16/03/2010 - 21:52

Thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc?

Mặc dù năm 2009 được giới chuyên môn đánh giá là năm đầy khó khăn của thị trường chứng khoán (TTCK) do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận những đợt sóng mạnh của chứng khoán, nhất là chỉ số VN-Index khi đạt đỉnh 633,21 điểm và nhiều phiên có giá trị giao dịch hàng ngàn tỉ đồng mỗi phiên. Trước những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế và những diễn biến đầy sôi động ở những phiên đầu năm 2010, nhiều người đang kỳ vọng TTCK sẽ có những bước tăng trưởng mới…

* NHỮNG BIẾN ĐỘNG CỦA TTCK

Theo Phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, năm 2009, TTCK có 171 doanh nghiệp niêm yết mới, tổng giá trị vốn hóa (tính đến phiên ngày 1-2-2010) đạt khoảng 162.000 tỉ đồng, chiếm 26,7% vốn hóa thị trường. Ngoài ra, các công ty đang niêm yết hiện hữu cũng tiến hành phát hành tăng vốn mạnh mẽ với tổng số tiền huy động (bao gồm cả phát hành riêng lẻ) đạt trên 8.800 tỉ đồng. Thanh khoản trên sàn chứng khoán TPHCM đạt trung bình 1.730 tỉ đồng/phiên (khoảng 43,7 triệu đơn vị cổ phiếu) và đã xác lập kỷ lục lớn nhất kể từ trước đến nay khi đạt 6.452 tỉ đồng (phiên ngày 23-10-2009), tương đương tổng khối lượng 137 triệu đơn vị. Năm 2009, các nhóm cổ phiếu có mức tăng giá ấn tượng nhất phải kể đến bất động sản, vật liệu cơ bản.

 Những tín hiệu khởi sắc đầu năm 2010 đã kéo nhiều nhà đầu tư chứng khoán trở lại thị trường.

Đến cuối năm 2009, TTCK bắt đầu chịu sự tác động của chính sách vĩ mô và các kênh đầu tư khác như vàng, đô-la trở nên hấp dẫn hơn chứng khoán. Tỷ giá ngoại tệ và tăng trưởng tín dụng quá nóng buộc Ngân hàng Nhà nước phải có những biện pháp thắt chặt tiền tệ. Phiên giao dịch ngày 17-12-2009, thị trường điều chỉnh mạnh về mốc 427,06 điểm, khối lượng giao dịch đạt 39,9 triệu cổ phiếu.

Hiện nay, diễn biến của thị trường tiền tệ được đánh giá là đỉnh điểm của khó khăn trong năm 2010. Thị trường tiền tệ đã được thông thoáng hơn từ đầu tháng 3 khi yếu tố mùa vụ Tết qua đi. Định hướng chính sách tích cực hơn với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 25% hỗ trợ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trên 6%. Khả năng tăng lãi suất cơ bản hiện hữu trong khoảng 0,5%-1% là bước tiến cuối cùng của việc bình thường hóa lãi suất cơ bản sau khủng hoảng. Tỷ giá dự báo biến động trung bình (4-5% so với cuối năm 2009) phản ánh thâm hụt nhẹ cán cân thanh toán.

Theo nhận định của ông Vũ Đình Độ, Trưởng phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, tình hình kinh tế vĩ mô dự báo sẽ ghi nhận những cải thiện, thị trường đứng trước cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư, đặc biệt của nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, thị trường sẽ được hỗ trợ tốt khi chỉ số giá tiêu dùng CPI hiện ở mức độ trung bình, tỷ giá được giữ ổn định... Đây là những yếu tố để VN-Index sẽ có nhiều khả năng tiến tới vùng 650 điểm trong năm 2010 (tương ứng với P/E- hệ số giữa giá giao dịch và lợi nhuận của cổ phiếu mức trung bình dài hạn của thị trường 15 lần). Các nhóm ngành có nhiều triển vọng nhất là nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, dược phẩm và công nghệ sinh học, giao thông công nghiệp (cao su tự nhiên, vận hành cảng biển). Riêng ngành thủy sản sẽ có một vài cổ phiếu hứa hẹn nhiều tiềm năng bởi tác động tích cực của tỷ giá, thị trường, chính sách hỗ trợ xuất khẩu.

Theo ông Vũ Đình Độ dự báo: “Giá dầu và nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới sẽ tích cực hơn khi kinh tế phục hồi. Điều này khuyến khích các công ty khai thác tăng sản lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động thăm dò. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang đẩy mạnh các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trong và ngoài nước với mục tiêu tăng số lượng mỏ và trữ lượng dầu khí. Tổng vốn đầu tư cho hoạt động lọc và chế biến dầu giai đoạn 2009-2015 tăng lên 19 tỉ USD. Hoạt động của các công ty trong ngành sẽ tăng trưởng tốt do nhu cầu về giàn khoan và các dịch vụ kỹ thuật dầu khí gia tăng. Trong đó, chúng tôi chọn PVD và PVS bởi vị thế đầu ngành, sự tăng trưởng quy mô hoạt động, hỗ trợ từ công ty mẹ PVN và đang ở mức định giá hợp lý”.

