17/11/2010 - 21:21

Thoát nghèo nhờ nuôi ba ba

Anh Nguyễn Văn Út khấm khá nhờ nuôi ba ba thịt.

Trước đây, có thời gian làm ăn thua lỗ, anh Nguyễn Văn Út, ở ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) phải sang bán hơn 7 công đất ruộng để trang trải nợ nần. Không cam chịu thất bại, anh Út đã tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật nuôi ba ba. Sau 5 năm gắn bó với nghề nuôi ba ba thịt, đến nay, cuộc sống của gia đình anh Út dần khấm khá, làm cho nhiều người dân địa phương cảm phục nghị lực vượt khó của vợ chồng anh.

Trường Xuân là xã thuần nông. Trước đây, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Mấy năm gần đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nơi đây diễn ra khá rầm rộ, bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan. Nguồn thu nhập của nhiều nông hộ dần được cải thiện, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Trong đó, mô hình nuôi ba ba thịt của anh nông dân Nguyễn Văn Út, ở ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân là một điển hình.

Hôm chúng tôi ghé nhà, anh Út đang tất bật với việc chuẩn bị mồi cho đàn ba ba ăn cử sáng. Anh Út cho biết: “Ba ba là loài vật rất dễ nuôi và nhẹ công chăm sóc. Nguồn thức ăn của chúng chủ yếu là cá vụn, cua, ốc có sẵn trong tự nhiên. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, người nuôi có thể đi kiếm mồi cho chúng ăn, đỡ tốn chi phí. Đây là đợt nuôi thứ ba, với tổng đàn 3.500 con, đang phát triển khá tốt, trung bình trọng lượng mỗi con từ 800gram trở lên. Vài tháng nữa, chúng tôi có thể thu hoạch được với mức lợi nhuận khá cao”. Anh Út nhẩm tính, giá bán ba ba thịt loại 1 hiện khoảng 220.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, anh còn lời trên 100 triệu đồng.

Anh Út chia sẻ kinh nghiệm: “Ao nuôi không cần sâu, khoảng 8-9 tấc và nước trong ao không nhất thiết phải thay đổi thường xuyên. Khi ba ba còn nhỏ cho ăn thức ăn trộn với cá lòng tong. Khi được khoảng 6 tháng tuổi, ba ba có thể ăn cá vụn, cá cắt khúc hay ốc bươu vàng. Trên bờ, dùng tôn che chắn xung quanh ao nuôi, nhằm hạn chế tình trạng ba ba di chuyển đi nơi khác, bị thất thoát, ảnh hưởng đến năng suất. Con giống là điều kiện quyết định thành, bại. Con giống chất lượng, đảm bảo thì tỷ lệ hao hụt thấp, hạn chế được rủi ro, nâng cao năng suất”. Trong quá trình nuôi ba ba thịt, anh Út còn tìm tòi, mày mò, nghiên cứu và đã thành công với quy trình nhân giống ba ba. Anh dự tính sẽ mở cơ sở sản xuất, cung cấp con giống cho người dân có nhu cầu nuôi ba ba...

Trước khi thả nuôi ba ba, anh Út cùng vợ (chị Nguyễn Thị Hương) sống phụ thuộc chủ yếu vào cây lúa. Làm lụng vất vả, thế nhưng, nguồn thu nhập này bấp bênh, thậm chí thua lỗ. Anh Út cho biết: “Hồi mới cưới, cha mẹ cho vợ chồng tôi được 12 công ruộng. Nhưng do ruộng lúa bị sâu bệnh phá hoại, đến vụ thu hoạch thì bán không được giá, không có lãi mà còn thiếu nợ. Sau đó, chúng tôi sang bán 7 công đất để trang trải nợ nần, còn lại 5 công. Ngoài 3 công đất canh tác lúa, phần đất còn lại, tôi đào ao nuôi các loại cá chép, cá mè vinh, cá tra... Nhưng thu nhập cũng không cao, cuối cùng, tôi quyết định chuyển sang nuôi ba ba thịt cho đến nay”.

Ngày mới bắt đầu thả nuôi ba ba, người dân trong xóm lo ngại cho vợ chồng anh Út, sao lại thả nuôi loài vật còn quá lạ lẫm này! Không ngại khó, vợ chồng anh Út vẫn âm thầm chăm sóc đàn ba ba. Khi đàn ba ba hơn 18 tháng, anh Út kêu thương lái đến nhà cân bán. Khi đó, nhiều hộ dân trong xóm kéo nhau đến xem và phải công nhận hiệu quả kinh tế mà con ba ba mang lại cao gấp mấy lần so với việc độc canh cây lúa. Anh Út cho biết: “Đợt đầu, tôi thả nuôi 500 con, mỗi con giống giá 3.000 đồng. Đến khi thu hoạch được hơn 400kg, thương lái đến tận nhà thu mua, với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, tôi còn lời khoảng 20 triệu đồng. Do tôi chưa có kinh nghiệm, tỷ lệ con giống hao hụt nhiều, con ba ba thương phẩm chưa đạt trọng lượng, nên giá bán không cao. Vừa làm vừa rút tỉa kinh nghiệm, đến vụ thả nuôi thứ 2, tôi mới tự tin và khẳng định nuôi ba ba thịt không khó”. Lúc con ba ba còn nhỏ thường bị bệnh đốm trắng, anh Út tìm được cách phòng trị hiệu quả và sau vụ nuôi đầu, anh Út tiếp tục mở rộng diện tích nuôi lên 2.000 con, rồi đến 3.500 con.

Để tiết kiệm chi phí, trời vừa chạng vạng tối, anh Út cùng vợ con đi kéo lưới bắt ốc về làm thức ăn cho ba ba. Từ thành công nuôi ba ba thịt, lợi nhuận thu về kha khá, anh Út - chị Hương chi tiêu tiết kiệm, dành dụm tiền cất được căn nhà tường rộng rãi, thoáng mát, nằm cặp tuyến lộ Bốn Tổng – Một Ngàn. Nhìn đôi bàn tay của anh Út to bè, đầy vết sẹo, chai cứng vì bị ba ba cắn, tôi cảm nhận được phần nào nỗi vất vả, khó nhọc mà anh đã trải qua, để có thể gầy dựng được cơ ngơi vững vàng như hôm nay...

Ông Bùi Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân, cho biết: “Với nghị lực không ngại khó, ham học hỏi, nông dân Nguyễn Văn Út đã thành công với mô hình nuôi ba ba thịt, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp mấy lần so với việc độc canh cây lúa. Là nông dân sản xuất giỏi trong nhiều năm liền, mới đây, anh Út được UBND huyện Thới Lai tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương trong 2 năm 2009 – 2010. Càng đáng trân trọng hơn, anh Út luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ba ba, giúp nhiều hộ đang gặp khó khăn có thêm điều kiện nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững...”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết