21/12/2023 - 12:27

Thành công với mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính 

Đầu tư trang trại trồng nấm rơm trong nhà kính trên diện tích 500m2, chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến (33 tuổi, ngụ xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) thu hoạch được 10-25kg nấm mỗi ngày, mang về khoản thu nhập ổn định.

Chị Yến giới thiệu sản phẩm nấm rơm được trồng trong nhà kín.

Chị Yến tốt nghiệp trung cấp ngành kế toán. Sau 10 năm trải nghiệm làm việc tại TP Long Xuyên với mức lương ổn định, nhưng niềm đam mê với nông nghiệp đã thôi thúc vợ chồng chị trở về quê lập nghiệp, hiện thực hóa giấc mơ làm giàu từ nấm rơm trên chính mảnh đất quê hương.

“Làm việc tại TP Long Xuyên hơn 5 năm, rồi chuyển đến làm việc tại TP Cần Thơ thêm 5 năm nữa và tình cờ học được nghề trồng nấm rơm. Thấy ở quê đa phần bà con theo đạo ăn chay, nấm rơm là mặt hàng không sợ ế; nguồn rơm từ việc canh tác lúa vô cùng dồi dào nên ấp ủ dự định khởi nghiệp. Khi đó hai vợ chồng vừa làm, vừa học nghề, trải nghiệm qua tất cả các cách làm, rút ra những ưu nhược điểm của nghề trồng nấm để khi bắt tay vào làm hạn chế được rủi ro”, chị Yến nói.

Tháng 9-2020, vợ chồng chị Yến quyết định nghỉ việc trở về quê dựng trại trồng nấm mang tên Tài Phát trên mảnh đất của gia đình. Chi phí dựng trại, đầu tư thiết bị khoảng hơn 200 triệu đồng, số tiền này chủ yếu do vợ chồng chị tích lũy và mượn từ cha mẹ.

“Đất thì vợ chồng tôi mượn của cha mẹ chồng, tiền đầu tư làm trại thì mượn thêm của cha mẹ ruột. Mất thời gian gần nửa năm trồng thử nghiệm, điều khiển nhà nấm thích nghi được với nhiệt độ, môi trường ở quê. Lúc đó làm thì không tới nỗi lỗ, nhưng không có lời. Sau đó, khi đã nghiên cứu kỹ về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp và làm chủ được nó thì việc trồng mới thành công”, chị Yến kể.

Đến đầu năm 2023, vợ chồng chị Yến mở rộng diện tích trại nấm lên đến 500m2, với 8 nhà trồng nấm, diện tích mỗi nhà khoảng 30-60m2. Mỗi nhà nấm được xây kín, bên trong có giá 3 tầng bằng sắt để chất nấm lên trồng, cùng nhiều thiết bị máy móc hiện đại để duy trì độ ẩm, nhiệt độ thích hợp để nấm phát triển. Theo chị Yến, nấm trồng trong nhà khắc phục được hầu hết các nhược điểm của cách trồng truyền thống, ít tốn diện tích, giá thể rơm, khống chế nấm bệnh và điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, có thể trồng được 15-16 vụ mỗi năm… “Ban đầu tôi trồng nấm rơm theo dạng trụ, nhưng sau thời gian trồng thấy nhiều bất tiện bởi khi nhân lên quy mô sản xuất kiểu công nghiệp thì mô hình này không thể đáp ứng được. Về sau, tôi chuyển hoàn toàn sang trồng theo dạng kệ với 3 tầng với chiều dài từ 6-7m mỗi kệ, chất rơm lên trồng cho hiệu quả cao hơn”, chị Yến cho biết.

Nấm trồng khoảng 20-22 ngày có thể cho thu hoạch. Mỗi ngày chị Yến thu hoạch đều đặn từ 10-15kg, thậm chí có những đợt thu hoạch rộ lên đến 20-25 kg/ngày. Nấm được chị bán cho khách mối tại các chợ truyền thống với giá bán 65.000 đồng/kg, đem lại thu nhập từ vài trăm đến hơn một triệu đồng/ngày.

Tháng 8-2023, trong những lần đi học tập, tham quan mô hình ở Hậu Giang, nhận thấy ở nhiều nơi tận dụng mít, khoai, tôm, cá, hàu, mực… để làm bánh phồng, nhưng chưa có sản phẩm nào chế biến từ nguyên liệu nấm rơm. Từ đó chị Yến nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nấm rơm để làm ra loại bánh phồng chay, nhằm đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu của những người ăn chay. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến việc hiện thực hóa gặp nhiều khó khăn, bởi bánh làm ra khi chiên không phồng, hương vị nấm chưa thật sự hấp dẫn. Sau thời gian thử nghiệm, chị tìm được công thức chuẩn để tạo ra loại bánh phồng nấm mới lạ. Theo chị Yến, giai đoạn làm thử, chị chủ yếu đem bánh phồng phơi nắng tự nhiên, phải mất 2 ngày mới khô. Tuy nhiên, quy trình sản xuất trại nấm đã đăng ký theo chuẩn an toàn thực phẩm, thấy việc phơi ngoài trời không đảm bảo, chị đã đầu tư thêm máy sấy, giúp sản phẩm có độ đồng đều, đảm bảo chất lượng, nhất là an tâm về độ an toàn, sạch sẽ.

Sản phẩm mới hoàn thiện vào ngày 20-10-2023. Sau đó chị Yến đem sản phẩm tham gia dự cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ 7 năm 2023” và giành Giải nhất cuộc thi này. Chị Yến cho biết, đang xúc tiến đăng ký độc quyền cho sản phẩm và sản xuất bán rộng rãi trên thị trường với giá khoảng 25.000 đồng/100gr. Chị Trương Thanh Thúy, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang đánh giá cao ý tưởng bánh phồng nấm của Yến: “Sản phẩm bánh phồng của Yến sáng tạo và mới lạ, chưa từng có trên thị trường, vừa ra mắt đã thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng”.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết