18/03/2014 - 20:40

Thích ứng thị trường, tìm lối ra cho sản xuất

Trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp (DN) ở TP Cần Thơ vẫn gặp không ít khăn bởi thị trường tiêu thụ tiếp tục trầm lắng, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực đạt thấp so với cùng kỳ. Làm thế nào để DN thuận lợi tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm gắn với củng cố và mở rộng thị trường… là hàng loạt vấn đề đặt ra với DN và các sở, ngành hữu quan của thành phố nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra năm 2014.

Lo đầu vào lẫn đầu ra

Hằng năm, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của TP Cần Thơ là gạo và thủy sản đóng góp hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Tuy nhiên, các DN gạo và thủy sản đều đang gặp không ít khó khăn. Đối với xuất khẩu thủy sản, tình hình tương đối khả quan khi kim ngạch xuất khẩu 2 tháng tăng 12% so với cùng kỳ với tổng sản lượng 20,3 ngàn tấn, giá trị gần 83 triệu USD, đạt 17% kế hoạch năm. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ giá tôm xuất khẩu tăng song đối với cá tra lại gặp khó về nguyên liệu. Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho biết: “Sản phẩm tôm xuất khẩu đang có lợi thế do sản lượng ít trong khi nhu cầu cung ứng cho thị trường lớn. Từ năm 2013 đến nay, xuất khẩu tôm thuận lợi, người nuôi lãi nhiều, các DN xuất khẩu tôm cũng hưởng lợi một phần trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên ở ngành hàng cá tra, đến cuối năm 2013, các DN vẫn chịu ảnh hưởng cung thừa, áp lực bán hàng lớn, đầu ra khó. Sang năm 2014, thị trường tiêu thụ cá tra có dấu hiệu khởi sắc thì DN lại thiếu nguồn nguyên liệu chế biến do người nuôi thua lỗ, treo ao”.

Theo các DN chế biến, kinh doanh xuất khẩu gạo, tình hình xuất khẩu đến nay vẫn trầm lắng, DN vẫn chưa ký kết được nhiều hợp đồng mới. Ông Dương Quốc Toàn, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, nói: “Đầu năm 2014, thị trường xuất khẩu gạo chưa ổn định ở cả hợp đồng thương mại và hợp đồng tập trung, các nước nhập khẩu chưa có động thái rõ rệt. Trung Quốc là khách hàng chính song DN lại lo ngại về những rủi ro trong quá trình thanh toán, mặt khác Thái Lan đang giảm giá gạo xuất khẩu để giải quyết lượng tồn kho cũng tạo nên áp lực đầu ra cho DN gạo Việt Nam”. Còn theo ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, hiện lúa đông xuân đang thu hoạch rộ. Song, các DN vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng để thu mua lúa tạm trữ. Bên cạnh đó, DN còn gặp phải áp lực quay vòng vốn để kịp trả lãi ngân hàng nên khả năng dự trữ lúa gạo chưa cao dẫn đến bị động khi đàm phán về giá xuất khẩu với các đối tác.

 Các DN đang có nhu cầu tiếp cận vốn lãi suất ưu đãi để đầu tư hạ tầng và thu mua nguyên liệu chế biến.
Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Cơ khí Thế Dân.

Trong khi các DN xuất khẩu gặp khó khăn trong quá trình ký kết hợp đồng, đàm phán giá xuất khẩu và đấu tranh với các rào cản thương mại thì các DN nhỏ và vừa lại phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm trong và ngoài nước. Ông Lâm Thế Vân, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Thế Dân, cho biết: “Hiện nay, công ty có mong muốn tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ song vẫn khó tiếp cận vốn và phải có tài sản thế chấp. Mặt khác, công ty cũng gặp không ít khó khăn bởi một số khách hàng do khó khăn tài chính tìm cách chiếm dụng vốn, kéo dài thời gian trả tiền hàng, thậm chí không trả tiền. Quá trình thưa kiện để thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn, thời gian thu hồi nợ kéo dài”.

Trợ lực cho DN

Theo các DN, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vốn đầu tư cho sản xuất và vốn để thu mua nguyên liệu chế biến. Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho biết: “Hiện nay, nhiều nhà máy chế biến thủy sản phải cử nhân viên tìm nguồn nguyên liệu cá tra phục vụ chế biến. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các DN thủy sản ở Cần Thơ. DN lẫn người nuôi đều đang khó tiếp cận vốn ngân hàng phục vụ sản xuất mặc dù lãi suất vay đã về dưới 10%. Các ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay để hạn chế rủi ro nên vốn không tới tay DN. Vì vậy, ngân hàng cần xem xét khả năng phát triển của DN để kịp thời đưa vốn vào sản xuất bởi ngân hàng chính là đơn vị đóng vai trò tháo gỡ nhiều nhất cho sản xuất kinh doanh”. Đồng quan điểm này, ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, nói: “Giá lúa mấy năm nay đã trở thành quy luật, đầu vụ giá cao đến thu hoạch rộ giá thấp và khi giá tăng lên lại thì nông dân đã bán hết lúa. Nếu DN nào thu mua lúa dự trữ sẽ chủ động hơn khi đàm phán giá các hợp đồng xuất khẩu, song nhu cầu về vốn rất lớn và cần đầu tư hoàn thiện hệ thống kho chứa để đảm bảo chất lượng lúa gạo. Hiện lãi suất vay ngân hàng từ 7-9%/năm, song nhiều DN vẫn chưa mạnh dạn tiếp cận. Vì thế, chúng tôi kiến nghị ngân hàng nên giảm lãi suất về mức 5-6,7%/năm để đáp ứng nhu cầu thu mua lúa tạm trữ cho dân và đầu tư cơ sở hạ tầng”.

Trong điều kiện sản xuất khó khăn, nhiều DN đã chủ động tìm lối ra bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín kinh doanh để tranh thủ niềm tin của khách hàng. Ông Trần Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Hiệp Kim Xuân, cho biết: “Công ty chuyên cung cấp đinh dây cho thị trường Bắc Mỹ, Nhật Bản với khoảng 1.000 tấn/tháng. Nhờ tập trung tiếp cận công nghệ nước ngoài để gia tăng chất lượng sản phẩm, cải tiến quản lý chất lượng sản phẩm đinh dây từ bằng hoặc hơn các nhà cung cấp Đài Loan và một số nước ASEAN như Thái Lan, Myanmar nên đơn đặt hàng tăng lên đáng kể. Hiện nay, công ty đã nhận đơn hàng đến tháng 4 và tháng 5”. Theo ông Thành, đối với DN xuất khẩu, vấn đề quan trọng nhất chính là chất lượng sản phẩm, một khi chất lượng sản phẩm có thể sánh cùng các nước khác thì DN sẽ có thêm nhiều cơ hội để đặt điều kiện với đối tác nước ngoài về hình thức thanh toán, phương thức giao hàng và một số nội dung khác.

Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ hỗ trợ doanh nghiệp thành phố, cho biết: “Năm 2014, Tổ hỗ trợ DN thành phố sẽ tập trung vào các nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ DN theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo thuận lợi nhất cho DN hoạt động. Trên cơ sở kiến nghị của các DN về nhu cầu tiếp cận vốn ngân hàng, Tổ hỗ trợ DN sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ trung gian phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Cần Thơ, các ngân hàng thương mại xử lý các vấn đề khó khăn trong tiếp cận vốn. Đồng thời, Tổ sẽ hỗ trợ DN bán hàng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với quảng bá thương hiệu, hỗ trợ xử lý các tranh chấp thương mại theo quy định của các định chế, nhất là lĩnh vực xuất khẩu”.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết