08/01/2021 - 10:37

Thầm lặng bảo vệ đê biển Tây 

Sống trong đê phòng hộ biển Tây, ông Nguyễn Thanh Tuấn (ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nhiều lần chứng kiến nhà cửa, đất đai bị sóng biển tàn phá. Trước diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết, đê biển Tây - lá chắn sống còn của hàng ngàn hộ dân trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, nhiều lần như chực vỡ, làm ông Tuấn tự thấy phải có trách nhiệm bảo vệ đê như chính gia đình mình.

Ông Tuấn âm thầm góp phần bảo vệ đê biển Tây.

Ông Tuấn âm thầm góp phần bảo vệ đê biển Tây.

Tiên phong “giành đất với biển”

Nhiều năm qua, cứ mùa mưa bão, nhìn những con sóng dữ đánh nham nhở thân đê, uy hiếp vùng ngọt hóa với hàng ngàn hộ dân sinh sống, ông Tuấn càng thêm lo lắng và tự thấy phải có trách nhiện bảo vệ đê. Ở vùng này, ông Tuấn là người hiểu rõ nhất cái “nết” của những cơn sóng rình rập từ hướng biển Tây. Ông kể: Khoảng những năm 2000, rừng phòng hộ bên ngoài đê kéo dài khoảng 500m mới ra tới biển. Sinh kế của gia đình ông cũng như nhiều hộ dân nơi đây chính là nuôi tôm dưới tán rừng. Bà con sống khỏe, thậm chí khá giả nhờ con tôm sú nuôi tự nhiên. Tuy nhiên, sau đó thời tiết trở nên cực đoan, sóng biển tàn phá rừng phòng hộ. Khoảng những năm 2010, mảnh đất sản xuất gần 4ha của gia đình ông cũng trôi theo những cơn sóng, không còn nuôi tôm được nữa.

Mấy năm liên tiếp sau đó, nhiều vị trí tại đoạn đê biển Tây từ Ðá Bạc - Kênh Mới, sóng biển đã đánh vào tới chân đê. Cơ quan chức năng đã triển khai khẩn cấp những biện pháp để bảo vệ đê và ông Tuấn luôn đi đầu trong cuộc chiến “giành đất với biển”. “Bảo vệ đê không chỉ là bảo vệ gia đình mà còn bảo vệ đông đảo bà con sống trong đê. Ðây là việc làm có ích nên tôi tự nguyện tham gia, thường xuyên đi kiểm tra các vị trí xung yếu. Ðặc biệt, chỗ nào sạt lở nguy hiểm phải đến xem trực tiếp để nắm tình hình rồi báo cho cơ quan chức năng” - ông Tuấn chia sẻ.

Cứ thế, nhiều năm liền, ông Tuấn cần mẫn như con ong thợ, hằng ngày bám đê để kịp thời ứng cứu khi có sự cố. Vừa qua, ông được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ quản lý đê nhân dân ở địa phương, mặc dù chính sách hỗ trợ còn hạn chế nhưng ngày ngày ông vẫn đều đặn đi kiểm tra đoạn đê do tổ ông phụ trách. Ðặc biệt những lúc gió lớn, sóng biển uy hiếp thân đê, ông luôn là người có mặt đầu tiên tại hiện trường để ghi nhận, kịp thời báo cáo. Trong đợt triều cường kỷ lục vào tháng 8-2019, sóng biển tràn qua mặt đê biển Tây, nguy cơ vỡ đê rất lớn. Lúc này, chính những thông báo chính xác của ông đã giúp cơ quan chức năng kịp thời ứng phó.

Làm bạn với đê biển

Ông Tuấn cho biết luôn mong muốn góp một phần sức mình vào xây dựng quê hương và “làm bạn với đê biển” là cách ông lựa chọn, vì bảo vệ đê cũng là bảo vệ tính mạng, tài sản của người thân và hàng xóm nơi mình ở. Trong công việc, trách nhiệm luôn được ông đặt lên hàng đầu nên khi những cơn sóng dữ lấy đi tài sản lớn nhất - vuông tôm của gia đình, sóng lớn làm ngập nhà, thiệt hại nhiều tài sản vẫn không khiến ông sợ hãi.

Ông Tuấn cho biết khi đứng trên đê, hình ảnh một bên là sóng dữ, một bên là ruộng lúa xanh tốt, cùng nhà cửa, tài sản của hàng ngàn hộ dân khiến ông càng thêm quyết tâm giữ đê. Cũng chính vì vậy khi triển khai các biện pháp bảo vệ đê, bất kể ngày đêm chưa bao giờ thiếu vắng ông Tuấn. “Ở những nơi xung yếu lực lượng chức năng phải làm ngày, làm đêm để bảo vệ đê. Tranh thủ lúc thủy triều nhỏ để làm, anh em không về thay quần áo, ngồi xổm ăn cơm, ăn xong làm tiếp để bảo vệ đê. Thấy anh em cực khổ vậy, mình cũng quyết tham gia cùng làm” - ông Tuấn tâm sự.

Những năm gần đây, thời tiết ngày càng cực đoan hơn, đoạn đê biển Tây mà ông Tuấn quản lý cũng bị tàn phá nặng nề hơn và việc làm của ông Tổ trưởng Tổ quản lý đê nhân dân lại càng thêm ý nghĩa. Không chỉ vậy, ông còn đứng ra vận động người dân địa phương góp sức cùng lực lượng chức năng bảo vệ đê. Ông Bùi Văn Ðông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Cà Mau, cho biết: “Ông Tuấn rất có trách nhiệm, như là người đi tiền trạm của hạt quản lý đê điều. Khi có sự cố đê là ông báo cho hạt quản lý đê, trực tiếp là tôi. Ðồng thời, ông còn chủ động tuyên truyền, vận động người dân xung quanh cùng ra sức bảo vệ đê. Bà con tùy theo khả năng hỗ trợ lực lượng hộ đê, khi thì chỗ nghỉ ngơi, lúc nước uống, thậm chí là nấu cơm cho anh em ăn để làm nhiệm vụ”.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

 

Chia sẻ bài viết