24/07/2022 - 08:44

Tham vấn rộng rãi quy hoạch phát triển TP Cần Thơ 

Vừa qua, tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo báo cáo Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đồng chí nguyên lãnh đạo TP Cần Thơ qua các thời kỳ đã có những đóng góp cho dự thảo quy hoạch và đề xuất thành phố cần đảm bảo các điều kiện để quy hoạch Cần Thơ với vai trò là trung tâm, động lực và đầu tàu của vùng ÐBSCL.

TP Cần Thơ quy hoạch phát triển hướng đến đô thị văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Một góc đô thị thành phố.

Tầm nhìn tương lai

Theo đơn vị tư vấn, điểm nổi bật chính của Quy hoạch tổng thể TP Cần Thơ là đề ra tầm nhìn tham vọng cho Cần Thơ, “trái tim” của ÐBSCL để từ đó chuyển dịch sang các ngành có giá trị cao và trở thành một trong những thành phố thông minh và đáng sống nhất Việt Nam. Ðịnh hướng phát triển kinh tế có trọng tâm được xây dựng với các mục tiêu cụ thể; có 6 ngành ưu tiên tiêu biểu được chọn: kinh doanh nông nghiệp, năng lượng, dược phẩm, hậu cần, du lịch, bán lẻ. Xây dựng hệ sinh thái để phát triển bền vững; hệ sinh thái các ngành hỗ trợ lẫn nhau và được tích hợp với các định hướng môi trường và xã hội; hệ sinh thái có vai trò to lớn ở khu vực ÐBSCL...

Ðể đạt được tầm nhìn tham vọng trên, Quy hoạch của TP Cần Thơ chú trọng vào cả 3 trụ cột phát triển và các yếu tố hỗ trợ: phát triển kinh tế, phát triển xã hội, bền vững môi trường… Về chiến lược đến năm 2030: “trái tim” của vùng ÐBSCL; phát triển trở thành trung tâm kinh doanh nông sản và trung tâm sản xuất giá trị cao của ÐBSCL. Ðó là định hướng đi lên trong chuỗi giá trị để trở thành trung tâm chế biến, kinh doanh nông sản và trung tâm R&D; phát triển nhanh chóng dịch vụ hậu cần hiện đại hợp nhất làm ngành trụ cột để giải quyết tình trạng tắc nghẽn trong khu vực và tạo điều kiện cho các ngành khác phát triển; tiếp tục mở rộng nền công nghiệp sản xuất sang hướng ứng dụng công nghệ cao (dược phẩm, năng lượng tái tạo). Ðồng thời, triển khai đầy đủ các dịch vụ tiêu dùng (du lịch, bán lẻ…) phục vụ khu vực và quảng bá thương hiệu Cần Thơ là điểm đến lý tưởng trong vùng; nâng cao tay nghề của người lao động; hướng tới các dịch vụ và hoạt động chế biến, chế tạo có giá trị cao hơn; thu hút nhân tài quốc gia và quốc tế để phát triển các cụm mới; giữ gìn không gian xanh và cân nhắc đến các yếu tố môi trường khi phát triển cơ sở hạ tầng để cải thiện điều kiện sống, phát triển một cách bền vững.

Về phát triển không gian, coi toàn bộ Cần Thơ là đô thị, với các khu đô thị có tính chất khác nhau, trọng tâm khác nhau; đô thị mang tính chất đặc thù vùng ÐBSCL, về cấu trúc, mật độ; tập trung vào các công năng trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch đầu mối hạ tầng kỹ thuật (sân bay, hàng hải, ga tàu), hạ tầng xã hội cấp vùng; tạo thành những khu vực đô thị trọng điểm cấp vùng, thay vì công năng phân tán; đô thị đối trọng, vệ tinh của vùng TP HCM. Ðô thị sinh thái sông nước: mặt tiền chính toàn đô thị là sông Hậu; bản sắc của từng quận, huyện là các sông nhánh Cần Thơ, Cái Răng, Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Nóc; bản sắc miệt vườn sông nước ở các lưu vực sông nhánh tự nhiên; bản sắc hội tụ kênh rạch tại Cờ Ðỏ - Thới Lai (vùng hội tụ và vùng trũng sinh thái đất ngập nước); phát huy đa dạng sinh học trên bờ và dưới nước ngay trong đô thị… Ðô thị hiện đại văn minh: song hành giữa đô thị thực và đô thị số (3 cấp độ về đô thị thông minh là kỹ thuật số - con người thông minh - cộng đồng thông minh); phát triển đô thị lấy con người làm trung tâm; phát triển đô thị xanh. TP Cần Thơ cũng được chia thành 3 vùng phát triển: vùng lõi trung tâm đô thị phía Nam (khoảng 35.000ha) sông Ô Môn, vùng phát triển kinh tế phía Bắc (khoảng 69.000ha) và vùng cải tạo sinh kế nông nghiệp phía Tây đường cao tốc An Giang - Trần Ðề (khoảng 37.000ha).

Cần tham vấn rộng rãi về quy hoạch

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, nỗ lực phấn đấu của đơn vị tư vấn, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, quận, huyện, cùng việc tranh thủ sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương, các địa phương lân cận trong quá trình thực hiện, đến nay dự thảo Quy hoạch TP Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành. Nội dung quy hoạch được thực hiện dựa trên cơ sở, cách tiếp cận khoa học, so sánh đối chuẩn với các thành phố phát triển trên thế giới có các đặc tính, điều kiện tương đồng; đặt trong tổng thể phát triển của cả vùng trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là vai trò trung tâm vùng ÐBSCL, vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong. Qua đó, hướng tới mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển TP Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Tại hội nghị mới đây, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho nội dung dự thảo báo cáo quy hoạch TP Cần Thơ. Ðó là cần quy hoạch TP Cần Thơ đảm bảo là trung tâm, động lực và đầu tàu của vùng ÐBSCL; dựa vào hệ thống sông rạch để quy hoạch phát triển thành phố, thể hiện được thành phố sông nước đặc trưng vùng ÐBSCL; ngoài ra quy hoạch phát triển các ngành kinh tế có thế mạnh của thành phố, phát triển du lịch sinh thái; y tế, giáo dục của Cần Thơ phải trở thành trung tâm của vùng ÐBSCL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa các ngành này…

Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: Quy hoạch này như con đường để chỉ ra cho TP Cần Thơ phát triển trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, Hội đồng Quy hoạch thành phố, nhóm tư vấn tiếp thu ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố; phải bàn bạc kỹ lưỡng, thực hiện nghiên cứu để đưa vào bản quy hoạch. Nhóm tư vấn cũng phải nghiêm túc bố trí nguồn lực, nhân sự và thời gian làm việc kỹ với các sở, ngành, UBND thành phố, Hội đồng Quy hoạch thành phố để thực hiện quy hoạch. Các sở, ngành phải hoàn thiện sớm hệ thống bản đồ chi tiết và tổ chức cung cấp thông tin trên mạng, trên cổng thông tin quy hoạch của thành phố để lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Cuối tháng 7 và trong tháng 8-2022 tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi hơn để tiếp tục tiếp thu, ghi nhận để hoàn thiện dự thảo đồ án quy hoạch; song song đó lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương cũng như hoàn thiện quy hoạch trước khi trình Hội đồng Quy hoạch quốc gia.

Chia sẻ bài viết