* KỲ VỌNG VN-INDEX ĐẠT 650 ĐIỂM

Năm 2009 là một năm thành công đối với ngành dược khi phần lớn các công ty trong ngành đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng (mức trung bình lần lượt là 28% và 93%). Trong đó, tăng trưởng doanh thu ở mức tương đương với năm 2008, song tăng trưởng lợi nhuận đột biến hơn hẳn (năm 2008 chỉ đạt 8,5%). Tuy nhiên, phần lớn các công ty dược (trừ DCL, OPC)có diễn biến giá tương đương hoặc thấp hơn so với VN-Index. Các cổ phiếu này ít bị giảm giá trong giai đoạn VN-Index giảm sâu cuối 2008 và đầu năm 2009, nên kém hấp dẫn so với các nhóm cổ phiếu khác khi kinh tế phục hồi, đặc biệt trong điều kiện dòng tiền đầu tư nước ngoài chưa thực sự quay lại ngành này. Theo báo cáo mới nhất của BMI (quý I-2010), chi phí sử dụng thuốc của Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân 16,63% trong giai đoạn 2009-2014, cho thấy nhu cầu đối với sản phẩm dược sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2010. DCL là cổ phiếu thu hút được dòng tiền đầu tư nước ngoài năm 2009. Dự báo, DCL, IMP (có nhà máy mới đi vào hoạt động trong năm 2010), DVD (dự kiến đưa ra thị trường một số sản phẩm chủ lực) là những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2010.

Đối với ngành cao su, năm 2010 được đánh giá là năm triển vọng của ngành khi giá dầu thô trên thế giới (quan hệ đồng biến với giá cao su tự nhiên) có chiều hướng tăng. Nguồn cung trên thế giới cũng bị suy giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu cao su phục vụ sản xuất dự báo sẽ tăng cao do kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế thế giới. Trên cơ sở đó, giá cao su được dự báo sẽ tăng khoảng 40% so với giá trung bình của năm 2009.

Ngành thủy sản, kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục, đặc biệt tại thị trường xuất khẩu chủ yếu của thủy sản Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, diễn biến của tỷ giá có lợi cho xuất khẩu... là những thuận lợi cơ bản cho hoạt động xuất khẩu thủy sản năm 2010. Dự báo, thị trường sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó, lợi thế thuộc về những doanh nghiệp có vùng nguyên liệu và thị trường xuất khẩu ổn định (ABT, AAM, VHC, HVG, MPC). Tuy nhiên, các doanh nghiệp này tăng trưởng trong khó khăn vì có thể sẽ phải đối mặt với việc khan hiếm nguồn nguyên liệu, giá đầu vào tăng trong khi giá bán khó có khả năng tăng tương ứng.

Đối với ngành vận tải hàng hóa, cảng biển, dự báo hoạt động giao thương hàng hóa sẽ sôi động theo kỳ vọng phục hồi kinh tế, chính sách vĩ mô tiếp tục hướng đến thúc đẩy xuất khẩu trong nước. Đó là những điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác cảng và dịch vụ cảng biển. Năm 2010, dự kiến tăng trưởng doanh thu bình quân của các công ty trong ngành dao động khoảng 15-20%. Lợi thế thuộc về các công ty có hạ tầng được đầu tư tốt và có thể tăng công suất khai thác khi nhu cầu tăng như DVP, TCL, VSC.

Với những dấu hiệu tăng trưởng tốt của TTCK đang thuyết phục nhà đầu tư quay trở lại với khối lượng giao dịch đang nhích lên từng phiên. Nhiều ý kiến cho rằng, TTCK năm 2010 sẽ tiếp tục tăng trưởng khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhiều khả năng năm nay tăng trưởng GDP sẽ cao hơn sẽ tác động tích cực đến thị trường. Đại diện chi nhánh Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông tại TP Cần Thơ cho biết, hiện nay chi nhánh này đã phát triển được 1.000 tài khoản của nhà đầu tư, trong đó, khoảng 300 tài khoản của nhà đầu tư lớn được giao dịch thường xuyên. Dự kiến, số lượng tài khoản của các nhà đầu tư lớn có thể sẽ còn tăng trong thời gian tới nhờ công ty triển khai tốt các dịch vụ tiện ích hỗ trợ tốt cho nhà đầu tư, nhất là dịch vụ ứng trước tiền bán (không phải đợt T+3) và không tính phí để giúp nhà đầu tư tiếp tục mua cổ phiếu mới khi chớp được cơ hội.

Bài, ảnh: VĂN TUẤN

Chia sẻ bài viết