06/12/2010 - 21:04

Thành lập mới 2 trường đại học là phù hợp với nhu cầu phát triển

Ngay sau khi Chính phủ có chủ trương cho phép Trung tâm Đại học (ĐH) Tại chức Cần Thơ nâng cấp thành Trường ĐH Kỹ thuật và Công nghệ (KT&CN) Cần Thơ và UBND TP Cần Thơ chấp thuận cho Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ xúc tiến xây dựng đề án thành lập Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật nông nghiệp (KT-KTNN) Cần Thơ đã có nhiều ý kiến cho rằng nên và không nên thành lập mới 2 trường ĐH này. Phóng viên Báo Cần Thơ đã gặp gỡ và ghi nhận ý kiến của lãnh đạo UBND TP và một số nhà chuyên môn xoay quanh vấn đề vừa nêu.

* ÔNG TÔ MINH GIỚI, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP CẦN THƠ:
UBND TP sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sớm hoàn thành đề án thành lập trường ĐH

 

- Trong xu hướng phát triển hiện nay của TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, việc có thêm trường ĐH KT-KTNN và ĐH KT&CN là phù hợp với yêu cầu đang đặt ra. Bởi, lực lượng lao động ở TP Cần Thơ và ĐBSCL đa số là làm nông nghiệp. TP Cần Thơ có được 2 trường ĐH này sẽ có điều kiện thuận lợi để đào tạo một lực lượng kỹ thuật cao phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, để thành lập được trường ĐH, đòi hỏi các trường phải năng động, xây dựng chiến lược trong nhiều năm tới về nguồn kinh phí hoạt động, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... để bảo vệ đề án trước Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với Trường ĐH KT-KTNN Cần Thơ phải hoàn thành sớm đề án trình UBND TP Cần Thơ vào giữa tháng 12-2010, để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ. Trường này mục tiêu chính là đào tạo cán bộ kinh tế, kỹ thuật cho nông nghiệp; đào tạo những kỹ sư phục vụ cho công nghệ sau thu hoạch... Đối với Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ cần tính đến nguồn lực con người, cơ sở vật chất. Trước mắt là bổ sung nhân sự, trang thiết bị thực hành theo đúng tiêu chí của một trường ĐH. UBND TP Cần Thơ sẽ hỗ trợ, tạo các điều kiện thuận lợi nhất để 2 trường nhanh chóng hoàn thành đề án thành lập trường ĐH. Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cùng với một số sở ngành liên quan là những đơn vị trực tiếp hỗ trợ cho 2 trường này để hoàn thành sớm đề án đã định.

* PGS.TS HÀ THANH TOÀN, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ:
Trường sẵn sàng hỗ trợ con người, cơ sở vật chất cho trường ĐH mới
thành lập

 

- Quan điểm của Trường ĐHCT là ủng hộ thành lập 2 trường ĐH vì phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện nay, ĐBSCL còn nặng về nông nghiệp nhưng trong 5-10 năm tới, chiến lược phát triển công nghiệp - thương mại dịch vụ rất cao nên rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Trường ĐH Cần Thơ xác định chiến lược phát triển trong tương lai là không tăng qui mô đào tạo đại học, tập trung phát triển đào tạo sau đại học nên việc thành lập các trường ĐH hoàn toàn không có sự cạnh tranh về nguồn học sinh. Trường ĐH Cần Thơ sẽ hỗ trợ giảng viên giảng dạy một số môn học mà trường ĐH mới thành lập còn thiếu; cũng như một số phòng thí nghiệm thực hành cho sinh viên thực tập.

10 năm gần đây, ĐBSCL đã có 9 trường ĐH thành lập. Trong khi đó, để đào tạo một con người có trình độ tiến sĩ phải mất ít nhất 7-10 năm. Nếu chuẩn bị không kỹ, các trường ĐH mới thành lập khó tránh khỏi thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Thực ra, nhà nước có qui định về quản lý, thành lập ĐH rõ ràng nhưng đội ngũ cán bộ thẩm định và bản thân các trường chưa thực thi đầy đủ, đây chính là kẽ hở tạo nên không đạt chuẩn ở các trường mới thành lập. Điều kiện quan trọng nhất ở 2 trường này là phải minh bạch đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất để thu hút học sinh.

