Sáng 28-5, Quốc hội (QH) làm việc tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nghe thành viên Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và cho ý kiến vào dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản được ban hành sẽ góp phần làm rõ, chuẩn xác nội dung các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tế áp dụng; sửa đổi các quy định chưa phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sự nhất quán giữa các luật liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư, quản lý quá trình đầu tư; đơn giản các thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản và tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản. Luật sửa đổi được ban hành sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống luật pháp về đầu tư xây dựng cơ bản, cải thiện môi trường đầu tư ở nước ta, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đặc biệt là đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội. Giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, bức xúc của các nhà đầu tư về trình tự thủ tục đầu tư, góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Giải quyết về cơ bản những vấn đề chồng chéo, không nhất quán trong hệ thống luật pháp liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành các luật liên quan và quản lý thống nhất về đầu tư xây dựng cơ bản. Góp phần thực hiện tốt các cam kết quốc tế, làm minh bạch hóa trong quản lý đầu tư tạo điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo lập cơ sở pháp lý để thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Ủy ban Kinh tế tán thành với đề nghị của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở vì xuất phát từ thực tiễn việc tồn tại 2 loại giấy: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (giấy đỏ và giấy hồng) và do hai đầu mối (cơ quan quản lý đất đai và cơ quan quản lý nhà ở) thực hiện đã gây nhiều phiền hà cho người dân và các nhà đầu tư, trong khi nhà và đất cũng như các tài sản trên đất đều luôn luôn gắn chặt chẽ với nhau; việc thống nhất 2 loại giấy và do một cơ quan làm đầu mối thực hiện là nguyện vọng của đông đảo cử tri và đã được thảo luận ở nhiều phiên họp của Quốc hội.
Ủy ban Kinh tế đề nghị lấy tên của giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thể hiện hai nội dung chủ yếu là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đã được quy định trong Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Về việc giao cơ quan đầu mối, các ý kiến đều tán thành giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành mẫu giấy chứng nhận thống nhất trong cả nước.
Trong phiên họp sáng, các đại biểu QH đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh. Các đại biểu cho rằng qua 2 năm thi hành, Luật Điện ảnh cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần được điều chỉnh, bổ sung kịp thời để hoạt động điện ảnh tiếp tục phát triển trong tình hình mới. Ngoài ra, với việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một số quy định của Luật Điện ảnh hiện hành không phù hợp với cam kết quốc tế của nước ta trong lĩnh vực này.
Các đại biểu cho rằng, điện ảnh thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng, tác phẩm điện ảnh mang tính đại chúng, có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của nhân dân, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm bảo đảm hoạt động điện ảnh phù hợp với định hướng tư tưởng của Đảng, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
* Tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa vào chiều 28-5, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều khẳng định: sự ra đời của Luật đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đáp ứng ngày càng tích cực hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, việc tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử; thẩm quyền phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hiện nay còn nhiều điều chưa hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, trong luật có quy định mở đối với người có trách nhiệm trong việc trùng tu, tôn tạo di tích nhưng lại rất khó cho người thực hiện. “Ai có thẩm quyền và thẩm quyền đến đâu để tu bổ phục hồi, giữ nguyên yếu tố gốc”- đại biểu Hà nói. Trong báo cáo của Ủy ban Văn hóa có đề cập đến nội dung: Các công trình xây dựng không ảnh hưởng đến cảnh quan di tích, ví dụ như Văn miếu Quốc Tử Giám. Đây là việc làm khó thực hiện nhất là đối với di tích cấp quốc gia. Một nội dung điều chỉnh rất quan trọng của Dự thảo Luật bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa là vấn đề khoanh vùng bảo vệ và trùng tu các di tích lịch sử - văn hóa. Đây là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong quy định gây khó khăn cho công tác bảo vệ và trùng tu di tích.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) cho rằng, điều 48 quy định về các nhiệm vụ của bảo tàng còn thiếu quá nhiều, không cập nhật với những thay đổi trong thực tế bảo tàng hiện nay. Nếu cứ theo nhiệm vụ quy định ở điều này thì nhiều hoạt động của bảo tàng hiện nay và tương lai sẽ là “bất hợp pháp” không được cấp kinh phí cho hoạt động lĩnh vực này. Điều luật này nói đến nhiệm vụ “sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày” mà không đề cập đến hoạt động trình diễn và biểu diễn ở bảo tàng, những công việc mà trước đây 10 năm chưa thấy xuất hiện trong giới bảo tàng nước ta. Hiện nay hoạt động này được coi là hấp dẫn, gây sức thu hút lớn trong công chúng và có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, ví dụ như các nghề thủ công như: rèn, đúc, đan lác...; biểu diễn múa rối, quan họ, cồng chiêng... nếu không được quy định trong luật rất khó cho hoạt động của bảo tàng trong tương lai, càng đẩy bảo tàng vào thế trì trệ.
BÍCH THỦY - LƯU THỊ THOAN (TTXVN)