29/02/2024 - 16:23

Tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn về hộ gia đình sử dụng đất 

Quy định về người sử dụng đất (NSDÐ) là một trong những nội dung quan trọng, xác định rõ, chính danh NSDÐ là yêu cầu tiên quyết để thiết lập hành lang pháp lý khoa học, chặt chẽ và phù hợp các đối tượng điều chỉnh. Luật Ðất đai năm 2024 có nhiều thay đổi trong quy định về NSDÐ theo hướng chính danh cụ thể hơn và sát hơn với thực tiễn sử dụng đất.

Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 3-2023, có nhiều ý kiến đóng góp đối với quy định về NSDĐ, trong đó có hộ gia đình sử dụng đất. Ảnh: T.N

Ðiều 5, Luật Ðất đai năm 2013 quy định NSDÐ là những người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất (QSDÐ) và nhận chuyển QSDÐ. Ngoài những đối tượng nêu trên, Ðiều 4, Luật Ðất đai năm 2024 đã bổ sung NSDÐ là “người đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận QSDÐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (GCNQSDÐ) mà chưa được Nhà nước cấp GCNQSDД và NSDÐ là người thuê lại đất. Việc bổ sung 2 nhóm NSDÐ nêu trên phù hợp với thực tiễn sử dụng đất ở nước ta, đảm bảo sự điều chỉnh của Luật Ðất đai đối với những NSDÐ thực tế.

Hộ gia đình sử dụng đất trong Luật Ðất đai mới với những điều chỉnh chi tiết và quan niệm hộ gia đình là nhóm NSDÐ. Mặc dù 7 nhóm chủ thể liệt kê tại Ðiều 4, Luật Ðất đai năm 2024 đã không còn quy định về NSDÐ là hộ gia đình nhưng khoản 2, Ðiều 27, Luật Ðất đai năm 2024 quy định về quyền giao dịch của nhóm NSDÐ, trong đó bao gồm thành viên hộ gia đình. Ngoài ra, khoản 5, Ðiều 135 quy định về nguyên tắc cấp GCNQSDÐ đối với hộ gia đình thì: “Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một GCNQSDÐ ghi đầy đủ tên thành viên có chung QSDÐ của hộ gia đình trên GCNQSDÐ và trao cho người đại diện. Trường hợp các thành viên có chung QSDÐ của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một GCNQSDÐ ghi tên đại diện hộ gia đình trên GCNQSDÐ và trao cho người đại diện hộ gia đình”. Ðồng thời, quy định việc xác định các thành viên có chung QSDÐ của hộ gia đình để ghi tên trên GCNQSDÐ do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó, khoản 1, Ðiều 259 Luật Ðất đai năm 2024 quy định xử lý chuyển tiếp đối với QSDÐ của hộ gia đình như sau: một là, hộ gia đình sử dụng đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày 1-1-2025 thì được tham gia quan hệ pháp luật về đất đai với tư cách nhóm NSDÐ mà có chung QSDÐ quy định tại khoản 2, Ðiều 27, Luật Ðất đai năm 2024. Hai là, hộ gia đình sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDÐ, nhận chuyển QSDÐ trước ngày 1-1-2025 thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất theo quy định của Luật Ðất đai năm 2024.

Về cá nhân sử dụng đất bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam. Có thể nói, đây là sự thay đổi lớn nhất về chủ thể sử dụng đất so với các Luật Ðất đai trước đây. Luật Ðất đai năm 2013 quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại khoản 6, Ðiều 5 là một nhóm chủ thể độc lập. Hiện nay, Luật Ðất đai năm 2024 quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài chia thành 2 nhóm: một là, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, cùng với cá nhân trong nước (gọi chung là cá nhân) quy định tại khoản 3 Ðiều 4; hai là, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, quy định tại khoản 6, Ðiều 4. Việc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam chung nhóm cá nhân trong nước sử dụng đất sẽ mở rộng đáng kể quyền của NSDÐ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam. Có thể nói, cá nhân trong nước sử dụng đất và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được áp dụng chung một quy chế pháp lý trong quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam.

Khoản 7, Ðiều 4, Luật Ðất đai năm 2024 quy định NSDÐ là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, việc thay đổi này phù hợp với Luật Ðầu tư năm 2020. Căn cứ quy định tại khoản 21, 22 Ðiều 3, Luật Ðầu tư năm 2020 thì tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được hiểu là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

Những sửa đổi, bổ sung trong quy định về NSDÐ thể hiện sự bao quát và chi tiết, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn, điển hình về hộ gia đình sử dụng đất. Quy định mở rộng nhóm chủ thể cá nhân trong nước bao gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng đất đai ở Việt Nam đối với nhóm chủ thể này, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Tiến sĩ CHÂU HOÀNG THÂN - Khoa Luật, Trường Ðại học Cần Thơ

 

Chia sẻ bài viết