Trong cuộc sống hiện đại, mối quan hệ giữa thầy và trò có nhiều thay đổi nhưng cơ bản là được nâng lên tầm cao mới. Đó không chỉ là yêu cầu về khối lượng kiến thức thầy cô truyền thụ cho học sinh, sinh viên mà còn là những kỹ năng chia sẻ, thấu hiểu các em.
Giáo dục bằng hành động
Thầy Võ Ngọc Hoàng Kiệt và các học sinh học tập ở vườn rau của Trường THPT Trần Đại Nghĩa.
Hai năm qua, vườn rau sạch của Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng) đã trở thành nơi học tập thường xuyên của học sinh trong giờ học các môn sinh học, công nghệ nông nghiệp. Vườn có diện tích 50m2, được đầu tư xây dựng với số tiền hơn 43 triệu đồng. Khi học các bài về trồng rau, trồng cây, thầy Võ Ngọc Hoàng Kiệt, giáo viên môn công nghệ nông nghiệp, sẽ đưa học sinh đến vườn để các em vừa học lý thuyết, vừa trực tiếp trồng cây. Trong 2 năm học qua, học sinh ở trường đã trồng 4 vụ rau cải, dưa leo, cà tím... và thu hoạch gần 100kg. Võ Ngọc Hân, học sinh lớp 10A1, cho biết: “Nhờ học tập ở vườn rau nên tụi em biết nhiều phương pháp trồng rau cải, nhất là quá trình chăm sóc để cây phát triển tốt. Ngoài giờ học, em và các bạn cũng thường xuyên xuống vườn để chăm sóc rau, tìm hiểu về thực vật”.
Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Đại Nghĩa xây dựng chương trình giáo dục theo hướng thầy cô tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh tham gia. Trong đó, thầy cô là người định hướng. Năm học 2019-2020, trường còn tổ chức cho thầy cô và học sinh thi trang trí lớp học bằng vật liệu tái sử dụng, nhằm góp phần xây dựng môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh đó, nhà trường đầu tư cải tạo chân cầu thang thành nơi để học sinh vui chơi, học tập khi ra chơi và nghỉ giữa các buổi học. “Trường tổ chức hoạt động hướng nghiệp, tư vấn tâm lý và những hoạt động trải nghiệm ngoài trường để học sinh và giáo viên cùng tham gia. Sau mỗi chương trình, chúng tôi đều tổ chức cho các em viết bài thu hoạch để chia sẻ những điều bổ ích bản thân nhận được. Qua đó, giúp lãnh đạo trường có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp trong lần tổ chức sau” - thầy Lâm Nhựt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết.
Thử thách của người thầy hôm nay
Thầy Võ Ngọc Hoàng Kiệt - giáo viên môn công nghệ nông nghiệp Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết: Từ khi có vườn rau sạch, học sinh học môn học của thầy rất hiệu quả. Trước đây, một số em xem môn công nghệ nông nghiệp là môn phụ, chưa chú tâm khi học. Vườn rau đã giúp thầy Kiệt và các học sinh xây dựng tốt mối quan hệ, tạo hứng thú học tập. Thầy Kiệt còn tổ chức cho học sinh tham quan ở Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ khi học môn nghề nuôi cá. Thầy Kiệt chia sẻ: “Tôi nghĩ giáo viên dạy môn nào cũng cần phải có tâm với nghề, phải chịu làm, chịu học hỏi, phải thay đổi, tự học tập để tiến bộ. Học sinh hôm nay luôn yêu cầu cao ở người thầy của mình nên tôi luôn tự nâng cao kiến thức, tạo sự say mê trong học tập cho các em”.
Ngoài công tác giảng dạy, thầy Phạm Ngọc Nhàn, giảng viên Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, còn thường xuyên hỗ trợ, tư vấn giúp sinh viên thích nghi với điều kiện học tập, sinh hoạt khi xa nhà. Thầy Nhàn cũng hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tìm kiếm các nguồn học bổng; tìm việc làm thêm để trang trải chi phí học tập… Sau nhiều năm dạy học, điều thầy Nhàn tâm đắc nhất là giúp nhiều sinh viên có thêm nghị lực vượt khó để vươn lên. Nhiều sinh viên xem thầy Nhàn như người thân trong gia đình, luôn chia sẻ và lắng nghe những lời tư vấn, hướng dẫn của thầy.
Theo thầy Phạm Ngọc Nhàn, người thầy phải hiểu rằng lớp học cần vượt qua rào cản của bốn bức tường truyền thống, phải thay đổi tư duy, vừa là người bạn vừa là người thầy trong đời sống của sinh viên. Một thách thức lớn của người thầy đó là công nghệ phát triển vượt bậc, giới trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều. Người thầy phải làm sao hiểu và tư vấn cho các em khi sống trong xã hội công nghệ. Người thầy của thời công nghệ luôn chấp nhận việc trao đổi qua Internet, email, mạng xã hội. Có như vậy mới có thể kịp thời chia sẻ với sinh viên. “Tôi thường xuyên trang bị những kỹ năng sử dụng mạng xã hội để có thể nắm bắt nhu cầu, tâm tư của sinh viên. Một số em gặp những việc khó khăn thường không biết chia sẻ với ai nên hay đăng trên mạng xã hội. Tôi phải sử dụng mạng xã hội mới kịp thời nắm được thông tin để chia sẻ, giúp đỡ các em. Bên cạnh đó, tôi cũng trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ và tận dụng công nghệ để phát huy hiệu quả các bài giảng trong giờ học” - thầy Nhàn nói.
Bài, ảnh: Phạm Trung