, xuất khẩu khoáng sản thô vẫn diễn ra ở nhiều nơi làm thất thoát nhiều tài nguyên khoáng sản.

Việc ban hành Luật khoáng sản (sửa đổi) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đưa công tác khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chia sẻ bài viết