24/08/2012 - 21:40

Thầy thuốc và người dân vẫn "sinh" thuốc ngoại

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội nghị thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) với 4 mức độ phát triển, công nghiệp dược Việt Nam hiện ở gần cấp độ 3, tức là có công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic (là thuốc tương đương sinh học với biệt dược về các tính chất dược học và dược lực học), xuất khẩu được một số dược phẩm. Ngành dược Việt Nam được đánh giá khá non trẻ về tuổi đời lẫn kinh nghiệm so với một số nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, sau 20 năm đổi mới cùng nền kinh tế đất nước, ngành dược đã có những bước tiến nhất định nhưng thuốc sản xuất trong nước lại chưa được người Việt yên tâm lựa chọn.

* Đáp ứng 50% nhu cầu

Khi mua thuốc, người bệnh luôn cần có sự tư vấn của dược sĩ về cách sử dụng thuốc đúng liều an toàn - đây cũng là cơ hội để ngành Dược quảng bá thuốc Việt. Ảnh: HỒNG VÂN. 

Cả nước hiện có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, bao gồm 98 doanh nghiệp sản xuất tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược và trên 300 cơ sở sản xuất thuốc đông dược tham gia sản xuất thuốc y học cổ truyền. Năng lực sản xuất thuốc trong nước hiện nay đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phục vụ công tác chữa bệnh. Dự kiến đến năm 2013, Việt Nam sẽ chi khoảng 1,7 tỉ USD cho dược phẩm; giá thị trường thuốc kê đơn ước đạt 1,45 tỉ USD chiếm khoảng 73,2% thị trường dược phẩm; thuốc không kê đơn sẽ đạt khoảng 529 triệu USD chiếm 26,8%...

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết: Công nghiệp dược trong nước từ năm 1996 đến nay phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng và năng lực sản xuất. Sản phẩm thuốc sản xuất trong nước ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị thuốc tiêu thụ, tăng từ 26% (năm 1996) lên hơn 47,82% (năm 2011). Số lượng các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP (Thực hành tốt sản xuất thuốc) tăng qua các năm, từ 2 doanh nghiệp (năm 1997), đến năm 2010 đã lên tới 101 doanh nghiệp. Với việc áp dụng công nghệ tiên tiến thế giới, chất lượng thuốc ngày một nâng cao. Các thuốc sản xuất trong nước từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị. Việt Nam đã sản xuất 234/314 hoạt chất trong Danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam lần thứ V với đầy đủ 29 nhóm tác dụng dược lý theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thuốc sản xuất trong nước đã đa dạng về chủng loại và số lượng như các nhóm: thuốc dung dịch tiêm truyền, thuốc tiêm, thuốc kháng sinh, các nhóm vitamin và các thuốc khác, đặc biệt cả nước đã có 8 cơ sở sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế. Bên cạnh đó, hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam ngày càng phát triển và tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao. Với tính xã hội hóa cao và sự tham gia của các thành phần kinh tế, mạng lưới phân phối thuốc phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc, đảm bảo đủ thuốc cho nhu cầu điều trị, người dân có thể dễ dàng tiếp cận cơ sở bán lẻ thuốc. Hiện tại, toàn quốc có 43.629 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có hơn 10.000 nhà thuốc tư nhân; tính trung bình 2.000 người dân có một cơ sở bán lẻ thuốc. Cùng với sự gia tăng dân số, số lượng cơ sở bán lẻ được mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

* “Sính” dùng thuốc ngoại

Ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Tổng giá trị tiền thuốc sử dụng tại Việt Nam tăng đáng kể qua các năm. Năm 1996, tổng giá trị thị trường chỉ là 340 triệu USD đã tăng lên tới hơn 2 tỉ USD (năm 2011). Kinh phí chi cho thuốc bình quân đầu người tăng hàng năm, năm 2011 đạt 27,60 USD tăng 21,6% so với năm 2010. Kinh phí chi cho thuốc chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí y tế.

Theo số liệu Tài khoản y tế quốc gia năm 2007, tổng chi cho thuốc phòng, chữa bệnh là 28,4 nghìn tỉ đồng, chi mua thuốc tăng gần gấp đôi so với năm 2000 và chiếm khoảng 40% tổng chi phí cho y tế. Nguồn tài chính để mua thuốc chủ yếu từ hộ gia đình, chiếm 72% tổng chi phí mua thuốc, trong đó chi phí mua thuốc tự điều trị chiếm 58%; còn chi phí mua thuốc khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế chỉ chiếm 14%.