Có nhiều người cho rằng Trường ĐH Cần Thơ nên phát triển thành trường ĐH vùng, với nhiều trường ĐH thành viên. Nhưng, quan điểm của trường là muốn xây dựng 1 trường thống nhất và có khả năng đoàn kết, hỗ trợ với nhau cùng phát triển. Thành lập các trường ĐH trực thuộc từ các khoa sẽ tạo sự tự chủ lớn hơn cho các khoa nhưng khối liên kết sẽ khó khăn hơn, trong khi đó, điều kiện quản lý liên kết của ngành giáo dục chưa được chặt chẽ.

* ÔNG NGUYỄN QUỐC VỮNG, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM GIỚI THIỆU VIỆC LÀM THANH NIÊN TP CẦN THƠ:
Cần chú ý đào tạo “kỹ năng mềm” cho sinh viên

 

- Việc mở ra các trường ĐH, cao đẳng, dạy nghề là chủ trương tốt nhằm tạo cho người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn ngành học, trường học; đồng thời phát triển mạng lưới giáo dục- đào tạo góp phần đáng kể nâng cao trình độ nguồn nhân lực địa phương. Ở một số nước tiên tiến đã thực hiện việc xã hội hóa giáo dục khá lâu, bằng cách là nhiều nhà tỉ phú có thừa tiền, thay vì làm từ thiện thì họ đầu tư cho một khoa hay một trường đào tạo, với mục tiêu là đào tạo nhân tài cho quốc gia.

Trong điều kiện có nhiều trường ĐH, nguyên tắc chung là sẽ có sự cạnh tranh giữa các trường vì xã hội có quyền chọn trường đào tạo có chất lượng. Với góc độ là người phân phối “sức lao động” cho nhà tuyển dụng, tôi thấy, có những trường ĐH chất lượng đào tạo không cao. Bởi, nhiều sinh viên có bằng đại học, Anh văn, Tin học nhưng năng lực chưa tương thích với bằng đã cấp làm ảnh hưởng đến học vị, uy tín của các trường. Điều này cho thấy, các trường chỉ đào tạo những gì mình có chứ không phải đào tạo cho nhu cầu xã hội sử dụng. Đặc biệt, điểm yếu chung của các trường là đào tạo sinh viên thiếu “kỹ năng mềm”, nhất là xác định mục tiêu nghề nghiệp. Hằng năm, Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 10.000 lượt lao động, trong đó khoảng 80% có trình độ trung cấp trở lên. Nhưng, số lao động có việc làm chỉ trên 4.000 lao động. Trường hợp không tìm được việc làm là do người lao động thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chiếm 60%.

* THẠC SĨ LÊ THÁI DƯƠNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG CƠ ĐIỆN VÀ NÔNG NGHIỆP NAM BỘ:
Cần xác định nhu cầu thực của địa phương và nhân dân

 

- TP Cần Thơ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của ĐBSCL. Việc thành lập mới các trường ĐH tại TP Cần Thơ là hợp lý. Tuy nhiên, TP Cần Thơ cần khảo sát kỹ nhu cầu thực về nguồn nhân lực ở địa phương và ĐBSCL trong những năm tới. Từ đó, lãnh đạo thành phố xác định nhu cầu cần thiết thành lập trường ĐH mới. Bởi vì, trên địa bàn TP Cần Thơ đã có một số trường ĐH và một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng đã có trường ĐH. Khi thành lập trường ĐH mới, thành phố nên bám sát vào nhu cầu thực tế của địa phương và người dân, từ đó đào tạo những ngành nghề, số lượng phù hợp, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, tránh trùng lắp, lãng phí. Việc thành lập mới một trường ĐH phải đảm bảo 3 yếu tố: con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị... nên mỗi trường cũng cần có chiến lược phát triển cụ thể từ nay đến những năm tiếp theo để phát triển bền vững.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã đưa vào sử dụng khu nhà ở sinh viên. Ảnh: B.Ng 

Bên cạnh đó, TP Cần Thơ có thể nghiên cứu mô hình trường ĐH vùng ở các tỉnh, thành trong cả nước. Ví dụ như ĐH Đà Nẵng, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh... TP Cần Thơ có Trường ĐH Cần Thơ nếu phát huy tối đa nguồn lực vẫn có thể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, nghĩa là nâng Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH vùng, có nhiều trường ĐH trực thuộc (ĐH Nông nghiệp, ĐH Công nghệ, ĐH Sư phạm...). Phương án này sẽ hay hơn, bởi các trường ĐH thành viên sẽ đào tạo những ngành nghề không trùng lắp và bài toán kinh tế sẽ hiệu quả hơn.

BÍCH KIÊN (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết