03/06/2008 - 09:51

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII

Thông qua Dự án Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật (sửa đổi); Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Luật trưng mua, trưng dụng tài sản

* Cần giảm thiểu chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật đa dạng sinh học

Chiều 2-6, Quốc hội đã thông qua 3 dự án Luật với tỷ lệ số phiếu tán thành khá cao. Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có tổng số phiếu tán thành là 88,84%; Dự án Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước có 88,44% số phiếu tán thành; Dự án Luật trưng mua, trưng dụng tài sản có 89,86% ý kiến đại biểu đồng ý. Các dự án luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2009.

Theo báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi của Ủy ban thường vụ (UBTV) Quốc hội về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, UBTV Quốc hội đã cho giữ hình thức Thông tư liên tịch là văn bản quy phạm pháp luật (sau khi đã tiếp thu ý kiến); đề nghị Quốc hội cho giữ hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Tổng kiểm toán nhà nước để phù hợp với quy định của Luật kiểm toán nhà nước.

Sau khi có ý kiến đề nghị giữ như Luật hiện hành là đối với dự án, dự thảo do Chính phủ trình thì Chính phủ phải thành lập Ban soạn thảo, UBTV Quốc hội cho rằng: Các dự án, dự thảo do Chính phủ trình nếu được giao cho một Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo và thành lập ban soạn thảo thì sẽ đơn giải thủ tục hành chính và đảm bảo hiệu quả hơn. Vì vậy, UBTV Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định trong dự thảo Luật (khoản 2).

Trước ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc, quản lý tài sản nhà nước trong quá trình đấu giá, đấu thầu, cổ phần hóa của dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, UBTV Quốc hội đã giải trình các quy định trên đã được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về đấu giá, đấu thầu, cổ phần hóa nên không bổ sung nội dung này vào điều 2 của dự thảo Luật. Ngoài ra, UBTV Quốc hội đã chỉnh lý các nội dung tại điểm b, c khoản 1 điều 7; khoản 6, 7 điều 8; khoản 2, 3 các điều 9, 10, 11 của dự thảo Luật về quy định “Chính phủ định kỳ báo cáo Quốc hội về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”; quy định thời gian của các cơ quan lập báo cáo; bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh giám sát.

Trong dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, UBTV Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý điều 17 và 31 theo hướng người có thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản, quyết định cưỡng chế thi hành và có thể tổ chức việc cưỡng chế thi hành hoặc giao cho chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (nơi có tài sản trưng mua, trưng dụng) tổ chức cưỡng chế thi hành.

* Tại buổi Thảo luận Dự án Luật đa dạng sinh học (ĐDSH) ngày 2-6, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến xoay quanh sự thống nhất Dự án Luật ĐDSH với hệ thống pháp luật và điều ước quốc tế có liên quan; phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; phân hạng, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn và trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH. Đặc biệt vấn đề về quản lý sinh vật biến đổi gien tại Mục 1 chương 6 được khá nhiều đại biểu quan tâm.

Tại khoản 2 điều 57 (chương 6) đề cập tới việc nhập khẩu, chế biến, lưu giữ, vận chuyển, mua, bán hoặc có các hoạt động khác liên quan đến sinh vật biến đổi gien phải tuân thủ các quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) đã góp ý Ban soạn thảo cần quy định rõ trách nhiệm của cơ sở nghiên cứu, nhà cung cấp, nhập khẩu sản phẩm và kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình quản lý an toàn sinh vật biến đổi gien.

Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Trần Hanh (Vĩnh Phúc) cho rằng: Ban soạn thảo cần bổ sung cụ thể vào điều 61 và 62 (chương 6) là: hàng hóa có chứa sinh vật biến đổi gien phải có nhãn và được Hội đồng thẩm định an toàn sinh học Nhà nước chứng nhận. Sản phẩm chế biến từ sinh vật biến đổi gien phục vụ sức khỏe con người có giấy phép của cơ quan y tế; chế biến từ sinh vật biến đổi gien từ cây trồng, vật nuôi cho gia súc, gia cầm phải được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đại biểu Lê Minh Hồng (Hà Nam) cho rằng: Trách nhiệm quản lý Nhà nước về ĐDSH vẫn còn chung chung, chưa quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành giữa Trung ương và địa phương, rất cần sự phối hợp.

Việc áp dụng luật tại điều 3 (chương I) đã nhận được sự góp ý của nhiều đại biểu nhằm hạn chế sự chồng chéo. Theo đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội), để đảm bảo thống nhất, Ban soạn thảo nên rà soát các luật liên quan để thống nhất. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Hoa (An Giang) minh chứng: “Nếu căn cứ khoản 1 điều 3 thì thấy rằng: Trong Dự án Luật ĐDSH không có khu bảo tồn biển, nhưng Luật Thủy sản lại quy định vấn đề này. Như vậy, những nội dung quy định tại điều khoản này vẫn còn thiếu. Hoặc tại khoản 2 điều 12 quy định khu bảo tồn được phân cấp là Vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài hoang dã; khu bảo tồn cảnh quan. Trong khi đó Luật bảo vệ môi trường lại quy định: Bảo tồn thiên nhiên; khu bảo tồn biển, Vườn quốc gia; khu dự trữ sinh quyển; khu dự trữ thiên nhiên và bảo tồn loài sinh cảnh”. Vì vậy, Dự án Luật cần có quy định thống nhất.

MINH PHƯƠNG - XUÂN TÙNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết