06/06/2012 - 21:12

Bến Tre

Thời tiết thách thức nhà vườn

Điểm thu mua trái cây ở ấp Hàm Luông,
xã Tân Phú.

Những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn và thành công trong cây cho trái rải vụ, nghịch vụ. Thế nhưng, từ đầu năm 2012 đến nay, thời tiết diễn biến thất thường đã gây bất lợi cho nhiều chủng loại cây trồng trong quá trình đơm bông kết trái. Đây cũng là thách thức đối với nhà vườn hiện nay.

Khoảng một tháng nay, nhiều nông dân ở các xã Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy... thuộc huyện Châu Thành đã vào vụ thu hoạch sầu riêng, chôm chôm. Đây là vụ thuận, cây trồng đơm bông, đậu trái theo quy luật tự nhiên, không can thiệp nhiều bằng khoa học kỹ thuật. Nhưng thời tiết diễn biến thất thường đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả vụ thu hoạch. Theo nhiều nông dân trồng sầu riêng, vụ trái cây năm nay cây trồng trổ bông chênh lệch chỉ vài ngày và tỷ lệ đậu trái khác nhau. Có nhà vườn, cây trồng trong vườn trổ bông thời điểm nắng nóng gay gắt và gặp phải cơn mưa trái mùa, trái đậu chỉ 50%. Trên thực tế, cây trổ bông, kết trái nhiều hơn các năm trước, nhiều nhà vườn đinh ninh sẽ trúng vụ nhưng cơn mưa trái mùa đã làm nhiều cây đang cho trái phải buông khỏi cành! Sản lượng trái thu hoạch giảm đáng kể, trong khi chi phí vật tư đầu vào tăng, nhà vườn càng khó.

Vào thời điểm này của năm 2011, đến Tân Phú men theo những con đường bê-tông để vào các điểm du lịch sinh thái, du khách phải ngất ngây hòa mình vào những vườn chôm chôm cho trái trĩu cành. Nhưng bây giờ, hình ảnh này dường như khó tìm. Qua 10 điểm du lịch sinh thái của xã đều vắng bóng khách tham quan. Ông Nguyễn Văn Hóa, ở xã Tân Phú, cho biết: “Hằng năm, từ ngày 30 tháng 4, điểm du lịch của tôi bắt đầu đón khách kéo dài đến Tết Đoan Ngọ. Nhưng năm nay lượng khách đến giảm 1/3 so với trước, chỉ trông chờ vào Tết Đoan Ngọ. 6 công đất trồng chôm chôm phục vụ khách tham quan du lịch cũng không cho trái như mong muốn”. Theo ông Hóa, cây trồng vừa nhú bông đã gặp mưa trái mùa rồi đâm đọt non, chỉ còn 1 công đậu trái nhưng phải đến tháng 6 âm lịch mới thu hoạch. Nguồn thu từ cây trồng chưa thấy nhưng ông đã bỏ ra khoản tiền 4 triệu đồng mua phân, thuốc chăm sóc cây trồng. Năm 2011, từ 6 công đất trồng chôm chôm cho trái thu hoạch kết hợp với dịch vụ ăn uống đem lại nguồn thu 80 triệu đồng cho gia đình ông Hóa, nhưng năm nay hy vọng thu phân nửa cũng không dễ... Mặt khác, cái khó vẫn là khi khách tham quan muốn vào tận vườn hái trái trên cây xuống thưởng thức và nhà vườn làm du lịch sinh thái mùa này coi như thất thu.

Ông Võ Hoàng Bá, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: “Toàn xã có 1.560ha đất trồng cây ăn trái các loại. Những năm gần đây, hệ thống đê bao khép kín, hộ dân có kinh nghiệm trong xử lý cây cho trái rải vụ, đã khắc phục tình trạng thu hoạch tập trung vào vụ thuận đụng trái cây của các tỉnh miền Đông phải bán giá thấp. Các hộ dân có nhiều nỗ lực điều chỉnh thời vụ thu hoạch nhưng thời tiết đã thách thức nhà vườn. Một số hộ, sản lượng trái cây thu hoạch giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống”. Theo ông Bá, ngay thời điểm Tết Đoan Ngọ, xã có khoảng 30ha đất trồng sầu riêng và chôm chôm cho trái thu hoạch. Hiện các điểm du lịch sinh thái đã gắn kết thu mua để phục vụ khách tham quan. Năm trước, chỉ trong 2 ngày mùng 4 và 5 âm lịch, khách tham quan đã thưởng thức tại vườn và mua đem về khoảng 50 tấn trái cây. Tết Đoan Ngọ năm nay đúng vào dịp học sinh nghỉ hè và ngày càng có nhiều người muốn tìm đến vùng quê sông nước, vườn cây trái đặc sản để vui chơi, giải trí, trong khi đó sản lượng trái cây không dồi dào do ảnh hưởng thời tiết cộng với việc xử lý cây cho trái né vụ nên không loại trừ khan hiếm và giá bán tăng lên.

Bài, ảnh: TRẦN QUỐC

Điểm thu mua trái cây ở ấp Hàm Luông, xã Tân Phú.

Chia sẻ bài viết