19/09/2008 - 08:41

Ông Nguyễn Văn Au, Phó Hiệu trưởng Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ:

Thành lập Trường Đại học kỹ thuật công nghệ Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ thuật, công nghệ

Từ năm 2005, UBND TP Cần Thơ đã có công văn gởi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị Bộ cho phép thành lập Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ (ĐH KTCN) Cần Thơ trên cơ sở Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ. Việc thành lập Trường ĐH KTCN nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP Cần Thơ và ĐBSCL. Tuy nhiên, 3 năm qua, dự án vẫn nằm trên giấy. Phóng viên Báo Cần Thơ trao đổi với ông Nguyễn Văn Ấu, Phó Hiệu trưởng Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, việc thành lập Trường ĐH KTCN Cần Thơ có ý nghĩa như thế nào đối với thành phố và hiện nay đã được xúc tiến đến đâu?

- TP Cần Thơ hiện chỉ có 2 trường ĐH công lập là Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Trường ĐH Y Dược Cần Thơ chuyên đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế. Trường ĐH Cần Thơ tuy đào tạo đa ngành nhưng phục vụ cả vùng ĐBSCL. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu của TP Cần Thơ cũng như ĐBSCL về nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, công nghệ ngày càng lớn. Trong khi đó, cả đồng bằng chưa có trường ĐH chuyên ngành đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực này.

Sau khi UBND TP Cần Thơ có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT chấp thuận chủ trương thành lập Trường ĐH KTCN Cần Thơ, ngày 4-10-2007, Bộ GD&ĐT có Công văn số 10636/BGD&ĐT-TCCB trả lời Bộ sẽ xem xét việc thành lập Trường ĐH KTCN Cần Thơ sau khi tổ chức hội thảo về mạng lưới trường ĐH, cao đẳng khu vực ĐBSCL. Từ khi có Công văn kèm theo đề án thành lập trường gởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo thành phố cũng đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và được lãnh đạo Bộ thống nhất về chủ trương. Trong các chuyến thăm và làm việc tại Cần Thơ của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng; Thành ủy, UBND thành phố đều nêu sự cần thiết phải sớm thành lập trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đều kết luận thống nhất và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các Bộ có liên quan sớm thực hiện. Mới đây, ngày 4-7-2008, Bộ GD&ĐT có Công văn số 5967/CV.BGD&ĐT-TCCB trả lời UBND TP Cần Thơ về việc thành lập Trường ĐH KTCN Cần Thơ cũng với nội dung như trên.

Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ (ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) đang được mở rộng, xây dựng 2 dãy lầu 4 tầng, với tổng kinh phí 14 tỉ đồng. Ảnh: B. NG 

Trong quá trình này, tổ đề án thường xuyên liên hệ với các vụ chức năng của Bộ GD&ĐT để tiếp thu ý kiến đóng góp và chỉnh sửa, hoàn thiện đề án. Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ cũng đang tiếp tục củng cố các hoạt động liên kết đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực... đón đầu sự ra đời của Trường ĐH KTCN Cần Thơ.

* Ông có thể nói cụ thể hơn về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường?

- Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ đang được đầu tư xây dựng 2 dãy lầu 4 tầng với tổng kinh phí 14 tỉ đồng. Dự kiến phân kỳ 1 công trình này sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 10-2008. Trung tâm cũng đang từng bước đầu tư thêm trang thiết bị, trước mắt là trang thiết bị phục vụ cho đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Trung tâm hiện có 127 cán bộ giảng viên, trong đó, có 40 giảng viên có trình độ sau đại học. Để nâng cao trình độ đội ngũ, bổ sung nguồn nhân lực, trung tâm đang tiếp tục đưa cán bộ đi học sau đại học và “đặt hàng” cán bộ theo học đề án Cần Thơ- 150. Có thể nói, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên như hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu ban đầu của việc thành lập Trường ĐH KTCN Cần Thơ. Ngoài ra, trung tâm còn có thuận lợi là hơn 25 năm qua, việc quản lý đào tạo của trung tâm như một trường đại học.

