Vượt qua 36 đội thi đến từ các quận, huyện của thành phố, đội thi Trường Tiểu học Phú Thứ 2 (quận Cái Răng) đoạt giải Nhất tại Hội thi Ðấu trường Robot. Giải thưởng không chỉ giúp học sinh đến gần hơn với khoa học - công nghệ - kỹ thuật và phát triển tư duy sáng tạo trong học tập; mà còn tạo thêm động lực trong ngành Giáo dục quận Cái Răng tiếp tục phát triển giáo dục STEM...
Huỳnh Ðăng Khoa và Nguyễn Ngọc Phát cùng giáo viên thực hành trên máy tính.
Hội thi Ðấu trường Robot (Hội thi) tại Ngày Hội Giáo dục STEM cấp tiểu học năm học 2023-2024, do Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ tổ chức vào đầu năm 2024 có 36 đội thi; mỗi quận, huyện có 4 đội thi (mỗi đội có 2 học sinh và 1 giáo viên hướng dẫn). Các thí sinh chủ yếu là học sinh lớp 4, lớp 5 tham gia tranh tài. Chủ đề Hội thi là “Xây dựng khu đô thị mới - hạt nhân tiềm năng”. Các đội thi điều khiển robot trên sa bàn để thực hiện các nhiệm vụ: vận chuyển vật liệu theo vị trí định sẵn, đẩy khối vật liệu quan trọng đến vị trí để giành quyền phát triển dự án. Trải qua 2 vòng thi, đội 2 em học sinh Trường Tiểu học Phú Thứ 2 vinh dự đoạt giải Nhất. Ðó là em Huỳnh Ðăng Khoa (lớp 4.2) và Nguyễn Ngọc Phát (lớp 5.1).
Chúng tôi gặp lại Ðăng Khoa và Ngọc Phát vào buổi sáng đầu tháng 3-2024, khi hai em đang thực hành phần mềm lập trình Scratch. Vừa thao tác xong nhân vật, khối hình trên máy tính, Ngọc Phát vui vẻ kể: “Lúc đó đội tham gia thi với mong muốn được trải nghiệm, tinh thần khá thoải mái. Vào vòng chung kết, chúng em mới thấy hồi hộp, nên cố gắng tập trung thi với các đội bạn”. Ðăng Khoa tiếp lời: “Ðược giải Nhất, chúng em mừng lắm!”.
Hai em Ngọc Phát và Ðăng Khoa trước hội thi chưa trải nghiệm điều khiển robot. Ðể chuẩn bị tham gia Hội thi, Ngọc Phát và Ðăng Khoa được cô Lê Thị Ngọc Tuyền, giáo viên dạy Tin học của trường hướng dẫn, trang bị những kỹ năng hợp tác đồng đội, cách điều khiển robot, chia nhiệm vụ… Cô trò đã dành nhiều thời gian tập luyện để tham gia Hội thi. Theo cô Lê Thị Ngọc Tuyền, trước khi tham gia Hội thi, giáo viên và học sinh được tham gia tập huấn về cách sử dụng phần mềm, điều khiển robot, làm quen sa bàn... Sau đó, cô và trò thảo luận tìm ra cách thiết kế, điều khiển robot nhanh nhất, hoàn thành các nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất. Cô Lê Thị Ngọc Tuyền chia sẻ: “Trong quá trình tập luyện, đội đã thử nhiều phương pháp dùng càng gắp vật liệu hình khối nhưng khá chậm. Vì thế, tôi và các em tự thiết kế càng đẩy thì thấy hiệu quả hơn. Các em tham gia thi với tâm lý thoải mái, tự tin, là một trong số nhân tố góp vào thành công”. Cô Ngọc Tuyền cũng cho biết, lúc đầu thực hiện điều khiển robot, học sinh còn bỡ ngỡ, nhưng qua quá trình rèn luyện thường xuyên và mỗi ngày vào giờ ra chơi hoặc cuối buổi học, các em tự tin hơn và dần dần có thành tích tốt hơn sau mỗi ngày.
Ðể thuần thục trong lúc điều khiển robot trên sa bàn, hai em đã phối hợp luyện tập rất nhiều lần. Ngọc Phát cho biết trong quá trình tập luyện, em và Ðăng Khoa thay phiên nhau điều khiển robot. Nếu Ngọc Phát điều khiển robot thì Ðăng Khoa bấm giờ và nhắc nhở khi làm ngã hoặc là đẩy những khối chưa đúng vị trí; và ngược lại. “Quá trình thi đòi hỏi phải nhanh tay, lẹ mắt để điều khiển robot sao cho đúng vị trí và chính xác nhất”, Ngọc Phát nói. Còn Ðăng Khoa bộc bạch: “Em rất vui khi đi thi. Em có thể học tập, rèn luyện để học tốt hơn; được giao lưu với nhiều bạn bè”.
Thành công của đội còn nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phú Thứ 2. Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy; giúp giáo viên, học sinh tham gia đầy đủ các buổi tập huấn giáo dục STEM, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về ý nghĩa hoạt động giáo dục STEM, robot… Cô Ðặng Thị Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thứ 2, cho biết tham gia Hội thi, các em học sinh vừa được vui chơi, vừa thỏa sức đam mê học tập, sáng tạo khoa học, công nghệ. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để giáo viên, học sinh tham gia các hoạt động giáo dục, hội thi, giao lưu… nhằm phát huy khả năng tư duy sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy và học.
Bài, ảnh: B.KIÊN