Thực tế hiện nay, tại các cơ sở điều trị công lập và tư nhân cũng như trên thị trường thuốc sản xuất trong nước còn có tỷ lệ sử dụng rất thấp. Tổng số tiền mua thuốc năm 2010 theo thống kê của 1.018 bệnh viện là 15.000 tỉ đồng, tăng 22,4% so với năm 2009; trong đó tỷ lệ tiền mua thuốc sản xuất trong nước chiếm 38,7%. Tỷ lệ sử dụng tiền thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện tuyến trung ương chỉ đạt 11,9%, tuyến tỉnh 33,9% và tuyến huyện là 61,5% trong tổng số tiền thuốc điều trị. Các thầy thuốc và người dân vẫn có thói quen dùng thuốc ngoại để chữa bệnh trong khi hiệu quả so với thuốc sản xuất trong nước là tương đương. Đây chính là nguyên nhân gây tốn kém, lãng phí kinh phí cho chữa bệnh vì thuốc nhập ngoại thường có giá thành đắt hơn nhiều thuốc sản xuất trong nước.

* Quảng bá tính ưu việt của thuốc Việt

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Bộ Y tế đã có Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm hỗ trợ ngành dược Việt Nam phát triển một cách bền vững, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân một cách ổn định và không lệ thuộc vào nước ngoài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội chấn chỉnh lại công tác cung ứng thuốc, kê đơn thuốc trong các bệnh viện. Trừ các loại thuốc mới phát sinh còn trong giai đoạn bảo hộ sở hữu trí tuệ do các hãng dược phẩm phát minh độc quyền thì bác sĩ hoàn toàn có thể lựa chọn thuốc có tên generic tương đương sinh học với thuốc gốc mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị. Ưu tiên sử dụng thuốc trong nước là hành động thể hiện lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc về các sản phẩm do người Việt Nam sản xuất. Để đạt được điều này, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và cộng đồng xã hội cần cùng tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dược trong nước phát triển công nghiệp dược, sản xuất thuốc từ dược liệu; đồng thời các doanh nghiệp dược cần năng động, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm mới, đảm bảo chất lượng, đa dạng chủng loại, hình thức đóng gói bao bì với giá thành hợp lý để tiến tới trong tương lai Việt Nam có thể cơ bản tự túc được thuốc sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân.

Dược sĩ Nguyễn Quý Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Dược Việt Nam cho biết: Công nghiệp dược Việt Nam hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: đầu ra cho sản phẩm, chi phí đầu vào ngày càng tăng (lương, điện, xăng, nguyên liệu, lãi suất, vay ngân hàng...) và quản lý giá bán thuốc. Chính vì vậy, thời gian tới đề nghị các cơ sở điều trị, các bác sĩ ủng hộ doanh nghiệp trong nước bằng cách tăng cường sử dụng thuốc Việt; Nhà nước có cơ chế để tỷ lệ thuốc sử dụng trong cơ sở điều trị tăng lên hàng năm cả về số lượng và giá trị; Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động tuyên truyền thuốc Việt; doanh nghiệp thiết thực quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến từng cơ sở điều trị và bác sĩ.

Theo Bộ Công thương, để ngành Dược Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới, mỗi bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, trong quá trình khám chữa bệnh, kê đơn, đội ngũ thầy thuốc phải có trách nhiệm tư vấn, cung cấp các thông tin về thuốc trong nước đã sản xuất được để góp phần giúp người bệnh giảm chi phí điều trị; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Đồng thời vận động tuyên tuyền các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc đầu tư, nghiên cứu, sản xuất thuốc có chất lượng tốt và giá thành phù hợp phục vụ đông đảo cộng đồng; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về năng lực sản xuất thuốc, tính ưu việt của các sản phẩm thuốc trong nước để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn nhằm loại trừ dần tâm lý “sính” thuốc ngoại trong khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm tăng cường quản lý chất lượng thuốc như: Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng thuốc và nguyên liệu sản xuất ở trong nước; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với ngành dược; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dược và hóa dược; chủ động tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội trợ triển lãm quảng bá sản phẩm...

THU PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết