06/10/2019 - 08:44

Đưa văn hóa truyền thống vào nghệ thuật

Thận trọng nhưng đừng khắt khe! 

“Tôi cho đây là xu hướng rất thú vị, ít nhất các bạn trẻ đã có ý thức tìm về với văn hóa nguồn cội của dân tộc”. Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã nói như vậy về hiện tượng các nghệ sĩ trẻ ngày càng chú trọng khai thác yếu tố văn hóa trong các sản phẩm nghệ thuật. Văn hóa là nét đẹp, vậy nên cần thận trọng để nét đẹp ấy thăng hoa nhưng cũng đừng quá khắt khe để các nghệ sĩ có thể sáng tạo.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường còn động viên các nghệ sĩ trẻ: “Văn hóa của mỗi dân tộc ở Việt Nam là một trái núi lớn, các bạn trẻ hãy học cách trèo lên trái núi đó”. Một trong những “nhà leo núi” nổi bật nhất hiện nay là ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Sau thành công của các video ca nhạc (MV) “Bánh trôi nước”, “Ngữ Văn”…, Hoàng Thùy Linh lại tạo được cơn sốt với MV “Để Mị nói cho mà nghe!”. MV này là sự “tổng hòa” dễ thương hình ảnh các nhân vật trong văn học Việt Nam như Mị, A Phủ (trong “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài), Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao… rồi còn có những tình tiết trong “Vợ nhặt” của Kim Lân, “Chí Phèo” của Nam Cao, “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố… Điều thú vị ở MV này là Hoàng Thùy Linh đã xâu chuỗi các nhân vật với nhau bằng một câu chuyện và chêm xen những tình tiết hiện đại hóa.

Ca sĩ Tân Nhàn, một giọng ca nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng và trữ tình quê hương, cũng nỗ lực đưa văn hóa Việt vào sản phẩm nghệ thuật với MV “Cô Đôi Thượng Ngàn”. Cũng là nét văn hóa tâm linh dân gian Bắc bộ quen thuộc, nhưng Tân Nhàn làm mới bằng những hình ảnh đẹp và âm nhạc bắt tai. Ca sĩ Bích Phương, một giọng ca trẻ, cũng thành công với kiểu khai thác, lồng ghép văn hóa Việt vào sản phẩm âm nhạc. MV “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” là một ví dụ, khi Bích Phương tái hiện một đám cưới Tây Bắc với đủ đầy các nghi lễ thú vị, chi tiết đến từng trang phục, lễ nghi, cảnh trí…

Một cảnh trong MV “Để Mị nói cho mà nghe”. Đoạn này tái hiện cảnh nhặt vợ trong tác phẩm “Vợ nhặt”. Ảnh chụp màn hình

Điểm mấu chốt tạo thành công của các MV này là khai thác yếu tố văn hóa truyền thống nhưng có sự biến tấu, khai thác yếu tố nổi trội. Khi ấy, văn hóa truyền thống sẽ trở thành chất liệu nghệ thuật. Ví như như một giai điệu dân ca nhưng được tấu lên bởi một dàn hòa âm phối khí trẻ trung; hay ngược lại, một ca khúc thời thượng nhưng được thể hiện bởi nhạc cụ truyền thống. Trở lại với thành công của MV “Để Mị nói cho mà nghe!” của Hoàng Thùy Linh, vẫn là chất liệu âm nhạc dân gian Tây Bắc nhưng DTAP - nhóm nhà sản xuất MV đều là những chàng trai rất trẻ - đã khéo léo đưa nhạc rap, EDM một cách hài hòa.

Việc đưa văn hóa vào sản phẩm nghệ thuật đòi hỏi nghệ sĩ phải thận trọng bởi như “con dao hai lưỡi”. Hay và trọn vẹn thì đáng khen nhưng đôi khi chỉ cần một chút thiếu hiểu biết thì sẽ tạo hiệu ứng không tốt. Vụ việc Đài Truyền hình Việt Nam lấy chiếu khăn Piêu - một “vật thiêng” của đồng bào Thái để ca sĩ “đóng khố” trước đây là một bài học. Gần đây nhất, MV “Tứ Phủ” của Hoàng Thùy Linh cũng tạo dư luận trái chiều về việc nên hay không nên đưa văn hóa tâm linh vào nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đều cho rằng, “Tứ Phủ” của Hoàng Thùy Linh là vừa phải và không làm sai lệch tín ngưỡng Tứ Phủ.

Thực tế, hầu như ca sĩ nào khi mang văn hóa truyền thống vào nghệ thuật cũng ít nhiều bị dư luận “nói vào nói ra” rằng: “dựa hơi”, “làm màu”… Có thể dư luận đã khắt khe nhưng nghệ sĩ cũng cần trách nhiệm hơn với sản phẩm nghệ thuật của mình, bằng sự thông minh, tài nghệ và cả sự táo bạo,  đột phá. Nói như nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: “Đòi hỏi phải có một tầm tri thức về văn hóa, bên cạnh sự hiểu biết về âm nhạc và sự thức thời của tuổi trẻ. Và để bồi đắp được điều này, không gì có thể thay thế được việc học hỏi, đam mê tìm tòi, sáng tạo”.

Duy Lữ

Chia sẻ bài viết