Tuy nhiên, so với nhu cầu của một trường ĐH KTCN, hiện nay, đội ngũ giảng viên của trung tâm vẫn còn thiếu, yếu. Trung tâm đang kiến nghị UBND TP bổ sung kinh phí hoạt động cho trung tâm để có thể thu nhận thêm người, đưa đi đào tạo. Mặt khác, UBND thành phố đã có quyết định cấp thêm 18,4 ha ở quốc lộ 91B cho trung tâm xây dựng cơ sở vật chất, nhưng trung tâm lại gặp khó về khâu giải phóng mặt bằng.

* Trường ĐH KTCN Cần Thơ có qui mô như thế nào và sẽ tập trung đào tạo những ngành nghề nào, thưa ông?

- Qui mô đào tạo của trường sẽ dần được nâng lên theo thời gian để đạt mức từ 10.000 sinh viên trở lên. Cụ thể, dự kiến năm học 2009-2010, trường sẽ đào tạo 7.500 sinh viên; đến năm học 2014-2015 số lượng sinh viên của trường đạt trên 11.800 người. Trường sẽ tập trung đào tạo hệ chính qui, giảm dần liên kết đào tạo hệ không chính qui. Mặc dù giảm đào tạo không chính qui nhưng trường vẫn duy trì và tăng cường liên kết đào tạo với các trường ĐH khác để mở rộng ngành nghề, qui mô đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương.

Về ngành nghề đào tạo, trường chia 3 nhóm ngành lớn: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật nông nghiệp - với khoảng 30 ngành. Trong 3 nhóm ngành trên, trường sẽ ưu tiên đào tạo nhóm ngành công nghệ thông tin, gồm các ngành: Tin học quản lý, Tin học ứng dụng, Công nghệ phần mềm... Hiện nay, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ giảng viên của Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ có thể đáp ứng 100% nhu cầu đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin. Ở nhóm ngành Kỹ thuật công nghiệp, trường sẽ đào tạo các ngành: Điện tử viễn thông, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật may thời trang... Ở nhóm ngành Kỹ thuật nông nghiệp, trường sẽ ưu tiên đào tạo các ngành: Chăn nuôi, Nuôi trồng thủy sản... phục vụ cho định hướng phát triển nông nghiệp chất lượng cao của thành phố.

* Hiện nay, các trường ĐH ở ĐBSCL cũng đang đào tạo một số ngành kỹ thuật, công nghệ. Ra đời sau, Trường ĐH KTCN Cần Thơ có định hướng như thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo, có thể cạnh tranh với các trường ĐH khác, thưa ông?

- Trong định hướng của Trường ĐH KTCN Cần Thơ, trường sẽ đào tạo theo hướng chuyên sâu, phù hợp với thực tế của địa phương. Căn cứ vào chương trình khung của Bộ GD&ĐT, trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo sát hợp với nhu cầu của thành phố, của vùng. Chẳng hạn, ở ngành thủy sản, chương trình đào tạo sẽ đi sâu vào cung cấp kiến thức, nghiên cứu về nuôi cá nước ngọt với các giống cá cụ thể, như: cá tra, cá ba sa... Hay về chăn nuôi, trường sẽ đào tạo cụ thể về chăn nuôi heo, bò... Như vậy, khi ra trường, sinh viên dễ dàng thích nghi với công việc hơn.

Thời gian qua, Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ có mời một số cán bộ, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giảng dạy cho sinh viên. Khi Trường ĐH KTCN Cần Thơ được thành lập và đi vào hoạt động, cách làm này sẽ tiếp tục được phát huy và mở rộng hơn. Đồng thời, trường sẽ làm việc với các đơn vị sản xuất kinh doanh, tìm hiểu nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh chương trình, ngành nghề đào tạo và hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên có nơi thực hành, thực tập. Trường sẽ đào tạo đúng ngành nghề, đúng nhu cầu của xã hội, tránh tình trạng lãng phí chất xám.

* Xin cảm ơn ông!

BÍCH NGỌC (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết